Vị thế mới, tinh thần mới

Chính trị - Ngày đăng : 07:01, 06/02/2011

(HNM) - Thành phố Hà Nội đã trải qua 365 ngày năm 2010 với nhiều khó khăn, thử thách gay gắt. Nhưng đây cũng là năm thành công có lẽ đặc biệt nhất của thành phố trong vòng nhiều năm trở lại đây.


“Món quà” phục hồi kinh tế

- Với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 11%, cùng hầu hết các chỉ số kinh tế - xã hội khác trở lại gần như trước khủng hoảng, Hà Nội đã có một năm rất thành công. Thành phố rút ra được những bài học gì từ thành quả đó, thưa đồng chí?


Hà Nội trên đường phát triển.    Ảnh: Xuân Chính


Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo:
Cần nhớ lại rằng, đầu năm 2010, chúng ta vẫn còn rất khó khăn khi khủng hoảng kinh tế tác động mạnh, tăng trưởng chậm, lạm phát cao, sản xuất kinh doanh chưa thực sự sáng, xuất khẩu cũng chậm. Nhưng bức tranh kinh tế mỗi lúc một sáng hơn, tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước, lạm phát cũng giảm dần. Đó là nhờ thành phố thực hiện nghiêm các giải pháp của Chính phủ, đồng thời có sự chủ động, linh hoạt trong triển khai. Chúng ta đã tận dụng rất tốt xu hướng phục hồi kinh tế chung của cả nước và thế giới để có được thành công cho riêng mình. Thành phố đã thúc đẩy các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh thông qua cải cách hành chính, tổ chức các hội nghị giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp, hội nghị 3 nhà "Quản lý - Khoa học - Sản xuất, kinh doanh", hội nghị giao ban các tổ chức tín dụng trên địa bàn, chỉ đạo tích cực việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt… Đây là bài học về tính chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, một khâu mà năm 2010, thành phố tiếp tục có nhiều đổi mới.

Nhưng bài học quan trọng nhất đem lại sự phục hồi kinh tế này là sự đoàn kết, chung sức chung lòng, phấn đấu thường xuyên, liên tục của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô, trong đó có đóng góp quan trọng của lực lượng doanh nghiệp, của hàng triệu công nhân, nông dân, lao động trên địa bàn thành phố. Tất cả đã có một năm thi đua, lao động vất vả, nhưng thành quả chúng ta đạt được rất xứng đáng.

- Năm 2010, thành quả kinh tế là điểm sáng nổi bật của Thủ đô cùng với đó, Hà Nội đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa lớn. Giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, giá trị văn hóa mới được bồi đắp. Hà Nội đã làm thế nào để đạt được cùng một lúc nhiều mục tiêu?


Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo: Đúng là thành phố đã dành rất nhiều tâm sức để tìm kiếm kết quả tích cực nhất có thể về mặt kinh tế trong năm qua nhằm hoàn thành mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta lơ là nhiệm vụ phát triển văn hóa, cũng như những lĩnh vực khác. Mà phải thấy rằng, nhờ giữ vững được sự phát triển kinh tế, chúng ta có điều kiện phát triển văn hóa hiệu quả hơn.

Phục hồi kinh tế là món quà ý nghĩa nhất, thiết thực nhất mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội - sự kiện mà văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã thực sự tỏa sáng. Ngay giữa tình hình khủng hoảng kinh tế, trong quá trình chuẩn bị cho Đại lễ, lãnh đạo thành phố đã tâm niệm rằng, Đại lễ sẽ mất đi nhiều niềm vui, nếu kinh tế còn chưa hồi phục, vì vậy, phải hạ quyết tâm phục hồi kinh tế và coi đây là món quà ý nghĩa nhất dâng lên Đại lễ. Kết quả kinh tế tích cực đã tôn lên niềm vui cho Đại lễ, nhờ thế các hoạt động văn hóa cũng hứng khởi, vui tươi hơn. Có thể nói, năm 2010, văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã tỏa sáng rực rỡ cùng với thành công của kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội một phần là nhờ thành quả phát triển kinh tế mà thành phố đã quyết tâm và làm được. Văn hóa không bao giờ mất đi vị trí trên con đường phát triển của Thủ đô mà ngày càng được bồi đắp phong phú và đặc sắc hơn, nhất là khi kinh tế phát triển vững chắc.

Hai khâu đột phá của Hà Nội trong 5 năm tới
* Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân; tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
* Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là xây dựng hệ thống giao thông, cấp thoát nước và xử lý ô nhiễm môi trường.

- Năm 2011, Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 12% trong hoàn cảnh tình hình kinh tế thế giới còn rất phức tạp. Đồng chí đã cho rằng, đây là mục tiêu khả thi. Xin đồng chí cho biết, yếu tố nào giúp thành phố có thể hoàn thành mục tiêu?

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo: Mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XV và HĐND TP đã đề ra là rất thực tế. Nếu nhìn vào những gì thành phố đã làm được trong năm 2010, chúng ta đủ tự tin khẳng định rằng, tăng trưởng 12-13% là khả thi. Bởi vì, năm 2010 khó khăn là thế, Hà Nội vẫn tăng trưởng 11%, năm 2011, chúng ta có thêm nhiều điểm thuận lợi hơn. Dự báo kinh tế thế giới tuy còn phức tạp nhưng đã tương đối ổn định và có xu hướng phục hồi, xuất khẩu trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tăng. Chính phủ cũng phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 7,5%, đồng thời xác định năm 2011 là thời cơ để tạo tiền đề phát triển vững chắc cho các năm tiếp theo. Hà Nội với vị trí, vai trò và trách nhiệm càng thấy rõ hơn tính chất thời cơ đó. Năm 2011, thành phố còn có thêm những nguồn lực mới như Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt… Đó là chưa kể, chúng ta có vị thế mới và tinh thần mới nhờ thành công rực rỡ của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và một năm vượt khủng hoảng hiệu quả cao. Năm 2011, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao hơn, nên việc đặt mục tiêu như vậy cũng rất cần thiết và phù hợp.

Ưu tiên phát triển hạ tầng


- Phát triển hạ tầng đang đặt ra cho Thủ đô rất nhiều vấn đề. Hiện nay có sự chênh lệch khá lớn giữa nội thành và nông thôn. Trong khi đó, số dân thành phố ở nông thôn chiếm trên 60%. Thành phố có giải pháp như thế nào để giảm bớt sự chênh lệch?

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo:
Trong năm 2010, thành phố đã đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng phát triển giao thông nông thôn. Đây chỉ là một lĩnh vực trong nhiều lĩnh vực phát triển hạ tầng khu vực nông thôn ngoại thành mà thành phố đã đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư, tài trợ thực hiện. Sự chênh lệch về cơ sở hạ tầng giữa nội thành và ngoại thành là một thực tế mà thành phố đã quan tâm, có giải pháp xử lý từ nhiều năm nay, nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Hiện nay, thành phố đã thực hiện chủ trương ưu tiên đầu tư lớn hơn về hạ tầng cho khu vực ngoại thành. Trong đó, phải kể đến định mức phân bổ ngân sách những năm tới đây sẽ ưu tiên cho các huyện ngoại thành, các huyện được trích lại nguồn thu ngân sách cao hơn nội thành và được thành phố đầu tư lớn hơn (Nghị quyết của HĐND TP tại kỳ họp cuối năm 2010)… Vấn đề hiện nay là hầu hết các huyện ngoại thành chưa có quy hoạch xây dựng, nên việc triển khai các dự án cũng gặp không ít khó khăn. Chúng ta phải đợi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, sau đó sẽ cụ thể hóa thành các quy hoạch chi tiết từng khu vực để thực hiện đầu tư xây dựng.

- Thực tế cho thấy, dù đã được đầu tư nhiều, nhưng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội Thủ đô vẫn còn rất hạn chế. Nhu cầu đầu tư cho hạ tầng đang không ngừng tăng lên. Thành phố sẽ làm gì để giải tỏa sức ép thưa đồng chí?

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo: Hạ tầng của Hà Nội chưa theo kịp tốc độ phát triển dân số, cũng như tốc độ đô thị hóa, lâm vào tình trạng quá tải. Chúng ta vẫn thiếu quy hoạch cho hệ thống nghĩa trang và hệ thống chôn lấp, xử lý rác tập trung, thu gom, xử lý nước thải đầu nguồn… Thành phố cần xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng tương ứng và phù hợp với nhu cầu phát triển của Thủ đô trong hiện tại và tương lai. Nhưng đây là việc khó, dù thành phố đã rất cố gắng, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Một trong hai khâu đột phá được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV là tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đây là nhiệm vụ xuyên suốt, liên tục và được thành phố hết sức coi trọng.

Xây dựng cơ sở hạ tầng là việc có quy mô lớn, đòi hỏi khoản đầu tư cao, nên thành phố cũng phải lựa chọn việc cấp bách, cần thiết làm trước, việc chưa cấp bách hơn làm sau, đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm. Vì vậy, trong khâu đột phá mặc dù xác định là hạ tầng nói chung, nhưng thành phố cũng nêu rõ: trọng tâm là xây dựng hệ thống giao thông, cấp thoát nước và xử lý ô nhiễm môi trường. Thành phố cũng sẽ ưu tiên đầu tư giải quyết về hạ tầng tại những khu vực khó khăn, bức xúc và đòi hỏi cấp bách để làm trước. Trong quá trình thực hiện, thành phố tiếp tục huy động các nguồn lực, đặc biệt là phải xây dựng các cơ chế chính sách thu hút nguồn lực xã hội hóa.

Nhưng điều mà thành phố coi là có ý nghĩa quyết định trong mọi công việc, không riêng gì các dự án phát triển hạ tầng, là sự ủng hộ của đông đảo người dân, những gia đình có lợi ích thiết thân với các dự án đầu tư hạ tầng, nhất là những dự án có tính chất phức tạp như xây dựng nghĩa trang, bãi xử lý rác… Nhu cầu của thành phố về những hạ tầng này ngày càng bức bách, chúng ta không thể không làm vì đây là trách nhiệm chính trị, vì lợi ích chung của nhân dân thành phố. Thành công trong xây dựng và phát triển của thành phố những năm qua có sự san sẻ trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, nên chúng tôi tin rằng, người dân Thủ đô sẽ tiếp tục thể hiện trách nhiệm vì việc chung ngày càng tốt hơn.

Biến quy hoạch thành lợi thế

- Quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị là những lĩnh vực rất sôi động ở Hà Nội trong năm qua. Đồng chí đánh giá ra sao?

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo:
Trong quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, Hà Nội còn nhiều việc phải bàn, phải làm. Nhưng nhìn lại năm 2010, thành phố đã làm được nhiều việc, góp phần đổi mới diện mạo đô thị, ghi dấu ấn mang tính thời đại bằng các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan TƯ xây dựng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, tự xây dựng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Thành phố đã tổ chức rà soát các đồ án quy hoạch, các dự án đầu tư, rà soát các khu đô thị và quy hoạch hệ thống hạ tầng xã hội, trường học, trạm y tế… Hàng loạt các dự án mang tính phúc lợi xã hội như xây nhà ở cho công nhân, nhà ở thu nhập thấp, xây dựng mới cải tạo chung cư cũ đã được triển khai. Riêng giải phóng mặt bằng, năm 2010, thành phố đã triển khai với số dự án nhiều nhất từ trước đến nay: 450 dự án, trên 2.100ha đất được thu hồi, số tiền chi trả lên tới 13.000 tỷ đồng, liên quan đến 2.500 hộ gia đình. 27 dự án hạ ngầm, 16 dự án cải tạo chỉnh trang công viên, vườn hoa, quảng trường, 22 dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng… đã được tổ chức thực hiện, làm đẹp thêm cho thành phố. Quản lý xây dựng đã có sự tiến bộ đáng kể với số lượng công trình được cấp phép xây dựng tăng lên, song song với việc xử lý hàng loạt công trình không phép, sai phép. Thành phố cũng đã thu hồi 19 dự án có giao đất vi phạm nghiêm trọng, với diện tích thu hồi trên 360.000m2.

- Những yếu kém còn tồn tại trong công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị như thiếu quy hoạch, không làm theo quy hoạch, xây dựng sai phép, trái phép, tình trạng nhà "siêu mỏng, siêu méo"… có phải vẫn là những vấn đề được thành phố quan tâm đặc biệt trong năm 2011?

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo:
Đây là những vấn đề của bất kỳ một đô thị đang phát triển nào, nhất là đối với Hà Nội, một đô thị đang ở giai đoạn phát triển sôi động nhất. Điều quan trọng là trong khi chúng ta tập trung xây dựng, phát triển đô thị vẫn có giải pháp khắc phục những khuyết điểm đó.

Những năm qua, Hà Nội luôn xác định quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu. Thành phố đã không ngừng đầu tư cả về thời gian, vật chất và con người để đẩy mạnh công tác này. Nhưng chuyển biến mạnh mẽ về mặt xây dựng đã được dư luận đánh giá cao, những kết quả của năm 2010 đã làm rõ thêm sự tiến bộ này. Nhưng nhiều vấn đề hạn chế trong quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị vẫn chưa được giải quyết trong đó có những việc khó, nhiều năm qua chưa dứt điểm được như tình trạng nhà "siêu mỏng, siêu méo" chẳng hạn. Đây là vấn đề mang tính lịch sử, liên quan đến nhiều tầng chính sách, nhiều nhiệm kỳ công tác, mặc dù rất khó khăn, nhưng thành phố vẫn sẽ quyết tâm làm và làm có hiệu quả. Việc kiểm tra, rà soát trong quản lý xây dựng, quản lý quy hoạch cũng sẽ được tăng cường để hạn chế thấp nhất những vấn đề tiêu cực nảy sinh, xử lý nghiêm những vi phạm…

- Năm 2011, thành phố sẽ có Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đây được coi là nguồn lực mới để Thủ đô phát triển. Thành phố sẽ làm gì để phát huy lợi thế này, thưa đồng chí?


Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo:
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là cơ sở quan trọng để thành phố thực hiện những kế hoạch, dự án phát triển quan trọng. Đây cũng là cơ sở để khắc phục nhiều bất cập hiện nay. Trên cơ sở Quy hoạch chung, thành phố sẽ tổ chức đồng loạt lập các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết để triển khai xây dựng. Đây là khối lượng công việc rất lớn, nếu không muốn nói là khổng lồ về quy hoạch. Thành phố sẽ phải xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn, đội ngũ chuyên gia, đồng thời rà soát, điều chỉnh, tiếp tục tăng cường phân cấp cho quận, huyện, thị xã. Đây là nhiệm vụ đầy thử thách, nhưng thành phố quyết tâm biến quy hoạch thành lợi thế để phát triển, tạo điều kiện huy động các nguồn lực để xây dựng Thủ đô ngày càng tiện nghi và đáng sống hơn.

- Năm mới Tân Mão 2011 đã đến, trong thời khắc đầu xuân mới, đồng chí có thể chia sẻ suy nghĩ với người dân Hà Nội?


Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo: Tôi thực sự muốn nói lời cảm ơn với người dân Hà Nội vì đã đoàn kết, đồng hành cùng thành phố, thường xuyên động viên, ủng hộ nhiều chủ trương, quyết sách của thành phố trong năm qua. Đây chính là cơ sở, là nguyên nhân quan trọng bậc nhất đem lại những thắng lợi trong năm 2010 của chúng ta. Tôi mong rằng, bước vào năm 2011, cả thành phố sẽ thể hiện được vị thế mới, tinh thần mới trong mọi công việc, sẵn sàng nhìn thẳng vào những hạn chế để không ngừng tiến lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, cùng đóng góp cho Thủ đô và đất nước. Xin gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Ngọc Hà