Cười Bắc, cười Nam, cười qua truyền hình

Giải trí - Ngày đăng : 01:12, 03/02/2011

(HNMO) - Năm Canh Dần đã khép lại, Tân Mão đã đến. Đêm Giao thừa chuyển giao năm cũ – mới qua đi với những điều giản dị mà ý nghĩa; nơi nơi, người người cùng góp tài, góp sức cho một năm mới vui tươi đến với mọi nhà…

Với các nghệ sĩ, năm mới là dịp để họ trổ tài, bày món ngon cho nhà nhà đón Xuân thêm ý nghĩa. Xuân Tân Mão này, như đã thành lệ, nghệ sĩ Việt Nam lại góp tài làm phim, diễn kịch, dựng những chương trình hài vui nhộn. Năm nay, phim Việt vẫn giữ được đà sản xuất dòng phim làm riêng cho Tết có được từ thời xuất hiện “Gái nhảy”, nhưng có vẻ như sau một thời gian dòng phim Tết gây “sốt” và gây “sốc”, bộ phim “Cô dâu đại chiến” – được nhiều người coi là “cây đinh” của điện ảnh trong dịp xuân Tân Mão - đã không gây được sự chú ý quá đặc biệt. Kịch nói, và sân khấu nói chung không có gì nổi bật, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ Giao thừa cho đến hết tuần đầu năm mới. Trong bối cảnh ấy, sự chờ đợi trong ba ngày Tết được đặt cả vào truyền hình và loạt  chương trình hài đón xuân Tân Mão.

“Gặp nhau cuối năm” vẫn là “đỉnh”

20h ngày 30 Tết, hàng triệu gia đình Việt Nam quây quần đón chờ “Gặp nhau cuối năm” trên sóng VTV, chỉ có điều sự chờ đợi năm nay không có được sự đặc biệt như mọi năm nữa. Với nhiều nhà ở các thành phố lớn, đặc biệt là các gia đình Hà Nội, họ đã có điều kiện được xem “Gặp nhau cuối năm” từ vài ngày trước.

Táo Quân trong "Gặp nhau cuối năm" luôn được công chúng đón xem vào đêm 30 Tết


Những năm trước, không kể những khách mời trường quay “Gặp nhau cuối năm”, thường thì người Hà Nội chỉ có thể được xem chương trình hài hoành tráng này đúng vào tối cuối năm, khi VTV đồng lọat cho chương trình lên sóng VTV 1, VTV 2, VTV 3, VTV4… Năm nay có khác, bản DVD “Gặp nhau cuối năm” được bán rộng rãi từ vài ngày trước Tết. Bản đẹp hẳn hoi chứ không phải bản “xanh” nhòe nhọet được cánh đầu nậu băng đĩa hình phát tán như một số năm trước. Từ khoảng 27 Tết, người Hà Nội đã có thể mua “Gặp nhau cuối năm” tại những chợ băng đĩa ở Đồng Xuân, Chợ Trời, Hàng Bài… với giá 80.000 đồng/cặp DVD. Bìa đĩa dạng hộp, có tem bản quyền của Cục Nghệ thuật biểu diễn trên có in số giấy phép phát hành mã số… Đó là bản chuẩn, được các đầu nậu dùng để in sao rộng rãi và bán cho khách với giá rẻ hơn.

Nhưng dù gì thì “Gặp nhau cuối năm” vẫn là chương trình được chờ đợi nhất trong chiều 30 Tết. Năm nay các Táo vẫn tấu với Ngọc Hoàng trong sự “đưa đẩy” của Nam Tào, Bắc Đẩu theo một kịch bản đã cũ. Vẫn là mượn chuyện Táo để nói chuyện trần gian, “móc” những “tồn tại” trong lĩnh vực Giao thông, Điện lực, Kinh tế, Quy hoạch… bằng tài diễn của số nghệ sĩ hài “vài năm nay không thiếu mặt” như Công Lý, Hiệp "gà”, Xuân Bắc, Quang Thắng, Tự Long, Vân Dung…Nhiều chuyện cũ được các Táo “móc” lại, như chuyện giao thông, giá cả phi mã. Cách tung hứng của các danh hài không cứu vãn được sự lặp lại, trừ cốt chuyện được dẫn dắt trên nền của một cuộc thi – có lẽ là “Vietnam Idol” vừa diễn ra cuối năm ngoái, đã gây sốt trong khán giả trẻ.

“Gặp nhau cuối năm”, dù đã đến lúc làm người xem bớt hứng thú vì cách gây cười đã thành quen thuộc, vẫn xứng đáng với sự chờ đợi bởi những chi tiết mới, một số trường đoạn lạ. Và quan trọng hơn cả là khán giả được chứng kiến một thái độ phê bình thẳng thắn, trực diện một cách…“khá dễ chịu” của giới truyền thông đối với những vấn đề của cuộc sống sau một năm bận rộn. Một sự “tổng kết” những vấn đề “chưa được”, có thể giúp người liên quan nghiêm túc nhìn lại mình, xem lại công việc được giao, xác định hướng phấn đấu trong một năm mới.

Hài cũ, hài mới, hài trên truyền hình

Chiều 30 Tết, khi sức mua bánh kẹo, rượu bia đã chững hẳn lại, thứ vẫn được bày bán rộng rãi và được nhiều người quan tâm là đĩa hài và…bao lì xì. Có cả một “kho” đĩa hài ở dãy cửa hàng băng đĩa góc phố Chùa Bộc, Hàng Bài, trước chợ Đồng Xuân…, mới xen lẫn cũ, những chương trình “mới tinh” xen lẫn thứ được làm mới từ…những chương trình có từ lâu rồi.

Một trong số những sản phẩm hài được sản xuất để đón xuân Tân Mão



Cách “sản xuất chương trình” phổ biến nhất của đầu nậu băng đĩa là lấy vài “mẩu” ăn khách của anh A “trộn” với vài tiết mục xuất sắc của anh B, chị C, rồi đặt cho món “thập cẩm” một cái tựa hấp dẫn. Cũng có khi đầu nậu không cần phải “trộn” nhiều nghệ sĩ với nhau, mà làm hẳn “tuyển tập” của một nghệ sĩ. Điều quan trọng ở cách làm này là phải tìm những gương mặt nổi bật trong làng hài trong nước và hải ngoại. Thế là ngoài “chợ đĩa” ê hề “tuyển tập” của Hoài Linh, Thúy Nga…

Chương trình hài cũ, mới lẫn vào nhau, khó phân biệt mới thật hay mới "rởm” nên xuân Tân Mão này, khách hàng thường chọn chương trình của các hãng sản xuất tên tuổi, sản phẩm có tem nhãn bản quyền đàng hoàng. Chẳng khó khăn gì bởi số chương trình hài “xịn” khá nhiều, đủ để cười “từ Bắc vào Nam”.

Chương trình hài năm nay xuất hiện dày đặc trên truyền hình. VTV, sau “Gặp nhau cuối năm” còn một “cây đinh” khác, cũng được chờ đợi không kém chương trình đã lên sóng tối Giao thừa. Đó là “Gala cười 2011”- phát sóng vào 22h mùng 2 Tết trên sóng VTV1. Năm nay, “Gala cười 2011” có sự góp mặt của những cây hài quen thuộc của làng cười từ Bắc chí Nam, từ Hồng Vân đến Đức Hải, Thanh Thúy, Đức Thịnh, Công Lý, Tự Long, Xuân Bắc, Quang Thắng, Ngọc Huyền, Chí Trung… Phần vui nhất trong chương trình này là tiểu phẩm hài, “nhạc chế” dựa trên ca khúc “Bà tôi” và “Ôi quê tôi”, có sự tham gia của Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý, Quang Thắng.

VTV sẽ cho lên sóng nhiều tiểu phẩm hài, đặc biệt là trên sóng VTV1, VTV3. Suốt trong ba ngày Tết, xen giữa những chương trình hay xoay quanh chủ đề Tết – mùa Xuân – đất nước là các tiểu phẩm như “Từ từ rồi tính”, “Ngày nghỉ cuối tuần”, chèo vui “Đếm hổ trong rừng”… VTV6 cũng mỗi ngày một tiểu phẩm, “Miếng thịt tổng kết”, “Tặng quà Tết”… HTV7 có “Siêu thị cười” rất đáng chú ý vào 22h ngày mùng 3 Tết, với chuyện về các Táo tố nạn cắt điện tùy tiện, giá cả leo thang.

Tiếng cười đầu xuân mà các nghệ sĩ và người làm truyền hình đã tạo niềm vui và sự hào hứng cho khán giả trong một năm mới.

Lệ Quyên