Bừng sáng hy vọng Davos
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:37, 01/02/2011
Cuộc tề tựu của những nhân vật được xem là nắm giữ vận mệnh của con tàu kinh tế thế giới không kỳ vọng sẽ lập tức làm bừng sáng bức tranh kinh tế toàn cầu còn nhiều khoảng tối, nhưng, sự kiện một tập hợp các nhân vật quan trọng của nhiều quốc gia nhất trí thiết lập mạng lưới đối phó với các nguy cơ mang tính toàn cầu như: tội phạm có tổ chức, tham nhũng, sự mất ổn định kinh tế, chính trị tại nhiều quốc gia, an ninh nguồn nước, lương thực và năng lượng… tại Davos lần này cho thấy thế giới vừa tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề gai góc nhất hiện nay.
Phiên khai mạc bị u ám bao trùm bởi vụ khủng bố sân bay Domededovo của Nga trong khi những chấn động từ các vụ biểu tình bạo lực vì giá cả leo thang Trung Đông và Bắc Phi, nhất là Ai Cập đã đốt nóng các cuộc thảo luận của diễn đàn cho đến ngày bế mạc. Đề cập tới những "địa hạt" dường như phi kinh tế đó đã khiến chủ đề "Chia sẻ những chuẩn mực cho thực tế mới" có vẻ khó hiểu, nhưng lại khiến WEF 41 thực tế hơn trong một thế giới đan xen những nguy cơ không dễ tách rời. Rõ ràng, WEF đã nhận rõ hơn một thực tế là chủ nghĩa khủng bố hay bất ổn xã hội do nghèo đói tác động tiêu cực đến triển vọng kinh tế toàn cầu chẳng kém gì chiến tranh tiền tệ hay khủng hoảng tài chính. Bùng nổ xã hội do nạn đói hay chiến tranh hoặc xung đột kinh tế do khan hiếm các nguồn cung ứng đang là mối hiểm nguy nhãn tiền khi giá nhiều mặt hàng nông sản chưa có dấu hiệu dừng lại đã thổi bùng cơn giận dữ tại nhiều quốc gia. Do đó, vấn đề bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang dần phá tan nhiều chỉ tiêu sản lượng lương thực tại các nước đã chiếm phần quan trọng trong chương trình nghị sự tại Davos lần này.
Diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt khi kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi bóng đen của cuộc suy thoái, đồng thời đối diện với vô vàn khó khăn mới nảy sinh, nhưng trong cuộc tìm kiếm mô hình kinh tế hậu khủng hoảng, lần đầu tiên diễn đàn kinh tế uy tín bậc nhất hành tinh đã ghi nhận tiếng nói chủ động của các quốc gia mới nổi đang đóng vai trò đầu tàu trong thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Những thay đổi thật khó tưởng tượng ấy phản ánh một thực tế mới là cuộc chuyển giao quyền lực từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam đang diễn ra thật đáng chú ý. Đã có hình ảnh đối lập giữa một bên là các nước công nghiệp phát triển đang bị ám ảnh bởi nợ nần, giảm phát còn bên kia là các quốc gia đang trỗi dậy có tỷ lệ tăng trưởng ngoạn mục. Tìm kiếm luật chơi mới để nới rộng khả năng hợp tác phù hợp với cục diện các nước đang phát triển là bước đột phá tại Davos ngay trong những ngày đầu năm 2011.
Những đóng góp thiết thực trong 29 sự kiện tại WEF 41 của đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực. Các tham luận của Việt Nam trên cương vị một quốc gia có nền kinh tế phục hồi tốt sau khủng hoảng đã và tiếp tục khẳng định vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời mở ra cánh cửa hợp tác đầy triển vọng trên con đường hội nhập quốc tế mà Đại hội Đảng lần thứ XI vừa đề ra.
Dù lạc quan đến mấy cũng phải thừa nhận cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hai năm trước vẫn chưa hoàn toàn lui vào quá khứ. Cuộc chiến với những di chứng nặng nề của nó vẫn là nhiệm vụ cấp bách của nhiều quốc gia. Thế nhưng, nỗi lo "dập lửa trước mắt" đã dẫn tới nhiều động thái mang dáng dấp của chủ nghĩa bảo hộ, thao túng tiền tệ… đe dọa đến tương lai dài lâu của kinh tế thế giới. Do đó, sự kiện các nước có nền thương mại hàng đầu thế giới đạt đồng thuận kết thúc Vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu vào tháng 7 năm nay tại Davos lần này đã làm bừng sáng niềm hy vọng vào sự vững bước của cỗ xe kinh tế thế giới những ngày tới.