Khát vọng làng Chài
Đời sống - Ngày đăng : 08:09, 06/02/2011
Một góc làng chài Vạn Vĩ. |
Những niềm vui…
Trong số nhiều con sông chảy qua địa phận Hà Nội, sông Hồng tập trung nhiều làng chài hơn cả. Từ cầu Trung Hà (Ba Vì) về đến cầu Chương Dương có gần chục các xóm chài như: Cổ Đô, Thái Hòa (Ba Vì), Vạn Vĩ, Vạn Thắng Lợi (Đan Phượng), Tráng Việt (Mê Linh) hoặc ngay trong nội thành có xóm chài dưới chân cầu Long Biên… Mỗi xóm chài như thể một thôn trên bờ, nhưng nhỏ hơn nhiều cả về dân số lẫn "diện tích".
Theo con đê hữu Hồng, chúng tôi đến làng chài Vạn Thắng Lợi thuộc xã Hồng Hà (Đan Phượng). Ở làng chài này, nhiều hộ dân đã "gác" lưới lên bờ làm kinh tế, trở thành các hộ giàu có. "Già làng" Trần Việt Phát tiếp chúng tôi trong ngôi nhà 3 tầng khang trang, vồn vã nói: Làng chài Vạn Thắng Lợi thực sự "lột xác" kể từ khi nhiều hộ lên bờ "định canh, định cư". Lên bờ không có đất sản xuất nhưng các hộ có điều kiện "an cư" để "lạc nghiệp". Có chỗ ở ổn định, nhiều hộ dân chài tích cóp vốn liếng từ nghề truyền thống nuôi cá lồng trên sông, mạnh dạn đầu tư tàu thuyền kết hợp phát triển dịch vụ vận tải đường thủy. Đến nay làng chài nhỏ bé đã có hơn 40 gia đình có tàu chuyên chở vật liệu xây dựng xi măng, cát sỏi, than… cung cấp cho cả một vùng rộng lớn. Những hộ chưa có điều kiện lên bờ đã theo hướng phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng. Hộ nuôi nhiều khoảng 5 lồng, ít cũng có 2 lồng với tổng số hơn 50 lồng cá của cả xóm cho thu hoạch vài chục tấn cá mỗi năm. Sự kết hợp "trên bến, dưới thuyền" đã phát huy được những lợi thế trong phát triển kinh tế. Nhờ vậy cả làng chài có 130 hộ thì chỉ còn 5 hộ nghèo, 67 hộ đã lên bờ sinh sống, trong đó, UBND xã đã cấp đất cho 37 hộ và cấp 1.000m2 đất xây nhà văn hóa.
Theo dòng sông Đáy, chúng tôi tìm đến xóm chài Ngư nghiệp, thôn Bãi, phường Đồng Mai (Hà Đông). Gọi là xóm chài nhưng từ rất lâu, các hộ dân đã được cấp đất lên bờ sinh sống nhưng do không có đất canh tác, nguồn lợi thủy sản sông Đáy không còn nên nhiều hộ vẫn gắn bó với nghề đánh bắt thủy sản trên các dòng sông và lòng hồ khác như sông Đà, sông Hồng, lòng hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà... Ông Nguyễn Văn Huấn đã sống lâu năm ở xóm Ngư nghiệp cho biết: Hiện nay, 100% số hộ làm nghề chài lưới. Nếu như trước đây cả gia đình lênh đênh trên con thuyền nay đây mai đó, trẻ nhỏ không được đến trường thì từ năm 2008 đến nay, thôn Bãi đã có điểm trường, hạ tầng nông thôn được đầu tư nên nhiều gia đình đi làm ăn xa đã gửi con trẻ về quê học hành đến nơi đến chốn, không còn trẻ mù chữ. Ngày Tết hằng năm là ngày đông vui nhất bởi lao động trong xóm đi chài lưới khắp nơi về quê xum vầy bên gia đình.
… và khát vọng an cư lạc nghiệp
Nhưng không phải làng chài nào cũng được "an cư, lạc nghiệp". Tại làng chài Vạn Vĩ, xã Trung Châu (Đan Phượng), tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Được, trưởng thôn không giấu được nỗi buồn: Vạn Vĩ có 61 hộ nhưng chỉ có 19 hộ lên bờ. Tích cóp, vay mượn, thậm chí vay lãi thị trường để mua đất, nhưng mới có 7 hộ đã xây được nhà kiên cố, nhiều gia đình cố sức mua được đất thì không còn tiền làm nhà. Cả làng chài vẫn còn 15/61 hộ, chiếm gần 25% thuộc diện hộ nghèo. Cũng chẳng phải người dân làng chài không chịu thương, chịu khó mà do cuộc sống phụ thuộc quá nhiều vào sông nước. Trong khi đó nước sông Hồng nhiều năm xuống thấp, mùa cạn có lúc lòng sông cạn trơ đáy, nguồn lợi thủy sản khan hiếm nên dù nỗ lực lắm người dân cũng chỉ kiếm đủ ăn. Đã nhiều năm, người dân làng chài Vạn Vĩ đề đạt nguyện vọng được chính quyền địa phương giúp đỡ định cư trên bờ để người già được thảnh thơi, con trẻ được đến trường nhưng chờ mãi vẫn chưa có hồi âm. Còn theo Bí thư Đảng ủy xã Trung Châu Bùi Ngọc Sáng, khả năng giảm hộ nghèo ở làng chài rất khó vì các hộ không thể vay vốn phát triển kinh tế do không có sổ đỏ thế chấp. Việc vay vốn theo kênh Ngân hàng Chính sách thì tối đa chỉ được 5-10 triệu đồng, trong khi đầu tư một lồng nuôi cá cao hơn rất nhiều.
Không chỉ ở làng chài Vạn Vĩ, ngay cả xóm chài Ngư nghiệp (Hà Đông) dù có nhiều khởi sắc sau khi được định cư nhưng theo anh Nguyễn Văn Thi, một hộ chài lưới xa quê: Nguồn nước sông Đáy bị ô nhiễm, không nuôi được cá tôm nên người dân trong xóm đành rời quê đi buông lưới khắp sông Đà và sông Lô, sông Hồng. Anh Thi cũng phải lên tận lòng hồ sông thủy điện Hòa Bình để kiếm cá. Ngày Tết những người dân xóm chài cũng chỉ về được một vài ngày và là dịp hiếm hoi trong năm để gia đình đoàn tụ rồi lại lên đường. Khát khao của anh Thi cũng như bao hộ dân chài lưới khác là sông Đáy được hồi sinh để họ có thể hành nghề ở quê hương. Còn nhiều lắm những khát khao như ước vọng lên bờ của 21 hộ dân vạn chài dưới chân cầu Long Biên, làng chài Tráng Việt (Mê Linh)...
Theo ông Trần Hoài Nam, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, ngoài những làng chài đã được định cư, hiện nay thành phố Hà Nội còn 4 huyện tập trung đông các hộ chài sống trên thuyền như Ba Vì, Đan Phượng, Mê Linh và Thanh Oai. Do cuộc sống sông nước không ổn định, nguồn tài nguyên thủy sản ngày càng cạn kiệt, thu nhập thấp và bấp bênh, nên nhiều hộ được liệt vào diện đặc biệt khó khăn. Việc học của con em dân vạn chài ít được quan tâm. Để giúp các hộ dân chài định cư ổn định cuộc sống, ngành NN& PTNT Hà Nội đang triển khai rà soát, bổ sung quy hoạch các khu dân cư, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020. Trong đó, đối với các hộ làng chài sẽ triển khai định cư và hỗ trợ đào tạo nghề.
Dù biết rằng đó không phải là chuyện có thể giải quyết trong ngày một, ngày hai nhưng những nỗ lực để định cư, phát triển kinh tế đang thắp lên hy vọng hiện thực hóa khát khao lên bờ của bao thế hệ người dân làng chài. Khát khao ấy sẽ xóa đi những mảng tối đeo bám để mỗi mùa xuân về là mỗi mùa vui mang niềm tin về sự đổi thay cho người dân vạn chài.