Tập trung lãnh đạo và thực hiện tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII và HĐND các cấp

Chính trị - Ngày đăng : 07:29, 31/01/2011

Ngày 29-1, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Cùng ngày, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 633/QĐ-UBND về việc thành lập Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2016. Hànộimới xin giới thiệu toàn văn Chỉ thị 04 của Thành ủy và danh sách Ủy ban Bầu cử gồm 28 thành viên.


Chỉ thị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã công bố quyết định tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2015 vào ngày chủ nhật 22-5-2011.

Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 50-CT/TƯ ngày 5-1-2011 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Cuộc bầu cử diễn ra trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng vừa kết thúc thắng lợi; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức phấn đấu triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Cương lĩnh chính trị và Nghị quyết Đại hội XI đề ra. Công cuộc đổi mới đã thu được những thành tựu hết sức to lớn, song cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bối cảnh quốc tế và khu vực có những thuận lợi và khó khăn đan xen; các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu chống phá chế độ, cản trở sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta. Tình hình đó đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân Hà Nội phải ra sức phấn đấu, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh và bền vững.

Cuộc bầu cử lần này là dịp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô từ nay đến hết 6 tháng đầu năm 2011.

Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đạt kết quả cao, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, các cấp chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tập trung lãnh đạo và tổ chức thực hiện tốt những yêu cầu, nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1 - Xây dựng kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

2 - Lãnh đạo tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác nhân sự; gắn kết quả của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về bầu cử Quốc hội và HĐND. Người được giới thiệu vào danh sách ứng cử để bầu làm đại biểu Quốc hội và HĐND cần phải có năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và HĐND, thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhân dân, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, luôn bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân yêu mến, tín nhiệm.

3 - Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, coi trọng tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có quan điểm quần chúng, có đủ năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và HĐND. Đồng thời, có cơ cấu hợp lý về số đại biểu là người đang công tác ở cơ quan Đảng, nhà nước, lực lượng vũ trang, MTTQ và các đoàn thể nhân dân; bảo đảm số lượng đại biểu chuyên trách theo đúng quy định của pháp luật; có tỷ lệ hợp lý đại biểu các dân tộc thiểu số, các tôn giáo, đại biểu nữ, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu công nhân, nông dân, khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân tiêu biểu thuộc các thành phần kinh tế. Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND phải bảo đảm theo đúng quy trình đã được pháp luật quy định và hướng dẫn của các cơ quan trung ương có thẩm quyền.

4 - Lãnh đạo, chỉ đạo MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt việc hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND các cấp; bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật.

5 - Chỉ đạo tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong Đảng bộ và nhân dân Thủ đô về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu HĐND; về vị trí, vai trò của Quốc hội và HĐND trong bộ máy nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả. Động viên mọi cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử; mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử.

6 - Các quận, huyện, thị ủy thành lập ban chỉ đạo để lãnh đạo toàn diện công tác bầu cử, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu HĐND các cấp ở các địa phương.

7- Các cấp ủy Đảng phải lãnh đạo chặt chẽ việc lựa chọn người tham gia các tổ chức phụ trách công tác bầu cử, bảo đảm là người trung thực, có năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm về công tác bầu cử, có tín nhiệm với nhân dân và phải được tập huấn kỹ trước khi làm nhiệm vụ.

8 - Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô và các cơ quan liên quan có kế hoạch phối hợp bảo vệ, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử. Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, những âm mưu, hành động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối. Có các phương án chủ động đối phó với những tình huống thiên tai có thể xảy ra trong thời gian tiến hành bầu cử.

9 - Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể theo quy định của pháp luật và chỉ đạo các sở, ngành chức năng chuẩn bị mọi điều kiện, phương tiện, kinh phí phục vụ cho cuộc bầu cử; phối hợp với Đảng đoàn HĐND, Ủy ban MTTQ thành phố, các đoàn thể, sở, ngành kiểm tra, đôn đốc và báo cáo thường xuyên với Ban Thường vụ Thành ủy.

Các cấp ủy Đảng có trách nhiệm chỉ đạo chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan chuyên môn và cán bộ, đảng viên, nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt công tác bầu cử; bảo đảm cho cuộc bầu cử đạt kết quả tốt theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2011 và cả nhiệm kỳ 2011-2016.

Chỉ thị này được phổ biến và quán triệt tới các chi bộ Đảng.

Danh sách Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII và đại biểu HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2016

1. Bà Ngô Thị Doãn Thanh, UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP: Chủ tịch Ủy ban Bầu cử;
2. Ông Nguyễn Thế Thảo, UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP: Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử;
3. Ông Tưởng Phi Chiến, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy: Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử;
4. Ông Lê Quang Nhuệ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP: Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Bầu cử;
5. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch HĐND TP: Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử;
6. Ông Vũ Hồng Khanh, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP: Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử;
7. Ông Đào Văn Bình, UVTV Thành ủy, Chủ tịch UB MTTQ TP: Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử;
8. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, UVTV Thành ủy, Ủy viên UBND TP, Giám đốc Sở Nội vụ: Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử;
9. Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ: Thư ký Ủy ban Bầu cử;
10. Ông Trần Quang Cảnh, UVTV, Trưởng ban Dân vận Thành ủy: Ủy viên Ủy ban Bầu cử;
11. Ông Hồ Quang Lợi, UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy: Ủy viên Ủy ban Bầu cử;
12. Ông Trần Trọng Dực, UVTV, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy: Ủy viên Ủy ban Bầu cử;
13. Ông Nguyễn Đức Nhanh, UVTV Thành ủy, Ủy viên UBND TP, Giám đốc Công an TP: Ủy viên Ủy ban Bầu cử;
14. Ông Phí Quốc Tuấn, UVTV Thành ủy, Ủy viên UBND TP, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội: Ủy viên Ủy ban Bầu cử;
15. Ông Trần Văn Thực, UVTV Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP: Ủy viên Ủy ban Bầu cử;
16. Bà Nguyễn Thị Hà Ninh, Giám đốc Sở Tài chính: Ủy viên Ủy ban Bầu cử;
17. Ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch: Ủy viên Ủy ban Bầu cử;
18. Ông Nguyễn Văn Tuấn Dũng, TUV, Chánh Thanh tra TP: Ủy viên Ủy ban Bầu cử;
19. Ông Nguyễn Hữu Lập, TUV, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy: Ủy viên Ủy ban Bầu cử;
20. Ông Nguyễn Thịnh Thành, TUV, Ủy viên UBND TP, Chánh Văn phòng UBND TP: Ủy viên Ủy ban
Bầu cử;
21. Ông Bùi Đức Hiếu, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP: Ủy viên Ủy ban Bầu cử;
22. Ông Vũ Quý Trị, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP: Ủy viên Ủy ban Bầu cử;
23. Ông Phan Hồng Sơn, TUV, Giám đốc Sở Tư pháp: Ủy viên Ủy ban Bầu cử;
24. Ông Bùi Xuân Hộ, Phó Chủ tịch UB MTTQ TP: Ủy viên Ủy ban Bầu cử;
25. Ông Ngọ Duy Hiểu, TUV, Bí thư Thành đoàn Hà Nội: Ủy viên Ủy ban Bầu cử;
26. Ông Trịnh Thế Khiết, TUV, Chủ tịch Hội Nông dân TP: Ủy viên Ủy ban Bầu cử;
27. Bà Nguyễn Minh Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP: Ủy viên Ủy ban Bầu cử;
28. Ông Trịnh Thanh Vân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP: Ủy viên Ủy ban Bầu cử.