Không nên để lễ hội bị biến tướng

Văn hóa - Ngày đăng : 07:05, 01/02/2011

(HNM) - Từ khi đất nước đổi mới, đời sống của người dân được nâng cao thì văn hóa lễ hội cũng được nâng lên tầm cao mới. Tuy nhiên, do sự buông lỏng quản lý, các lễ hội đua nhau tổ chức, mạnh làng nào làng đó làm…

Lễ hội cổ truyền ở làng Mục Xá, xã Cao Dương (Thanh Oai). Ảnh: Bá Hoạt


Theo thống kê của ngành văn hóa - thể thao & du lịch, ở nước ta có khoảng 8.000 lễ hội từ cơ sở đến tầm vóc quốc gia. Bên cạnh những lễ hội quy mô quốc gia như Giỗ tổ Hùng Vương, hội Gióng, hội Cổ Loa, hội chùa Phật Tích, Chùa Hương, Yên Tử… do tư tưởng vụ lợi, ganh đua kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy", nhiều địa phương đã tự ý mở rộng quy mô. Mỗi lễ hội như vậy, người dân phải đóng góp, chi phí tốn kém không ít tiền, nhiều người bỏ bê công việc, trong khi đó đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.

Đặc biệt, cảnh chen chúc nhau đi lễ, các loại hình dịch vụ đua nhau "chặt chém" do quản lý lỏng lẻo hoặc nam thanh nữ tú phấn son lòe loẹt, áo quần hở hang, vào cửa đình, cửa chùa mà cười hô hố, nói năng tục tĩu... diễn ra phổ biến tại nhiều lễ hội. Phật tử Lê Thị Thành, ở phố Hoè Nhai tâm sự: Phật dạy con người ta phải "từ bi hỉ xả", song người đi lễ thời nay chủ yếu cầu tham, người giàu muốn giàu thêm. Họ đến chùa bằng mâm cao cỗ đầy, thậm chí ban tổ chức cấm không cúng xôi thịt, nhưng có người còn bê nguyên con lợn quay vào trước Tam Bảo. Buồn nhất là hiện tượng, cứ đến cửa đình, cửa chùa là rải tiền, chủ yếu là tiền có mệnh giá từ 2.000-5.000 đồng… vào hốc cây, ghềnh đá, bệ tháp và cả trên tay, trên vai Phật. Những hành động đó trái ngược với đạo lý "vào chùa kính Phật trọng Tăng". Tại các đình, chùa, miếu, phủ… hòm công đức bày nhan nhản, rồi người ngồi ở các bàn ghi công đức cũng không ít. Mặc dù, vào các ngày Rằm, mồng Một rất đông khách lễ bái, thế nhưng việc tổ chức, quản lý lễ hội gần như bị thả nổi, cộng với văn hóa ứng xử trong lễ hội của người tham gia có nhiều biểu hiện lệch lạc, thái quá, khiến cho lễ hội vốn là nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc có nguy cơ biến tướng.

Thiết nghĩ, tổ chức lễ hội là sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa người làm lịch sử, văn hóa, truyền thống với bản sắc văn hóa cụ thể của mỗi địa phương. Các lễ hội dù là truyền thống hay đương đại cần phải có sự hướng dẫn, chỉ đạo, đúng các yếu tố tâm linh, văn hóa, giải trí, tránh thương mại hóa trong các lễ hội. Các cơ quan chức năng cần tổ chức tập huấn về quản lý, tổ chức lễ hội cho cán bộ văn hóa các cấp, nhằm đưa lễ hội đi vào chuẩn mực; đồng thời chính quyền địa phương cũng phải thường xuyên tuyên truyền cho cộng đồng hiểu rõ giá trị của di tích, công trạng của những nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc được tôn vinh và nắm được các quy định hiện hành về ANTT, ATVSTP và ATGT. Đối với những lễ hội mang tính chất sự kiện, chào mừng thì phải có đề án, kịch bản thật cụ thể, tránh phô trương, trùng lắp, lợi bất cập hại. Hy vọng các lễ hội trong năm Tân Mão - 2011 sẽ thực sự đi vào lòng người và giữ gìn được nét văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Mai Lệ Huyền