Năm mới học cách tính thứ theo dương lịch
Công nghệ - Ngày đăng : 07:42, 06/02/2011
Giả sử ta cần tính một ngày trong năm N. Trước hết ta cần tính xem thứ tự C của ngày đó trong năm N. Ví dụ như ngày 3-2-2011 có thứ tự là C = 34, gồm 31 ngày của tháng 1 cộng với 3 ngày của tháng 2.
Sau đó ta tính các số sau:
+ Thương của N - 1 chia cho 4
+ Thương của N - 1 chia cho 100
+ Thương của N - 1 chia cho 400.
Lấy N - 1 cộng với thương thứ nhất, trừ đi thương thứ hai, cộng thêm thương thứ 3 rồi cộng thêm C. Lấy kết quả vừa tính chia 7. Số dư của phép chia này sẽ là cơ sở để ta tính hôm đó là thứ mấy. Số dư nhận giá trị từ 0 đến 6 thì tương ứng trong tuần sẽ là các ngày từ chủ nhật đến thứ bảy. Dư 0 (tức là chia hết) là chủ nhật; dư 1 là thứ hai; dư 2 là thứ ba; dư 3 là thứ tư; dư 4 là thứ năm; dư 5 là thứ sáu; dư 6 là thứ bảy.
Ví dụ như cần tính ngày 3-2-1011. Ta có N = 2011, C = 34. Từ đó thương của 2010 (là N - 1) tương ứng khi chia cho 4, 100, 400 là: 502, 20, 5.
Ta có kết quả 2010 + 502 - 20 + 5 + 34 = 2531.
Chia 2531 cho 7 được thương 361, dư 4. Do đó ngày 3-2-2011 là thứ năm.
Lưu ý. Để tính C, ta phải biết rõ số ngày trong từng tháng của năm N. Các tháng 1, 3, 5, 7, 8, 10, 12 luôn có 31 ngày. Các tháng 4, 6, 9, 11 luôn có 30 ngày. Riêng tháng 2 có 28 ngày (đối với năm thường) hoặc 29 ngày (đối với năm nhuận hoặc nhuần). Nếu N là năm nhuận thì N chia hết cho 4 mà không chia hết cho 100 hoặc khi N chia hết cho 100 thì N phải chia hết cho 400. Chẳng hạn, những năm 2000, 2004, 2008, 2012 là năm nhuận, còn các năm 2100, 2200, 2300 đều là những năm thường. Tại sao lại thế? Để tìm hiểu về năm nhuận, các bạn xem phần lý giải sau.
Thời gian trái đất quay chung quanh mặt trời một vòng tính theo năm thiên văn là 365,242199 ngày. Như vậy, cứ sau 4 năm thì thừa ra: 0,242199 x 4 = 0,968796 (ngày).
Năm 708 theo lịch Roma (năm 46 TCN), danh tướng Roma Julius Caesar đã yêu cầu nhà thiên văn Hy Lạp tên là Sosigene xứ Alexandrie sửa đổi lịch. Theo đó, 1 năm có 365 ngày và cứ 4 năm lại thêm 1 ngày (gọi là năm nhuận). Lịch này có tên gọi là lịch Julien. Lịch Julien vẫn còn dùng cho đến thế kỷ XXI ở một số nước.
Như vậy cứ sau 4 năm thì thiếu: 1 - 0,968796 = 0,031204 (ngày).
Trung bình sau khoảng thời gian là: (1: 0,031204) x 4, xấp xỉ 128,19 năm thì thiếu đúng 1 ngày.
Tính tương đối thì theo chu kì 4 năm có 1 năm nhuận, năm thứ 128 sẽ không nhuận. Để sửa đổi sai sót này, năm 1582, giáo hoàng Gregory XIII đã sửa lịch Julien.
Theo đó, các năm chia hết cho 4 là năm nhuận, nhưng trong 400 năm (gần bằng 3 lần 128,19 năm) thì có 3 năm có tận cùng bởi hai chữ số 0 mà không chia hết cho 400 thì không phải là năm nhuận (như đã nói ở trên). Lịch này có tên gọi là lịch Grigôri. Ngày nay lịch Grigôri được áp dụng cho hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam.
Dành cho các bạn học sinh. Hãy tính xem ngày 2-9-2015 là thứ mấy? Năm phần quà dành cho những bạn có câu trả lời đúng và gửi đáp án sớm nhất tới Tòa soạn.