Cân đối lợi ích, tạo sự đồng thuận
Đời sống - Ngày đăng : 07:27, 10/02/2011
Vấn đề không thể không thực hiện
Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng. Ảnh: Thái Hiền
Với dân số trên 6 triệu người, Hà Nội đang có 7 nghĩa trang cấp thành phố gồm Mai Dịch, Văn Điển, Thanh Tước, Yên Kỳ, Sài Đồng (nghĩa trang liệt sĩ), Ngọc Hồi (nghĩa trang liệt sĩ) và Nhổn. Hiện tại chỉ có 2 nghĩa trang nhân dân là Yên Kỳ và Thanh Tước có thể tiếp nhận việc chôn cất, trong đó, nghĩa trang Thanh Tước đang đứng trước nguy cơ hết chỗ địa táng. Như vậy, cả thành phố đang đứng trước thực tế là phải trông chờ vào duy nhất một nghĩa trang mà khả năng tiếp nhận cũng có hạn. Khó khăn này khiến sự xuất hiện của nghĩa trang Vĩnh Hằng (nghĩa trang đầu tiên thực hiện mô hình xã hội hóa, do Công ty CP Ao Vua thực hiện) được coi như một giải pháp cứu vãn tình thế, nhưng với diện tích công ích 8ha, nên chỉ có thể đáp ứng trong ngắn hạn. Thực tế này đòi hỏi chính quyền thành phố phải nhanh chóng mở rộng hoặc xây dựng nghĩa trang mới.
Tuy nhiên, dự án mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ mới được khởi động đã vấp ngay phải khó khăn, khi đối diện với "làn sóng" phản đối của người dân nơi dự kiến mở rộng. Trong khi đó, dự án nghĩa trang sinh thái cấp thành phố tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Nếu thành phố không thể thực hiện được các dự án này, chắc chắn sẽ xảy ra tình huống "người mất không có nhà". Do đó, việc xây dựng nghĩa trang tại Hà Nội là việc không thể không làm. Vấn đề còn lại là cân đối lợi ích và tạo đồng thuận tốt nhất có thể giữa các bên liên quan.
Những chính sách ưu tiên và lo ngại của người dân
UBND TP Hà Nội vừa dự thảo Quy định về xã hội hóa đầu tư xây dựng nghĩa trang gồm nhiều chính sách ưu tiên đối với địa phương nơi đặt nghĩa trang và nhà đầu tư. Trong đó, ngoài các chính sách ưu đãi chung do Trung ương quy định, nhà đầu tư còn được thành phố hỗ trợ bằng một số chính sách đặc thù. Các dự án xây dựng nghĩa trang sẽ được giao đất lâu dài và không thu tiền sử dụng đất. TP sẽ sử dụng tiền ngân sách đầu tư các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện, cấp thoát nước, chiếu sáng…) ngoài phạm vi dự án nối với hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực. Đồng thời hỗ trợ đền bù GPMB một phần hoặc toàn bộ tùy từng dự án. Chính quyền địa phương cũng sẽ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác đền bù GPMB để giao đất sạch cho nhà đầu tư. Đây là những ưu đãi có thể nói là đủ sức nặng để thu hút các nhà đầu tư, nhất là khi một dự án "mẫu" theo mô hình xã hội hóa là Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng đang rất thành công ở Ba Vì. Nên khó khăn đối với các dự án xây dựng nghĩa trang chủ yếu vẫn là thuyết phục người dân.
Trong dự thảo quy định trên, TP đã dành riêng một mục nêu rõ: "TP ưu tiên bố trí đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, cấp thoát nước), các công trình hạ tầng xã hội (trường học, nhà trẻ, nhà văn hóa, trung tâm y tế…) bằng nguồn vốn ngân sách đối với địa phương bị thu hồi đất để xây dựng nghĩa trang". Quy định chưa ban hành nhưng đối với dự án công viên nghĩa trang Thiên Đường (xã Minh Phú, Sóc Sơn), TP đang từng bước thuyết phục người dân về cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường và ưu đãi đầu tư phát triển hạ tầng. Vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình đã ký văn bản yêu cầu Sở Khoa học Công nghệ thẩm định công nghệ an táng sử dụng tại nghĩa trang này. Cụ thể là Sở Khoa học Công nghệ phải thẩm định các giải pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước ngầm, cung cấp cho UBND huyện Sóc Sơn để công bố công khai cho mọi tổ chức, cá nhân, công dân hiểu và ủng hộ chủ trương thực hiện dự án. UBND TP cũng yêu cầu Sở Y tế phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn rà soát thực trạng và đề xuất di chuyển trại phong đang tồn tại trên địa bàn xã Minh Phú. Trước đó, UBND TP đã ban hành hai quyết định nghiên cứu chuẩn bị đầu tư hệ thống cấp nước cho xã Minh Phú trị giá gần 50 tỷ đồng và hệ thống đường giao thông trị giá khoảng 180 tỷ đồng…
Lý do khiến việc xây dựng nghĩa trang bị phản đối chủ yếu là vì người dân lo ngại về ô nhiễm môi trường. Nếu mọi cam kết như về an toàn, vệ sinh môi trường được bảo đảm, thì chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận. "Nghĩa tử là nghĩa tận" - Việc lo chốn an nghỉ cho người đã khuất không chỉ là trách nhiệm của thành phố mà còn là trách nhiệm của mọi người dân.