Nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ: Lựa chọn phương án tối ưu
Xã hội - Ngày đăng : 08:32, 01/02/2011
Một đoạn đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Linh Ngọc
Tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ đạt tiêu chuẩn cấp 1 đồng bằng, gồm 4 làn xe chạy, 2 làn xe khẩn cấp… bảo đảm cho xe chạy vận tốc 100 km/h. Theo báo cáo của VEC, lưu lượng xe qua tuyến là gần 21 nghìn xe/ngày, đêm (chưa kể xe máy) và còn tiếp tục tăng nhanh, trong đó có nhiều xe tải trọng lớn. Một điểm đáng lo ngại là đi qua vùng đất yếu, nền đường bị lún nhiều nên mặt đường bị nứt, gãy khúc, không bảo đảm độ êm thuận, là vấn đề gây bức xúc dư luận trong nhiều năm qua khi thời gian chờ lún quá lâu. Đó là chưa kể, tại một số nút giao đã bộc lộ hạn chế.
Trong báo cáo đầu kỳ về dự án nâng cấp, sửa chữa tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, VEC khẳng định sự quan trọng và cần thiết của dự án. Theo đó, có nhiều thuận lợi để nâng cấp thành đường cao tốc do đã giải phóng mặt bằng theo dải cố định rộng khoảng 40m, nên tại các vị trí đắp thấp vẫn còn dải dự trữ từ 5m đến 10m; dọc tuyến chủ yếu là đất nông nghiệp, ít liên quan đến đất thổ cư, nhà cửa. Về quy hoạch, Pháp Vân - Cầu Giẽ là đoạn đầu tiên của tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc nâng cấp càng có ý nghĩa hơn để đồng bộ với đường Vành đai 3, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sắp đưa vào khai thác. Theo Bộ GTVT, trước mắt sẽ nâng cấp tuyến này với quy mô đường cao tốc 4 làn xe, phù hợp với tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, trong đó có tính tới việc nâng lên 6 làn xe khi có điều kiện.
Chọn phương án nào?
Việc đầu tư nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ để đồng bộ với tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình là rất cần thiết, nhưng chọn phương án nào để giảm gánh nặng vốn đầu tư cho Nhà nước trong bối cảnh khó khăn hiện nay thực sự là bài toán khó. Mới đây, Tổng Công ty Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (Nexco-central) đã báo cáo Bộ GTVT, đề xuất phương án nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ thành đường cao tốc. Theo Nexco-central, để thực hiện phương án này, các nhà đầu tư phía Nhật Bản và Việt Nam sẽ thành lập liên doanh Special Purpuse Company (SPC) theo hình thức công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đóng vai trò chủ thể thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý dự án (trừ GPMB). Việc tổ chức đấu thầu sẽ công khai, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh. SPC chịu trách nhiệm toàn diện về bảo dưỡng, bảo trì.
Trên cơ sở thành lập SPC, Nexco-central đề xuất 2 phương án tiếp theo. Thứ nhất, VEC là chủ đầu tư chính thức và ký hợp đồng đại diện thực hiện dự án với SPC để SPC đứng ra đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành dự án trong một thời gian. SPC sẽ trả VEC một khoản phí cho việc đại diện thực hiện dự án. Ngoài ra, VEC vẫn có vai trò điều hành SPC gián tiếp thông qua hợp đồng. Sau khi kết thúc hợp đồng, SPC giải thể và chuyển giao lại toàn bộ cho VEC. Phương án thứ 2 là góp vốn bằng tài sản đường. Liên doanh SPC làm chủ đầu tư sẽ đứng ra thực hiện mọi công tác đầu tư xây dựng và quản lý; VEC có vai trò điều hành trực tiếp thông qua vốn góp, nhưng đóng góp của VEC phải đạt một tỷ lệ nhất định. Kết thúc thời hạn thu phí, SPC cũng giải thể và chuyển giao toàn bộ tài sản không bồi hoàn cho VEC.
Nexco-central còn đưa ra 3 phương án đầu tư xây dựng cũng như cơ cấu vốn, trong đó doanh nghiệp này sẽ đứng ra kêu gọi thêm các nhà đầu tư Nhật Bản. Mỗi phương án đều có những ưu điểm. Cụ thể, ở phương án 1, VEC có thể thu lợi nhuận lớn, giảm rủi ro về biến động lưu lượng giao thông hay tỷ giá... Ở phương án còn lại, ưu điểm nổi bật là không cần xây dựng cơ chế đại diện thực hiện dự án và VEC có thể nắm vai trò điều hành SPC nếu đủ vốn góp. Để lựa chọn phương án phù hợp trong bối cảnh khó khăn về vốn hiện nay là điều không dễ. Một số chuyên gia cho rằng, việc nghiên cứu, tạo điều kiện về cơ chế cho doanh nghiệp khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường, giảm gánh nặng cho Nhà nước, thu hút nhà đầu tư là cần thiết.