Tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao văn hóa
Xã hội - Ngày đăng : 07:28, 31/01/2011
Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là hoạt động chính trị - xã hội mang tầm vóc lịch sử to lớn, thu hút sự quan tâm và tham gia không chỉ của nhân dân trong nước, mà còn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Ý nghĩa đó chính là một trong những lý do khiến Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) quyết định thông qua nghị quyết tham gia Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với đất nước chúng ta.
Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới là một trong những hoạt động nổi bật của công tác ngoại giao năm 2010. Ảnh: Nhật Nam |
Trong suốt cả năm 2010 và nhất là trong dịp Đại lễ, một trong các trụ cột của công tác ngoại giao hiện đại là công tác Ngoại giao Văn hóa được triển khai tích cực và sáng tạo nhằm quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội tại các nước bằng nhiều hình thức như gắn nội dung kỷ niệm Đại lễ trong các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo các cấp của Đảng và Nhà nước, các hoạt động trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN; cung cấp thông tin về Đại lễ trên các trang tin điện tử xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền về Hà Nội và Việt Nam...
Một trong những đóng góp quan trọng khác của Bộ Ngoại giao nói chung và công tác Ngoại giao Văn hóa nói riêng với Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là Việt Nam đã mở một chiến dịch vận động ngoại giao tổng thể từ lãnh đạo cấp cao các nước thành viên Hội đồng di sản thế giới đến các tổ chức chuyên môn và phái đoàn đại diện của các quốc gia này tại tổng hành dinh UNESCO và đã vận động thành công UNESCO công nhận các danh hiệu văn hóa quốc tế với một loạt hồ sơ có liên quan đến Hà Nội như hồ sơ 82 Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442 - 1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngày 9-3-2010), Hội Gióng ở đền Phù Đổng và Đền Sóc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ngày 16-11-2010) và đặc biệt là hồ sơ Khu trung tâm Hoàng thành - Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (ngày 31-7-2010).
Những thành công trên là kết quả của nhiều đợt vận động chính trị - ngoại giao ở rất nhiều cấp, từ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đến lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo Bộ Ngoại giao và UBND thành phố Hà Nội, trên bình diện song phương và đa phương; sự phối hợp hiệu quả giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND thành phố Hà Nội. Có lẽ không có món quà nào ý nghĩa hơn những danh hiệu mà UNESCO đã vinh danh đối với các di sản văn hóa của thủ đô Hà Nội thân yêu vào đúng dịp Đại lễ 1000 năm. Những danh hiệu đó đã góp phần tô thắm bức tranh nghệ thuật chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và là điểm nhấn rõ nét cho những thành công chung trong công tác đối ngoại năm 2010 của Nhà nước ta.
Thành công trong việc vận động này không những khẳng định những giá trị lịch sử - văn hóa nổi bật của Thủ đô 1000 năm tuổi, từng được UNESCO công nhận là Thành phố vì hòa bình năm 1999, mà còn chứng tỏ sức hấp dẫn của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung với thế giới. Các loại hình danh hiệu này sẽ góp phần hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội theo hướng bền vững nhờ việc thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Thành công này cũng góp phần củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với UNESCO và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác vận động cho các hồ sơ tiếp theo của Việt Nam để UNESCO công nhận các loại hình danh hiệu văn hóa quốc tế mới.
Bước sang năm 2011, năm đầu tiên chúng ta thực hiện đường lối đối ngoại của Ðảng sau Ðại hội đại biểu toàn quốc Ðảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI, công tác ngoại giao văn hóa sẽ tiếp tục được coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa nhằm quảng bá rộng rãi và hiệu quả hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và nét đặc sắc văn hóa của Hà Nội...