Hà Nội kỷ niệm 222 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa
Xã hội - Ngày đăng : 11:48, 07/02/2011
(HNMO) - Trong không khí phấn khởi chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, sáng nay, 7/2/2011 (tức mùng 5 Tết Tân Mão) tại Công viên văn hóa Đống Đa, thành phố Hà Nội và quận Đống Đa đã long trọng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 222 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, Quang Trung đại phá quân Thanh (1789-2011).
Quang cảnh lễ hội sáng 7/2/2011
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng, lãnh đạo Quận ủy, UBND quận Đống Đa cùng hàng ngàn người dân Hà Nội và cả nước đã tới tham dự lễ hội.
Nhiều đoàn lễ từ các tỉnh ngoài cũng về bái lễ
Trong trái tim hàng triệu người Việt Nam đều tự hào với địa danh Gò Đống Đa - nơi ghi đậm chiến công hiển hách, thể hiện ý chí và niềm tự hào dân tộc lớn lao trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của người Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã hành quân thần tốc, dũng mãnh tiến công đồn Ngọc Hồi, rồi tràn vào thành Thăng Long, đánh bại quân xâm lược nhà Thanh, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Rước kiệu vua Quang Trung
Cách đây 222 năm, vào dịp này người dân Hà Nội xưa đã tưng bừng chào đón đoàn quân Tây Sơn tiến vào giải phóng thành Thăng Long khỏi ách xâm lược nhà Thanh. Sử sách còn ghi, sau khi bí mật hạ đồn Hà Hồi đêm mùng 3 Tết (28/1/1789), sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu vua Quang Trung đã đích thân cưỡi voi chiến chỉ huy quân Tây Sơn tấn công vào Ngọc Hồi. Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt với nhiều thương vong. Quân cảm tử của ta bằng mộc ván, gỗ và đoản đao đã dũng mãnh tiêu diệt đồn Ngọc Hồi khiến tướng giặc Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử. Cùng lúc đó đạo quân do đô đốc Long chỉ huy đã tiêu diệt giặc Thanh ở Khương Thượng bằng voi chiến và rồng lửa. Đúng trưa ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu, đoàn quân Tây Sơn đã hùng dũng tiến vào kinh thành Thăng Long trong sự hò reo chào đón của nhân dân.
Dâng lễ vật
Từ đó trở đi, Chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) của quân Tây Sơn luôn được lưu truyền với cái tên là Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Đó là một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta và mãi mãi là niềm tự hào của mọi người Việt Nam.
Hình ảnh quân Tây Sơn tiến đánh đồn Ngọc Hồi
Với tầm vóc và ý nghĩa to lớn, Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được nhân dân trân trọng biến thành nghi lễ truyền thống hàng năm mỗi khi xuân về - Lễ hội Đống Đa. Mồng 5 Tết Nguyên đán hằng năm, người Hà Nội lại hẹn nhau đến Lễ hội Đống Đa để tưởng nhớ tới công ơn của người anh hùng dân tộc - Vua Quang Trung.
Người dân nô nức tới xem lễ hội
Năm nay Lễ hội Đống Đa diễn ra khá sôi nổi với những chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc và nhiều hoạt động phong phú như: múa rồng, ca hát, thi đấu cờ người, chọi gà, biểu diễn võ thuật... Tất cả các hoạt động văn hóa nghệ thuật đều thể hiện tinh thần thượng võ, nhưng yêu hòa bình của dân tộc Việt Nam, để lại những ấn tượng sâu đậm về hào khí Thăng Long xưa.
Đoàn quân nhạc cử hành Quốc ca trong giờ phút chào cờ
Tại lễ kỷ niệm, lãnh đạo quận Đống Đa đã khẳng định: Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789 là sự hội tụ cao của tinh thần yêu nước, yêu độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, của truyền thống đoàn kết, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm, của ý chí quật cường không cam chịu sống kiếp đời nô lệ; đồng thời cũng là chiến thắng của chiến lược quân sự tài tình: bí mật, thần tốc, dũng mãnh, bất ngờ của nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy trực tiếp của nhà quân sự, chính trị thiên tài, người anh hùng dân tộc vĩ đại Quang Trung-Nguyễn Huệ.
Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc ta như một bản anh hùng ca bất hủ trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Đoàn lễ múa rồng trong lễ hội
Nhân dịp này, quận Đống Đa đã phát động phong trào thi đua nhằm đạt mục tiêu của năm 2011 là: Giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự ATXH. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế cùng phát triển đi đôi với chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý. Triển khai mạnh mẽ công tác GPMB dự án XD đường vành đai 3, đoạn Ô chợ Dừa - Hoàng Cầu, dự án đường vành đai 2, đoạn Vương Thừa Vũ - Ngã Tư Vọng và dự án di chuyển các hộ dân trong khuôn viên khu vực 1 của các di tích lịch sử văn hóa.