Vĩnh biệt cụ Vũ Ðình Hòe, Bộ trưởng Tư pháp thời kỳ kháng chiến
Chính trị - Ngày đăng : 15:01, 10/02/2011
Cụ Vũ Đình Hoè (ảnh chụp năm 2005). |
Tháng 8-1945, cụ được cử đi dự Quốc dân Ðại hội Tân Trào do Việt Minh tổ chức ở Tuyên Quang để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên và là một trong những đại diện của Ðảng Dân chủ. Cụ làm Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục từ tháng 8-1945 đến tháng 3-1946, rồi làm Bộ trưởng Tư pháp từ tháng 3-1946 đến tháng 1-1960. Năm 1996, cụ Vũ Ðình Hòe được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Ðộc lập hạng nhất.
Ngày 22-1-2011, Ðoàn cán bộ của Bộ Tư pháp, các cơ quan Tư pháp, Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh đã đến thăm, chúc Tết và mừng đại thọ nguyên Bộ trưởng Tư pháp Vũ Ðình Hòe. Tuy sức có yếu nhưng trí tuệ của Cụ thật anh minh khi nói với chúng tôi những lời tâm đắc suốt cuộc đời về Tư pháp nhân dân. Vậy mà, chỉ một tuần sau đó, Cụ đã ra đi, ngành tư pháp mất đi một cây đại thụ, vị Bộ trưởng tận tụy.
Ngày 2-3-1946, tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I gồm toàn thể đại biểu toàn quốc trúng cử trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của chế độ dân chủ nhân dân đã bầu ra Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu thay cho Chính phủ liên hiệp lâm thời. Chính phủ liên hiệp kháng chiến bao gồm các thành phần thể hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Ðảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ Vũ Ðình Hòe, một trong sáu đại biểu trúng cử của Hà Nội, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu và được Quốc hội bầu làm Bộ trưởng Tư pháp trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến (1).
Một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Cụ ở cương vị Bộ trưởng Tư pháp là công tác nhân sự tư pháp: Tổ chức việc tuyển lựa các thẩm phán đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Bộ trưởng tiền nhiệm, Luật sư Vũ Trọng Khánh đã bắt đầu triển khai. Như chúng ta đã biết, ngay sau khi thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 32 ngày 13-9-1945 bãi bỏ hai ngạch quan hành chính và quan tư pháp của chế độ cũ. Cùng ngày, các tòa án quân sự được thành lập theo Sắc lệnh số 33C đánh dấu sự ra đời của các cơ quan tư pháp đầu tiên của Nhà nước dân chủ nhân dân. Tiếp đó, theo đề xuất của Bộ trưởng Tư pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 13 ngày 24-1-1946 về tổ chức tòa án và các ngạch thẩm phán, quy định các nguyên tắc cơ bản của nền tư pháp mới, về hệ thống tổ chức tòa án (gồm Ban Tư pháp xã (giải quyết tranh chấp và xử phạt vi cảnh ở cơ sở), Tòa án sơ cấp, Tòa án đệ nhị cấp và Tòa thượng thẩm), tiêu chuẩn và cách tuyển bổ các ngạch thẩm phán, đặc quyền và nghĩa vụ của thẩm phán. Theo nghị quyết của phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp đã thành lập một hội đồng gồm năm thành viên để xem xét các đơn xin vào ngạch thẩm phán và đề cử danh sách những người có đủ phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức và năng lực chuyên môn (2). Việc tuyển chọn thẩm phán đệ nhị cấp (tức là thẩm phán cấp tỉnh trở lên) được tiến hành đối với số cử nhân luật đã tốt nghiệp Ðại học Luật Ðông Dương (12 khóa liên tiếp), các công chức đã làm việc tại các tòa án thời trước, các luật sư. Ðồng thời, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã tổ chức lớp huấn luyện cấp tốc sáu tháng cho các sinh viên luật chưa ra trường và những người có bằng tú tài tự nguyện nộp đơn xin vào ngạch thẩm phán để đào tạo thẩm phán sơ cấp (thẩm phán cấp huyện).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân đến dự buổi lễ tuyên thệ long trọng của những thẩm phán đầu tiên của chế độ dân chủ nhân dân (3).
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Vũ Ðình Hòe tuyên bố nhận lời tuyên thệ thiêng liêng trước Tổ quốc của những thẩm phán mới được bổ nhiệm: 'Tôi thề sẽ trung thành với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi thề sẽ mang hết sức và công tâm ra phụng sự chức vụ của tôi, sẽ giữ khẩn mật những cuộc thẩm nghị, và luôn luôn cư xử cho xứng đáng là một vị Thẩm phán cương trực và đủ tư cách'.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần dặn dò 40 thẩm phán vừa tuyên thệ là thẩm phán của dân, xử án vì dân. Hãy luôn luôn làm đúng những khẩu hiệu mà tự mình đã viết 'Cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư'...
Và từ lớp thẩm phán đầu tiên ấy, Bộ Tư pháp, với chức năng giúp Chính phủ quản lý công tác tư pháp, đã không ngừng đóng góp tâm sức, lực lượng vì sự nghiệp xây dựng nền pháp luật và tư pháp nhân dân, tập hợp những luật gia, luật sư yêu nước dưới ngọn cờ pháp quyền nhân nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự nguyện tận tụy phấn đấu theo tinh thần 'Phụng công thủ pháp, chí công vô tư' vì công lý, công bằng cho mọi người dân trong một nhà nước độc lập, dân chủ.
Trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, ngay trong những năm tháng kháng chiến ác liệt, Bộ Tư pháp đã chủ trì và phối hợp soạn thảo trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản pháp luật quan trọng về bảo vệ các quyền tự do, dân chủ cơ bản của công dân như các sắc lệnh về việc bảo vệ tự do cá nhân, về chế độ báo chí, về việc lập hội, về bảo đảm và mở rộng quyền bào chữa cho các bị cáo trước các tòa án; các sắc lệnh về tổ chức, hoạt động của các tòa án, tư pháp công an, tổ chức luật sư, tư pháp bảo trợ...; các sắc lệnh và văn bản hướng dẫn xét xử các loại tội phạm cũng như việc ân giảm, ân xá, phóng thích các tội nhân do các tòa án kết án... Ðể làm tốt công việc tu luật cũng như nhằm nâng cao chất lượng công tác tư pháp, lãnh đạo Bộ Tư pháp rất coi trọng việc thu hút các luật gia giỏi, các thân sĩ có uy tín tham gia vào hoạt động nghiên cứu, tư vấn xây dựng pháp luật. Tháng 3-1946, Bộ trưởng Tư pháp thành lập Hội đồng cố vấn pháp luật và đến tháng 6-1949, theo đề nghị của Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 72 thành lập Hội đồng tu luật với 25 thành viên đại diện Chính phủ, các đảng phái, đoàn thể nhân dân, đại diện Ban Thường trực Quốc hội và các luật gia, luật sư, thẩm phán nổi tiếng. Hội đồng có nhiệm vụ sưu tập tài liệu, nghiên cứu để dự thảo những dự án luật cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 5-1950, Bộ Tư pháp trình Chủ tịch Hồ Chí Minh ký hai sắc lệnh quan trọng tạo cơ sở pháp lý cho việc tiến hành cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng (Sắc lệnh số 85 ngày 22-5-1950) cũng như sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật (Sắc lệnh số 97 cùng ngày 22-5-1950) theo hướng tăng cường tính chất nhân dân của nền tư pháp, dân chủ hóa tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án, đưa tư pháp về gần dân và huy động nhân dân tham gia nhiều hơn, thiết thực hơn vào công việc tư pháp.
Trong lĩnh vực quản lý công tác tư pháp, ngay từ cuối năm 1946, Bộ Tư pháp đã khẩn trương tổ chức lại gọn nhẹ để có thể điều hành khá thông suốt, linh hoạt hệ thống tư pháp kháng chiến. Nhiều cán bộ cao cấp của cơ quan bộ đã được điều động, tăng cường về các cơ quan tư pháp địa phương. Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp khu, liên khu dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Vũ Ðình Hòe và các Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng, Trần Công Tường... đã bám sát thực tiễn cách mạng, chỉ đạo kịp thời việc củng cố, phát triển tổ chức hệ thống tòa án, tư pháp công an, các tổ chức luật sư phù hợp với tình hình chiến sự ở từng địa phương, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban kháng chiến chỉ đạo sát sao các tòa án về đường lối truy tố, xét xử, nhất là các vụ án gây phương hại đến an ninh chính trị, trật tự xã hội, các vụ án xử gián điệp, tề gian ở vùng tác chiến, các vụ án tham ô, buôn lậu làm ảnh hưởng đến sức mạnh, uy tín của chính quyền nhân dân ở các vùng giải phóng... Hoạt động xét xử nghiêm minh của các tòa án đã góp phần tích cực bảo vệ, củng cố chính quyền nhân dân, giữ vững ổn định hậu phương, tạo niềm tin trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Nhiều cán bộ tư pháp đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, được suy tôn là 'Chiến sĩ trên mặt trận tư pháp'... Bản thân Bộ trưởng Vũ Ðình Hòe, trong thời gian hơn ba tháng từ cuối năm 1947 đến đầu năm 1948, theo phân công của Chính phủ, phụ trách một trong năm Ðặc ủy đoàn Chính phủ, đi công tác 12 tỉnh từ tả ngạn sông Lô, qua sông Cầu, sông Thương đến sông Lục Nam và sông Kỳ Cùng, thực hiện nhiệm vụ động viên toàn dân đoàn kết chiến đấu và tăng gia sản xuất theo phương châm của Chính phủ 'Kháng chiến trường kỳ, gian khổ, nhất định thắng lợi', đồng thời thực hiện phương thức kiểm tra từ gốc công tác của các Ủy ban kháng chiến, bao gồm cả công tác tư pháp, Ngay trong chuyến công tác này, sau khi thảo luận với các cơ quan hành chính, tư pháp địa phương về những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp, Bộ trưởng đã ra thông tư và chỉ thị cho các cấp tư pháp và công an dưới quyền để thi hành luật lệ theo đúng đường lối của Chính phủ. Khi thanh tra các trại giam, Bộ trưởng đã cảnh cáo và khiển trách tại chỗ các cơ quan về hành động sai nguyên tắc xâm phạm đến quyền tự do cá nhân của công dân và ra lệnh tha ngay những người bị bắt tạm giam trái phép hay vì duyên cớ không chính đáng (4)... Trong Hồi ký của mình, Bộ trưởng Vũ Ðình Hòe đã xúc động ghi lại 'Hồ Chủ tịch nhận được bản báo cáo 'kinh lý' của tôi, phê ngoài lề 'Tốt'. Rồi Bác cho phép tôi nghỉ mười hôm về ăn Tết với gia đình ở Bờ Ðậu (Thái Nguyên)'. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gửi tặng mười vuông lụa Vạn Phúc và một bánh thuốc lào Vĩnh Bảo để mừng thọ 70 tuổi Cụ ông thân sinh của Bộ trưởng (5).
Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện thắng lợi đã đi qua gần 60 năm. Cụ Vũ Ðình Hòe, Bộ trưởng Tư pháp của thời kỳ kháng chiến, cũng đã ra đi. Nhưng lịch sử còn khắc sâu những lời chí tình, chí nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư Người gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1948 về một thời kỳ đầy gian khó, thử thách mà vẻ vang của ngành tư pháp:
'Trong cuộc kháng chiến này, các bạn đã góp một phần lực lượng lớn. Từ Bộ trưởng, Thứ trưởng đến toàn thể nhân viên, ai cũng chịu khổ chịu khó tận tụy hy sinh, để làm tròn nhiệm vụ. Ðó là một sự vẻ vang cho giới tư pháp ta'. (6)
Càng thấm thía hơn lời ngợi khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đức tính khiêm tốn, tận tụy hy sinh của thế hệ cán bộ tư pháp đầu tiên của Nhà nước dân chủ nhân dân mà Cụ Vũ Ðình Hòe là một đại diện, khi nhớ lại mỗi lần đến thăm Cụ vào những năm sau này, Cụ đều lặng lẽ nắm chặt tay tôi, chia sẻ rất chân tình: Tôi có lỗi với Bác Hồ. Tôi còn nhiều việc chưa làm được với ngành tư pháp, chưa đền đáp được lượng bao dung và công ơn rèn giũa của Bác đối với cán bộ pháp lý, công ơn của Bác xây dựng nền pháp lý Việt Nam.
Hình ảnh Cụ Bộ trưởng vẫn miệt mài đem hết tâm trí và sức lực tuổi bách niên cho việc nghiên cứu, tổng kết sự vận dụng Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng Tư pháp kháng chiến - Tư pháp nhân dân là bài học sâu sắc cho chúng tôi và các thế hệ mai sau về đạo ở đời và làm người trí thức - cán bộ tư pháp vị dân.
(1) Biên bản kỳ họp toàn thể thứ nhất Quốc hội khóa I ngày 2-3-1946, Phông PTT, Trung tâm LTQG III
(2) Biên niên lịch sử Bộ Tư pháp, tập 1, Nxb Tư pháp, H, 2010, tr.24
(3) Tại buổi lễ, đã có 38 thẩm phán được Hội đồng tuyển lựa đề nghị. Bộ Tư pháp duyệt y, hai ông Chánh nhất (Nguyễn Huy Mẫn) và Chưởng lý (Vũ Trọng Khánh) của Tòa Thượng thẩm được Chủ tịch Chính phủ bổ nhiệm, tuyên thệ - Hồi ký Vũ Ðình Hòe, Nxb Hội Nhà văn, 2004, tr.745.
(4) Biên niên lịch sử Bộ Tư pháp Việt Nam, tập 1, Nxb Tư pháp, H, 2010, tr.62
(5) Hồi ký Vũ Ðình Hòe, Nxb Hội Nhà văn, 2004, tr.818
(6) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb Sự thật, H, 1985