Đã cạnh tranh được với khu vực

Kinh tế - Ngày đăng : 07:01, 09/02/2011

(HNM) - Mục tiêu phát triển công nghiệp của thành phố Hà Nội là phát triển có chọn lọc các ngành hàng, nhóm sản phẩm chủ lực, các công đoạn và chi tiết sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường; chú trọng các nhóm sản phẩm chủ lực và sản phẩm có thương hiệu uy tín thuộc ngành cơ khí, điện - điện tử, hóa nhựa, dệt may - da giày, chế biến lương thực - thực phẩm.


Dây chuyền dệt tại Công ty CP Dệt 10-10. Ảnh: Linh Tâm


Các DN có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) đóng góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất của công nghiệp Thủ đô. Giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) năm 2009 đạt 24.072 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2008 (tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến là 8,5%), chiếm 27,6% GTSXCN trên địa bàn; năm 2010 đạt 39.59,34 tỷ đồng, tăng 32,2% so với năm 2009 và chiếm 34,23% tỷ trọng sản xuất công nghiệp của toàn thành phố.

Trên cơ sở lợi thế về thương hiệu sản phẩm đã có, kết hợp việc tuyên truyền, quảng bá, nhiều DN có SPCNCL triển khai nhiều biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, đại đa số đều có mức doanh thu tăng cao. Năm 2010, doanh thu của 53 SPCNCL tăng 17,8% so với năm trước, chiếm 16,3% doanh thu công nghiệp trên địa bàn. Trong đó có 10/53 sản phẩm cho doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng, gồm sản phẩm của Công ty CP cơ nhiệt điện lạnh Bách Khoa, Công ty CP Dệt 10-10, Công ty CP Xuân Kiên, Công ty TNHH Thép tiền chế ZAMIN, Công ty EUROWINDOW, Công ty CP Quốc tế Sơn Hà... 17/53 sản phẩm có doanh thu từ 500 đến 1.000 tỷ đồng; những DN còn lại có doanh thu từ 200 đến 500 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu của các DN có sản phẩm chủ lực đạt 760 triệu USD, chiếm 10% kim ngạch xuất khẩu của thành phố.

Một số DN có thị trường xuất khẩu tốt, luôn giữ vững đà tăng trưởng và kim ngạch tăng cao như Công ty CP May 10 tăng 25%, Công ty CP Dệt 10-10 tăng 50%, Công ty CP Quốc tế Sơn Hà tăng 50%, Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân tăng 20%...

Đầu tư để nâng cao sức cạnh tranh

Các DN đều chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị thế hệ mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm như Công ty CP Xích líp Đông Anh, Công ty CP Kim khí Thăng Long, Công ty CP Dụng cụ cơ khí xuất khẩu, Công ty Ô tô Xuân Kiên... Do quan tâm đúng mức về xây dựng, quảng bá thương hiệu, đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, SPCNCL được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao. Kết quả người tiêu dùng Thủ đô bình chọn đợt 1 năm 2010, đã có 15/30 DN được bình chọn và sản phẩm có sức cạnh tranh với sản phẩm trong nước và khu vực…

Các DN có sản phẩm được công nhận là SPCNCL đã xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới và chiếm tỷ trọng khá lớn trên thị trường nội địa. Nhiều DN tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các hãng của Nhật Bản như Toyota, Honda, Yamaha: Công ty CP Nhựa Hà Nội, Công ty CP Kim khí Thăng Long, Công ty CP Xích líp Đông Anh… Sản phẩm của các DN sản xuất máy biến áp, động cơ công suất lớn như Chế tạo điện cơ Hà Nội, Chế tạo thiết bị điện Đông Anh, Nồi hơi Việt Nam, Chế tạo thiết bị điện Hà Nội... là những sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu.

Năm 2011, Hà Nội tiếp tục tập trung nguồn lực vào việc đồng hành cùng các DN, hỗ trợ, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của Thủ đô nói chung và ngành công nghiệp nói riêng. Đồng thời, lồng ghép chương trình phát triển SPCNCL vào các chương trình có tính chất tạo dựng môi trường cho công nghiệp phát triển như chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn; chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm công nghiệp nhằm giảm nhập khẩu.

Thanh Mai