Sản vật đất chùa Hương: Đừng chỉ là hoài niệm

Văn hóa - Ngày đăng : 06:42, 07/02/2011

(HNM) - Chùa Hương (xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) với


Nức tiếng một vùng


Mua rau sắng chùa Hương. Ảnh: Hồng Quảng


Rau sắng chùa Hương, mơ Hương Tích, củ mài Hương Sơn… là những sản vật nổi tiếng tại đất chùa Hương. Ông Nguyễn Duy Giáp, Giám đốc Rừng đặc dụng Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội cho biết, đây là 3 thứ cây đặc sản của núi rừng Hương Sơn. Cây rau sắng có tên khoa học là Phyllanthus elegansl, dân gian còn gọi cây rau ngót rừng. Rau sắng thuộc loại thân mộc, mọc tự nhiên trên những vách đá, ưa ánh sáng. Hoa rau sắng mọc thành bông trên thân, người dân gọi là râu rồng, lấm tấm như hoa ngâu. Thật ngạc nhiên, khác với phần lớn các loại cây rau khác, rau sắng có loại cây cái và cây đực. Cây cái dân gian gọi là cây sắng nếp, mới cho quả và hạt. Hiện khu vực chùa Hương chỉ còn lại hai cây sắng nếp nhiều năm tuổi quý hiếm. Đây được coi là một tài sản quý giá của chùa Hương và ngành du lịch Hà Nội. Trong số cây sắng mọc mới, chỉ một phần trăm là cây sắng nếp. Để cho lá, hoa và quả, cây rau sắng phải được từ 3 đến 5 tuổi. Sau 10 năm cây rau sắng mới cho thu hoạch sản lượng cao.

Cùng với rau sắng, mơ Hương Tích là đặc sản có hương vị đặc biệt. Nhắc đến chùa Hương, không thể không nói đến mơ Hương Tích. Nhờ thổ nhưỡng đặc biệt của vùng núi đá vôi nên mơ chùa Hương nổi tiếng khắp đất Bắc bởi quả to, hạt nhỏ, cùi dày và mọng nước, vị chua nhẹ, thanh mà không gắt. Mơ chùa Hương có bốn loại khác nhau, được cư dân phân biệt và đặt tên theo mùi vị và màu sắc, đó là mơ đào, mơ chấm son, mơ bồ hóng và mơ nứa. Quả mơ là món quà quý của Hương Sơn, thường được dùng để làm nước giải khát hay chế biến thành rượu mơ. Trước đây, chùa Hương với một rừng mơ Hương Tích có những cây mơ già hàng trăm tuổi cho thu hoạch hàng tấn quả chất lượng. Nay, diện tích trồng mơ ngày một thu hẹp nên chỉ thấy lác đác vài cây. Nhiều người lo ngại, liệu cây mơ có vắng bóng trên đất Hương Sơn?

Cũng như hai sản phẩm đặc trưng kia, củ mài chùa Hương cũng làm say lòng du khách thập phương khi về trẩy hội. Củ mài vỏ đen, ruột trắng, nhìn hơi giống củ khoai lang nhưng to gấp hai, ba lần. Củ mài Hương Sơn không chỉ dùng để nấu canh mà còn dùng để nấu chè. Người ta đem củ mài xát ra thành bột rồi mang chế biến. Chè củ mài thơm mát và trong như thủy tinh. Củ mài mọc trên đá núi nên đào rất công phu, được những người sành về ẩm thực chọn là một trong những đặc sản Hương Sơn.

Bước đệm phát triển kinh tế, bảo tồn giá trị văn hóa

Ba thứ cây đặc sản trên không chỉ nức tiếng gần xa mà còn là thế mạnh để người dân nơi đây phát triển kinh tế. Song diện tích 3 loại cây đang bị thu hẹp. Theo ông Nguyễn Duy Giáp, hiện cả xã chỉ còn trên 30ha rau sắng rải rác trong rừng. Nếu trước kia cả xã có hàng vạn cây mơ thì nay chỉ còn khoảng 200 cây. Củ mài cũng chỉ được trồng manh mún trong các cánh rừng, chưa có quy hoạch để 3 loài cây đặc sản này phát huy thế mạnh kinh tế. Hiện tại UBND TP đã giao cho Sở NN&PTNT Hà Nội kết hợp với Ban Quản lý rừng đặc dụng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện dự án "Khôi phục, cải tạo và phát triển một số cây đặc sản quý hiếm, đặc hữu tại rừng đặc dụng Hương Sơn".

Dự án sẽ được triển khai trong 3 năm, bắt đầu từ năm 2011, với kinh phí khoảng 75 tỷ đồng. Dự án sẽ hỗ trợ người dân vốn, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông, giống cây trồng, vật nuôi... tạo thuận lợi cho người dân tham gia. Dự án được triển khai với 250ha, trong đó rau sắng trồng mới 170ha, cải tạo 30ha sẵn có; cây mơ 45ha; củ mài 5ha. Khi dự án thành công, mỗi năm cây rau sắng sẽ cho thu hoạch khoảng 160kg/ha/năm với giá khoảng 300-400 nghìn/kg, vào mùa hội có thể lên đến 800-1 triệu đồng/kg. Cây mơ cho năng suất khoảng 25kg/cây/năm với số lượng 300 cây/ha, giá bình quân 10.000 đồng/kg. Củ mài cho thu hoạch 2kg/gốc, có khoảng 970 gốc/ha. Về hiệu quả kinh tế, trung bình một năm toàn xã sẽ thu được gần 11 tỷ đồng từ việc phát triển 3 loại cây quý hiếm này. "Dưới góc độ hiệu quả xã hội, dự án sẽ giải quyết được việc làm, phát huy thế mạnh của cây đặc hữu, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Bên cạnh đó, dự án còn góp phần nâng cao độ tàn che, đa dạng sinh học, phát triển rừng, cung cấp rau sạch cho thị trường", ông Giáp nhấn mạnh.

Để phát huy thế mạnh 3 thứ cây đặc sản trên đối với hướng phát triển kinh tế của Mỹ Đức, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Tưởng Phi Chiến gợi mở, vùng thắng cảnh Hương Sơn cần gắn phát triển nông nghiệp với khai thác thế mạnh du lịch để tạo sức bật mới trong thời kỳ hội nhập. Cần xây dựng kế hoạch khôi phục và phát triển nhanh diện tích rau sắng, trồng thêm mơ và củ mài để tạo dựng lại thương hiệu sản vật đã mai một. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, Hương Sơn có đầy đủ các yếu tố thuận lợi để hình thành vùng kinh tế nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao. Sở đang đề nghị thành phố quan tâm đầu tư, hỗ trợ vốn cho mở rộng vùng dự án khôi phục ba cây đặc sản quý hiếm ở vùng Hương Sơn và đề nghị địa phương cần tuyên truyền cho nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ và tham gia dự án một cách hiệu quả nhất để lấy lại thương hiệu những sản vật quý hiếm của thắng cảnh Hương Sơn.

Đào Huyền