Dưa ngọt trên đất phèn
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:45, 01/02/2011
Thu hoạch dưa ở xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. |
Tết ngọt mùa dưa
Ngôi nhà 3 tầng khang trang của anh thương binh Nguyễn Văn Minh (ấp Chiến Thắng, thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) có được là nhờ những mùa lúa, mùa dưa. Chín lần bị thương trong chiến tranh, mang trong mình những mảnh đạn và 65% sức khỏe bị mất, năm 1991 anh Minh quay trở về quê hương. Khi đó Vĩnh Hưng còn hoang hóa, đất đai bị nhiễm phèn, chỉ có cỏ lác, cỏ năn và tràm sống nổi. Được nhà nước cấp 5 triệu đồng để xây nhà tình nghĩa, anh không xây nhà mà đưa vợ con về "gửi" bên ngoại và mang 5 triệu đi khai hoang.
Khai hoang được 17ha, anh được nhà nước cấp luôn mảnh đất đó. Ngày đó, đất đai bạt ngàn, hầu như ai khẩn hoang được bao nhiêu thì được lấy bấy nhiêu. Đào kênh, xả phèn, đưa nước ngọt từ sông Tiền về… anh đã cùng những người nông dân nơi đây biến "đất chết" thành "đất vàng" khi đất phèn được tắm những dòng nước ngọt ngào mang đậm phù sa. Cuộc sống khá dần lên, năng suất lúa dần lên cao biến Đồng Tháp Mười thành vựa lúa của Đồng bằng sông Cửu Long.
Đất đai nhiều, trồng lúa cho năng suất cao nhưng thấy dưa hấu vùng Gò Công (Tiền Giang) được mùa, được giá nên năm 2002 anh thử mang một ít giống về trồng. Không ngờ, vụ dưa năm đó trúng lớn vì đất mới. Bốn ha đầu tiên của anh cho năng suất lên đến 25 tấn/ha. "Mang ra Hà Nội được 60 tấn, mỗi hécta cho lãi mấy chục triệu đồng", anh Minh nhớ lại. Được mùa, năm sau anh tiếp tục trồng dưa. Năng suất vẫn tiếp tục trên dưới 20 tấn/ha. Rồi nhiều bà con quanh vùng cũng bắt đầu trồng dưa. Vĩnh Hưng có "thương hiệu" dưa từ đó.
Một điều có lẽ ít ai biết là với dưa hấu vùng Vĩnh Hưng, loại ngon nhất không phải dành cho TP Hồ Chí Minh mà là cho Hà Nội. Một phần, vì loại dưa ở đây có vỏ rất dày và cứng, dễ vận chuyển, bảo quản dù đi xa đến tận Hà Nội. Dưa thu hoạch được chia làm nhiều loại, trong đó, những trái tròn nhất, mọng nhất, đẹp nhất, nặng từ 2,5kg trở lên được dành chuyển ra phía Bắc. Năm nay, anh Minh cho biết dưa bị "thất" do lạnh nhiều và sương muối, năng suất chỉ còn khoảng 12 tấn/ha. Một nửa trong số thu hoạch được các thương lái đặt chuyển đi Hà Nội, giá tại vườn lên đến 6.000 đồng/kg. Số dưa còn lại có giá 3.500 đồng/kg, bán ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Với giá này, anh vẫn lãi được 20 triệu/ha, chưa thể bằng cách đây 3 năm, đầu tư cho một hécta hết 50 triệu đồng, thu lãi tới 86 triệu đồng.
Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Hưng cho biết, vụ Tết năm nay huyện có khoảng 700ha đất trồng dưa hấu, nhiều hơn năm trước 100ha, năng suất trung bình hơn 10 tấn/ha. Trồng dưa thuận lợi bởi giống ngắn ngày (khoảng 55 ngày) nên có thể chủ động trồng và thu hoạch vào lúc tiêu thụ được nhiều và được giá nhất. Thường thì bà con nông dân chia dưa làm ba vụ: tết, rằm tháng giêng và mùng 5 tháng 5 âm lịch, trong đó tết là vụ chính. Rộ lên trồng dưa từ năm 2004-2005, cũng có năm mất mùa dưa do bị mưa đột ngột, nhưng vẫn có hiệu quả kinh tế hơn trồng các loại rau, quả khác. Hiện Vĩnh Hưng đã làm hồ sơ đăng ký thương hiệu dưa Vĩnh Hưng với Sở Khoa học Công nghệ.
Nỗi lo được mùa rớt giá…
Hằng năm, từ tháng 8 đến tháng 10 là Đồng Tháp Mười vào mùa nước nổi. Nước ngập trắng đồng khiến bà con không thể canh tác, thậm chí đi lại cũng khó khăn. Nhưng bù lại, khi con nước rút đi để lại những lớp phù sa dày cho vùng đất này thêm màu mỡ. Vào mùa này, bà con trồng dưa hấu lại sẵn sàng giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật… để khi nước vừa rút là làm bầu ươm hạt giống, đào liếp, phủ bạt… và đợi lúc thích hợp đặt bầu ngay cho kịp thu hoạch vào dịp Tết.
"Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa", cây dưa dễ trồng nhưng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết nên dù mang lại hiệu quả kinh tế cao thì vẫn rõ sự bấp bênh. Năm nay, nhiều người trúng mùa, bán được giá nhưng vẫn có người bị lỗ vì dưa. Bởi dưa trồng ngắn ngày, nên chỉ tính sai một chút về thời gian hay gặp thời tiết không thuận lợi là có thể thất bại. Dưa không như lúa, thu hoạch xong phải bán ngay chứ không thể trữ lại, nên sự bấp bênh càng cao. "Lợi nhuận trồng dưa hơn trồng lúa, nhưng thắng thua như đánh bài cào, rất kỳ", anh Nguyễn Văn Minh than thở. Là than giùm bà con khác, chứ anh thì ít khi lỗ do có nhiều đất, dễ hoán vụ để có năng suất cao. Bên cạnh đó, anh cũng có mối thương lái tốt nên không bị ép giá như người khác.
Những ngày giáp tết này, cánh đồng dưa luôn rộn ràng tiếng người thu hoạch, tiếng xuồng máy xé nước chở dưa từ đồng ra đường lớn. Vĩnh Hưng hiện là nơi trồng nhiều dưa, nhưng không phải tất cả đều do bà con nơi này canh tác mà rất nhiều người từ Tiền Giang sang mướn đất để làm. Tại ấp 2, xã Vĩnh Bình, nơi cánh đồng dưa bạt ngàn tít tắp, thấp thoáng trên bờ ruộng là những căn lều sơ sài của những người dân nơi khác đến đây trồng dưa. Mướn đất 1 năm, những người trồng dưa ở 2 tháng để gieo trồng, thu hoạch rồi lại đi, đến mùa sau lại quay lại… Anh Nguyễn Văn Bền, ở xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) đang canh tác 5ha dưa ở đây cho biết, năm nay dưa được giá nhưng người trồng dưa bán đúng vào dịp Tết lại bị "thất". Tuy nhiên, trễ hơn một chút, chỉ trồng sau 10 ngày, những ruộng dưa thu hoạch vào khoảng ngày mùng 3, mùng 4 Tết, vận chuyển ra Hà Nội và Trung Quốc bán vào lễ hạ cây nêu thì lại tốt, thu lãi khoảng 20-30 triệu đồng/ha. Vụ trước Tết, khi dưa sắp sửa nảy nụ thì gặp đợt lạnh, thế là bị "điếc". Đầu tư 70-75 triệu đồng kể cả tiền mướn đất, bà con trồng thời điểm này chỉ có hòa vốn và lỗ. Có những người bị lỗ rất nặng như anh Quốc Anh, nhà ở xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây mất trắng 2ha.
Ở cánh đồng dưa Vĩnh Bình, chúng tôi thấy có rất nhiều dây mướp đang bò quanh bờ ruộng. Anh Bền nói, mướp được "tăng gia sản xuất" cho bữa ăn hằng ngày của mọi người, bởi khi dưa vào vụ thì không còn thời gian để mà đi chợ nữa. Đã 9 năm nay, vì trồng dưa cho đợt thu hoạch sau Tết nên anh Bền không được sum họp với gia đình mà phải "ăn tết với dưa" ở Vĩnh Bình. Năm nay, anh được về nhà vì đã thu hoạch trước Tết. Ruộng dưa bị "thất" nhưng anh vẫn vui vì 2ha dưa ở xã Hậu Mỹ Trinh lại trúng lớn. Mỗi hécta cho năng suất đến hơn 20 tấn, lại được giá nên gia đình anh thu lãi mỗi hécta tới 60 triệu đồng. Hỏi anh năm nay "thất", vậy sang năm có đến Vĩnh Hưng thuê đất trồng dưa nữa không, anh bảo có, bởi anh đã gắn cái "nghiệp" với đất, với dưa hấu và mảnh đất Vĩnh Hưng ngọt ngào hôm nay.