Ai Cập: Quân đội sẽ can thiệp khi xảy ra hỗn loạn
Thế giới - Ngày đăng : 15:57, 10/02/2011
Những người biểu tình cắm trại tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo ngày 7/2, ngày thứ 14 của cuộc biểu tình. (Ảnh: AFP) |
Tình hình Ai Cập tiếp tục diễn biến phức tạp với việc bạo lực xảy ra tại nhiều nơi, làm nhiều người thương vong.
Hãng tin MENA dẫn lời Ngoại trưởng Ai Cập Ahmed Aboul Gheit ngày 9/2 cho biết quân đội sẽ can thiệp trong trường hợp xảy ra hỗn loạn nhằm kiểm soát tình hình đất nước.
Cùng ngày, Phó Tổng thống Omar Suleiman cũng khẳng định chính phủ sẽ không khoan nhượng nếu hành động của người biểu tình chiếm cứ quảng trường Tahir ở thủ đô Cairo tiếp tục kéo dài.
Bất chấp cảnh báo trên, làn sóng biểu tình đòi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức đã bước sang ngày thứ 16, và những người biểu tình vẫn không chịu rời khỏi quảng trường Tahir. Họ thậm chí còn dựng lều để cố thủ tại đây. Khoảng 1.000 người đã tuần hành tới tòa nhà quốc hội để kêu gọi các nghị sỹ từ chức, và khẳng định sẽ biểu tình cho đến khi quốc hội bị giải tán.
Tình hình tại nhiều khu vực ngoài thủ đô Cairo cũng trở nên căng thẳng. Tại thị trấn Kharga, xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình trong hai ngày 8-9/2 đã làm ít nhất năm người thiệt mạng, khoảng 100 người bị thương. Nhiều tòa nhà của chính quyền địa phương, trong đó có hai đồn cảnh sát, một tòa án và trụ sở của đảng Dân chủ Quốc gia cầm quyền, đã bị đốt cháy.
Tại thị trấn Assiut, cách thủ đô Cairo 350km về phía Nam, khoảng 4.000 người biểu tình đã chặn một tuyến đường xe lửa và phong tỏa toàn bộ tuyến đường bộ chính từ Cairo đi thành phố Aswan. Tại thành phố Port Said, khoảng 3.000 người biểu tình đã đập phá trụ sở chính quyền tỉnh và đốt cháy xe tỉnh trưởng.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, các cuộc biểu tình bùng nổ ở khắp Ai Cập từ ngày 25/1 đến nay đã làm ít nhất 300 người thiệt mạng.
Ngày 9/2, Ủy ban hiến pháp, vừa được Tổng thống Mubarak thành lập để tiến hành sửa đổi hiến pháp theo yêu cầu của phe đối lập, đã nhất trí sửa đổi sáu điều, tập trung vào các điều khoản liên quan đến quyền lực của tổng thống và bầu cử.
Trước đó, ngày 6/2, Phó Tổng thống Suleiman đã thảo luận với các đại diện đối lập, trong đó có tổ chức "Anh em Hồi giáo" về vấn đề cải cách hiến pháp. Tuy nhiên, đại diện của "Anh em Hồi giáo" cho rằng cuộc gặp chưa đề cập các vấn đề trọng tâm và "đàm phán thực sự về việc chuyển giao quyền lực vẫn chưa bắt đầu." Tổ chức này cũng khẳng định sẽ không giới thiệu ứng cử viên vào chức tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng Chín.
Phản ứng trước những diễn biến mới tại Ai Cập, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley kêu gọi quân đội Ai Cập tiếp tục "kiềm chế." Người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs cũng cho rằng chính phủ Ai Cập vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của người biểu tình về cải cách hiến pháp, và kêu gọi Cairo có những cải cách thực tế và cụ thể hơn.
Phản ứng trước những tuyên bố trên, Ngoại trưởng Ai Cập Gheit cáo buộc Washington đang tìm cách áp đặt ý muốn của nước này với Ai Cập thông qua những yêu cầu cải cách ngay lập tức.
Ông Gheit khẳng định "sự thay đổi đang diễn ra" và đề cập các cuộc đối thoại giữa chính quyền và phe đối lập. Ông nhấn mạnh Ai Cập là một trong những quốc gia lớn nhất trong thế giới Arập, vì thế Mỹ nên giúp nước này tìm lại vị thế của mình và tiếp tục hợp tác vì sự ổn định trong khu vực.
Trong khi đó, Nga tái khẳng định lập trường không can thiệp công việc nội bộ của Ai Cập. Phát biểu sau cuộc gặp Tổng thống Mubarak, phái viên Nga tại Trung Đông Alexander Soltanov nêu rõ Nga sẽ không đưa ra đề xuất riêng vì Nga tin tưởng vào sự sáng suốt của nhân dân, các nhà lãnh đạo cũng như chính phủ Ai Cập.
Ông cho biết Tổng thống Dimitry Medvedev và chính phủ Nga lo ngại sâu sắc về những diễn biến hiện nay tại Ai Cập do vai trò quan trọng của quốc gia này trong khu vực.