Tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa lễ hội
Xã hội - Ngày đăng : 12:35, 10/02/2011
Mùa lễ hội ở nước ta diễn ra chủ yếu vào mùa xuân, mưa phùn ẩm ướt, nóng lạnh thất thường khiến thực phẩm dễ ôi thiu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nhanh và nhiều hơn bình thường. Vì vậy, đảm bảo VSATTP trong mùa lễ hội cần phải được tăng cường hơn nữa.
Các cơ sở ăn uống cần thực hiện tốt quy định VSATTP. Ảnh minh họa |
Nước ta có rất nhiều lễ hội diễn ra quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất là vào mùa xuân.
Lễ hội truyền thống tại các địa phương thường đi kèm những món ăn cổ truyền như món cá ướp chua của người Mông, món thắng cố của người H’Mông, rồi bún ốc, phở, bánh cuốn, nem chạo, nem chua … của đồng bằng Bắc Bộ. Đây cũng là những món ăn rất dễ bị nhiễm khuẩn, vi sinh vật gây bệnh đường tiêu hóa nếu không được chế biến, bảo quản đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Mặt khác, do mang tính chất thời vụ nên nhiều loại thực phẩm được sản xuất chế biến từ các cơ sở tư nhân, hộ gia đình nên không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy phần lớn thức ăn đường phố và thức ăn chế biến sẵn không đảm bảo yêu cầu vệ sinh. Nhiều loại thịt quay, xúc xích, lạp xường, jambong...bị nhiễm vi khuẩn; không ít nem chua, nem chạo, giò chả phát hiện có coliform; 59% các loại ô mai có dùng phẩm màu độc và đường hóa học ngoài danh mục cho phép.
Thêm vào đó, các lễ hội thường tổ chức ngoài trời nên dịch vụ ăn uống ăn theo cũng mang tính tạm bợ, chật chội, lều quán đơn giản, thiếu nước sạch, thiếu thu gom chất thải, điều kiện bảo quản, chế biến thực phẩm không an toàn. Môi trường ô nhiễm với khói bụi, ruồi chuột mưa năng càng tăng độ mất an toàn của thực phẩm đường phố.
Bản thân người bán hàng, chế biến thức ăn cũng thiếu kiến thức VSATTP, trang thiết bị và dịch vụ khác cũng góp phần làm tăng độ ô nhiễm khuẩn của thức ăn.
Để đảm bảo an toàn cho khách đến lễ hội, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm yêu cầu các sở y tế, trạm y tế tại địa phương cũng như Ban Quản lý lễ hội cần có quy hoạch bố trí các quán ăn, uống quầy hàng đảm bảo thuận tiện cho người đi lại và vệ sinh an toàn trong ăn uống.
Sở Y tế địa phương cần tập huấn, hướng dẫn, đăng ký cam kết của chủ cơ sở dịch vụ ăn uống với Ban Quản lý lễ hội và y tế về đảm bảo VSATTP trong lễ hội.
Chính quyền địa phương cũng cần chuẩn bị chu đáo, đảm bảo tốt các điều kiện thiết yếu như nước sạch, quầy tủ hàng, quán hàng, bàn ghế phương tiện bảo quản, phương tiện tiếp phẩm…không để thực phẩm ô nhiễm.
Bố trí các khu vệ sinh riêng biệt cuối hướng gió và cuối dòng chảy, xa các khu ăn uống.
Đồng thời cần cung cấp các dịch vụ thu gom chất thải hàng ngày tránh để ruồi, muỗi có điều kiện phát sinh. Nhân viên bán hàng, chế biến thức ăn cần có trang phục riêng (găng tay áo mũ, khẩu trang che miệng) và phải rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với thực phẩm. Không dùng tay trực tiếp bốc thức ăn mà phải có dụng cụ riêng để gắp.
Ban Quản lý lễ hội cũng như chính quyền địa phương nơi lễ hội diễn ra cần tổ chức kiểm tra thường xuyên, xử phạt hoặc nghiêm cấm những trường hợp không đảm bảo VSATTP như bày bán thực phẩm sát mặt đất, không che đậy, bao gói không đúng tiêu chuẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Cục phó Cục VSATTP Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo người tiêu dùng cần tự giữ gìn sức khỏe của chính mình bằng cách chọn thực phẩm tươi, sạch tự nhiên, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không sử dụng thực phẩm ôi thiu mốc hỏng, có mùi lạ.
Hạn chế ăn uống tại các dịch vụ cung cấp tại lễ hội, nếu bất đắc dĩ phải ăn thì nên chọn những cơ sở chế biến sạch sẽ từ phòng ốc, bàn ghế, bát đĩa đến trang phục của người bán và tuyệt đối không ăn thức ăn đường phố, bán rong trên vỉa hè, sạp mẹt.