Lễ hội - đâu là gốc vấn đề ?
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:10, 08/02/2011
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện cả nước có gần 8.000 lễ hội, trong đó lễ hội dân gian chiếm 88,36%, 4,16% là các lễ hội lịch sử... Trên địa bàn Hà Nội, nơi có hơn 5.000 di tích lịch sử văn hóa, cũng có tới gần 2.000 lễ hội truyền thống tưởng nhớ công ơn các anh hùng dân tộc,
danh nhân văn hóa diễn ra vào ba tháng đầu năm âm lịch. Trong đó có không ít lễ hội đã được cả nước biết tới như lễ hội Gò Đống Đa, hội đền Sóc, hội chùa Hương, đền Và, Cổ Loa...
Nhẩm tính ra, trung bình mỗi ngày cả nước ta có tới hơn 20 lễ hội. Bên cạnh những yếu tố tích cực, hiện đang có xu hướng nhiều nơi "chạy đua" mở rộng phạm vi các lễ hội với lý do đưa ra là "tranh thủ" quảng bá hình ảnh địa phương, thu hút khách du lịch, tận dụng thế mạnh để phát triển ngành công nghiệp không khói... Chính điều đó tạo nên không ít bất cập và ngay tại các kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đã phải lên tiếng khá gay gắt. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) từng phát biểu: "Hiện có rất nhiều lễ hội tổ chức ra là để lập kỷ lục Guiness, nhiều lễ hội dân gian bị biến tướng, rất lộn xộn...". Có đại biểu còn đặt câu hỏi, tổng chi phí cho các lễ hội trong cả nước là bao nhiêu tiền và chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng đầu tư cho phát triển kinh tế?
Những câu hỏi trên, ngành chức năng vẫn đang nợ câu trả lời. Nhưng cái gốc vấn đề là ở đâu? Trước hết điều thấy rõ là nhiều địa phương còn rất lúng túng trong chỉ đạo, điều hành, quản lý và tổ chức lễ hội. Đặc biệt trong đó là tư duy quản lý chưa theo kịp với thực tế tình hình. Công tác xã hội hóa các lễ hội bên cạnh việc thu hút nhân tài, vật lực chung tay góp sức song cũng đặt ra nhiều vấn đề, trong đó đã xuất hiện những yếu tố làm thương mại hóa các hình thức tổ chức. Trong khi những giá trị truyền thống, ý nghĩa nhân văn, sự tích của từng lễ hội... không được tuyên truyền một cách đầy đủ thì các loại hình dịch vụ "ăn theo" lễ hội như trông giữ ô tô, xe máy, phương tiện di chuyển (đò, cáp treo...), dịch vụ ăn uống, vệ sinh, công tác bảo vệ an ninh trật tự... cũng không được các nhà quản lý, tổ chức coi trọng đúng mức. Đặc biệt, do không có sự đầu tư, chuẩn bị đầy đủ của cơ quan quản lý, nhiều lễ hội đã bị biến dạng, xa rời dần với giá trị truyền thống, tín ngưỡng vốn có...
Cùng với những vấn đề trên thuộc về trách nhiệm của những nhà tổ chức, quản lý thì ý thức, thái độ của những người tham gia lễ hội hiện nay cũng rất đáng lo ngại. Thực tế, người dân tham gia lễ hội chính là một bộ phận quan trọng cấu thành nên lễ hội. Tuy nhiên, sự chính tâm của người trẩy hội bây giờ cũng chịu sự tác động của các yếu tố thị trường như ý thức, cung cách dâng lễ vật (mâm lễ càng to thì lộc càng nhiều) tới việc cúng vái, khấn lễ đầy màu sắc vụ lợi; từ thái độ khi tham dự lễ hội (nhậu nhẹt, say khướt...) tới trang phục (quần áo), lời ăn, tiếng nói trong giao tiếp...
Các nhà tổ chức, quản lý và người tham gia lễ hội là những chủ thể và cũng là thành phần đặc biệt quan trọng tạo nên sự thành công của từng lễ hội. Và các lễ hội cũng chính là phản ánh bản sắc của văn hóa và đạo đức toàn xã hội. Do vậy, để các lễ hội như những mạch ngầm tinh hoa xuyên thời gian, bừng chảy tràn trề trong đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh của người Việt thì các vấn đề nêu trên phải được giải quyết tận gốc. Đó là trách nhiệm của ngành chức năng, của những người làm công tác tổ chức, quản lý và của từng người dân.