Từ thưởng Tết, ngẫm khoảng cách giàu nghèo

Đời sống - Ngày đăng : 07:48, 31/01/2011

(HNM) - Theo báo cáo nhanh của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về tình hình thưởng Tết Tân Mão của các doanh nghiệp thì tại Hà Nội, mức thưởng cao nhất là gần 73 triệu đồng/người, thấp nhất là 200.000 đồng/người.


Nhiều hộ gia đình ở Đông Anh được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: TTXVN


Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về phát triển bền vững ở cả ba mặt kinh tế, xã hội, môi trường. Chỉ số phát triển con người HDI đã tăng liên tục qua các năm (năm 1985 đạt 0,562; năm 1990 - 0,620; năm 2000 - 0,688, năm 2008 - 0,725). Trong số 169 nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh về HDI, Việt Nam thuộc nhóm phát triển con người trung bình. Trong 3 chỉ số cấu thành HDI, mặc dù chỉ số về thu nhập còn thấp nhưng nhờ hai chỉ số tuổi thọ và học vấn cao nên HDI của Việt Nam vẫn đứng trên hàng chục nước có chỉ số thu nhập cao hơn. Điều đó chứng tỏ tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đã gắn với phát triển xã hội, hướng vào con người.

Việt Nam được thế giới đánh giá cao về kết quả xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước đã giảm từ 18,1% (năm 2004) xuống còn 10% vào năm 2010. Tỷ lệ này của một số vùng còn ở mức thấp hơn, như ở Đông Nam bộ chỉ còn 4,33%, Đồng bằng sông Hồng còn 9,42%. Sự chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn giảm từ 2,3 lần (năm 1999) xuống còn 2 lần (năm 2008). Đó là kết quả của nhiều chính sách, chương trình, dự án được triển khai đồng bộ bằng nguồn lực của toàn xã hội để trợ giúp người nghèo, vùng nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Các giải pháp xóa đói giảm nghèo vừa giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận dịch vụ công, vừa hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách về bảo đảm đất sản xuất, tín dụng ưu đãi, khuyến nông - lâm - ngư, phát triển ngành nghề lẫn phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Nhìn toàn cảnh, xã hội ngày càng phát triển, đất nước ngày càng giàu mạnh, GDP hằng năm tăng đều đặn, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng (khoảng 2,3 lần trong 10 năm qua). Tuy nhiên, nhìn vào đời sống thường ngày có thể thấy người giàu ngày càng có xu hướng giàu thêm, còn người nghèo khó có sự cải thiện lớn về thu nhập. Thu nhập của một bộ phận không nhỏ dân cư vẫn nằm giáp ranh mức nghèo và khi có những biến động về thu nhập hoặc gặp thiên tai, rủi ro, lạm phát, họ lại rơi xuống ngưỡng nghèo. Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, nếu năm 1990, sự cách biệt giữa 20% số hộ giàu nhất và 20% số hộ nghèo nhất chỉ là 4,1 lần thì năm 2006 con số này là 8,37. Trong bài viết "Phát triển nhanh và bền vững là quan điểm xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta" mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã nhận định, giảm nghèo chưa bền vững, khoảng cách thu nhập của các tầng lớp dân cư còn lớn.

Để người nghèo bớt nghèo


Phân hóa giàu nghèo là điều tất yếu trong một xã hội cho phép sự cạnh tranh. Tuy nhiên, thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các vùng và nhóm dân cư là một mục tiêu quan trọng thể hiện bản chất tốt đẹp của dân tộc và chế độ. Để thu hẹp khoảng cách này, cần có các giải pháp tăng "thu nhập" cho tầng lớp nghèo thông qua các chương trình kinh tế - xã hội, các quỹ trợ cấp quốc gia, các khoản tín dụng ưu đãi, các cuộc vận động đóng góp vào quỹ xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ vùng thiên tai... Những giải pháp này đã được thực hiện ở Việt Nam, tạo hiệu quả song chưa thật bền vững. Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao khả năng tự thoát nghèo của người dân là con đường chắc chắn nhất để vừa giảm nghèo, vừa thu hẹp khoảng cách về thu nhập. Bên cạnh đó, bảo đảm an sinh xã hội cũng sẽ giúp người nghèo bớt nghèo và đây được coi là một nội dung chủ yếu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, với một bộ phận không nhỏ lao động chưa được đào tạo nghề, thiếu kỹ năng lao động, chưa có việc làm ổn định cộng với nguy cơ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh có xu hướng tăng lên, việc bảo đảm an sinh xã hội đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Trong bài viết trước thềm năm mới 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: Tiếp tục coi bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội là một nhiệm vụ chủ yếu thường xuyên. Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã xác định: Tăng trưởng kinh tế kết hợp hài hòa với tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao không ngừng chất lượng cuộc sống của nhân dân; phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, ngày càng mở rộng và hiệu quả; tạo cơ hội bình đẳng về hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, các phúc lợi xã hội.

Quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước cùng với tiềm lực kinh tế của đất nước được nâng lên là cơ sở quan trọng để bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Hy vọng với những biện pháp mà Chính phủ triển khai, khoảng cách giàu nghèo nói riêng và mức sống của người nghèo nói chung sẽ được cải thiện.

Lâm Vũ