Châu Á rộn ràng đón Tết

Thế giới - Ngày đăng : 08:01, 06/02/2011

(HNM) - Hòa trong không khí đón Tết Nguyên đán rộn ràng của người dân Việt Nam, nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia… cũng tưng bừng chào đón năm mới âm lịch 2011 với niềm tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn năm cũ.

Trẻ em Trung Quốc háo hức chào đón Tết.


Theo lịch 12 con giáp, năm âm lịch 2011 là năm con mèo ở Việt Nam. Tuy nhiên một số quốc gia châu Á gọi năm 2011 là năm con thỏ. Ngay từ những ngày đầu năm mới, hầu khắp các đường phố cũng như trung tâm thương mại sầm uất ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Jakarta (Indonesia), Manila (Philippines)… hình ảnh những chú thỏ trắng ngậm củ cà rốt biểu trưng cho sự giàu có, thịnh vượng suốt cả năm được dựng lên.

Trong số một loạt quốc gia kể trên, Trung Quốc, Hàn Quốc và Mông Cổ là ba quốc gia trên thế giới đón Tết âm lịch giống như Việt Nam. Cũng như ở Việt Nam, những ngày đầu năm mới âm lịch có ý nghĩa quan trọng với người Trung Quốc. Theo tập tục dân gian, những ngày "Tết Xuân" được bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, kéo dài đến ngày rằm tháng Giêng năm mới. Trong thời gian này, đêm giao thừa 30 tháng Chạp và mồng Một Tết là thời khắc long trọng nhất. Trong đó, cúng tổ tiên là việc hệ trọng không thể thiếu. Người Trung Quốc cúng tổ tiên thường dâng "tam sinh", tức thịt gà, thịt lợn và cá, hai món đều nhất thiết phải có và luộc chín, ngoài ra còn bánh tét, đậu hũ, hoa quả... Mỗi loại thực phẩm đều dán giấy đỏ. Sau khi thắp nến, đốt nhang, mọi người quỳ lạy, cầu khấn cho năm mới an lành.

Với người dân Hàn Quốc, Tết cổ truyền được gọi là Seollal. Đây là ngày nghỉ quan trọng nhất theo truyền thống của xứ Kim Chi, với một loạt lễ hội bắt đầu từ ngày năm mới (mùng Một Tết). Seollal kéo dài trong 3 ngày, được coi là quan trọng hơn hẳn ngày đầu năm dương lịch, dù Seollal còn được dùng để chỉ Tết dương lịch. Những ngày này, người Hàn Quốc mặc trang phục truyền thống Hanbok nhiều màu sắc và tiến hành nghi lễ cúng bái tổ tiên vào buổi sáng. Họ thường dùng món tteokguk trong buổi sáng này, ăn xong tteokguk năm mới mới thật sự bắt đầu.

Với người Mông Cổ, một ngày trước năm mới được gọi là Bituun (như ngày 30 Tết của Việt Nam), người dân thường dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để đón năm mới. Tối Bituun, mọi thành viên trong gia đình tụ tập bên nhau để cùng tiễn đưa năm cũ và đón năm mới, đón giao thừa. Mọi người ăn thật no vì tin rằng nếu còn đói, suốt năm mới sẽ bị đói. Vào ngày đầu năm mới, ai nấy dậy sớm trước khi mặt trời mọc, mặc quần áo mới, nhóm lửa. Rồi mọi người ăn bánh bao hấp và uống Airag (sữa ngựa lên men) và tặng quà lẫn nhau. Họ sang nhà bên cạnh, bắt đầu thăm người lớn tuổi trước.

Năm 2011 - năm con thỏ - biểu tượng cho tính thận trọng và tài ngoại giao, người dân châu Á đón Tết trong hy vọng lạc quan. Tuy nhiên nhiều người vẫn không khỏi lo ngại khi nền kinh tế khu vực còn chịu nhiều tác động của thời kỳ hậu suy thoái, lạm phát tăng cao, giá cả lương thực, thực phẩm có nguy cơ "phi nước đại"... Kinh tế châu Á được dự báo tăng trưởng trung bình 7% trong năm 2011, dưới mức 8% của năm 2010, khi những nguy cơ chủ yếu đến từ môi trường bên ngoài vẫn tác động trực tiếp. Song vượt lên tất cả là sự lạc quan tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn trong năm mới này.

Đình Hiệp