Giữ sức khỏe ngày Tết

Sức khỏe - Ngày đăng : 07:05, 31/01/2011

(HNM) - Tết là dịp mọi người được thoải mái vui chơi, ăn uống. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, dịp Tết thường xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, tai nạn thương tích, thậm chí là tử vong chỉ vì chủ quan, bất cẩn.

Người tiêu dùng cần quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm để đề phòng nguy cơ ngộ độc. Ảnh: Bảo Kha

Đề phòng ngộ độc

Hai loại món không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của mỗi gia đình là giò, chả và dưa, hành muối. Nhưng hai loại thực phẩm trên nếu không được chế biến và lưu giữ cẩn thận sẽ rất dễ gây ngộ độc, bởi một số nhà sản xuất đã sử dụng hàn the (borat natri) để làm cho giò, chả, dưa, hành muối được giòn, lâu hỏng. Các nghiên cứu cho thấy hàn the có khả năng tích tụ trong cơ thể, gây tổn thương và làm thoái hóa cơ quan sinh dục, tổn thương hệ thần kinh trung ương, gan, tim, thận, ruột, dễ gây ung thư… Ước tính có tới 50% trường hợp ngộ độc cấp tính (xảy ra sau khi ăn 5 giờ với triệu chứng nôn, co giật, nhịp tim nhanh, hôn mê) có thể dẫn đến tử vong. Với riêng món dưa muối, ngoài nguy cơ gây ngộ độc do có sử dụng hàn the, thì bản thân một số loại rau dùng để muối dưa cũng chứa nhiều chất muối Acid Nitrite và Nitrite vi lượng. Các loại rau này, nếu đã nấu chín mà để trong một thời gian dài hoặc muối trong một thời gian quá ngắn, chưa đủ ngấu thì chất muối Acid Nitrite trong rau, dưới tác dụng của vi khuẩn vẫn là Nitrite nguyên chất. Chất này sẽ gây ngộ độc cho người sử dụng khi họ ăn nhiều. Nitrite gây nhão cơ hàm, trơn huyết mạch dẫn đến tụt huyết áp. Bệnh nhân bị ngộ độc phát bệnh sau khi ăn từ 30 phút đến 3 giờ, nhanh thì chỉ cần 10 đến 15 phút. Người bệnh thấy chóng mặt, váng đầu, mệt mỏi, buồn bực, ợ chua, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, móng tay và da toàn thân thâm tím, thậm chí là suy hô hấp, hôn mê. Vì thế, khi lựa chọn giò, chả cho bữa ăn ngày Tết thì nên mua ở những cửa hàng có uy tín, nguồn gốc thực phẩm rõ ràng; dưa, hành nên tự muối để bảo đảm không có chứa hàn the.

Trời lạnh, người cao tuổi dễ bị đột quỵ

Trong tuần qua, Khoa Cấp cứu Nội của Bệnh viện Xanh - Pôn tiếp nhận vài chục ca đột quỵ (chủ yếu là người cao tuổi) do thời tiết quá lạnh. Theo bác sỹ Nguyễn Đức Hiền, Trưởng khoa, chiều tối và đêm mùa lạnh là thời điểm dễ xảy ra đột quỵ. Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ là người bệnh đột nhiên xuất hiện cảm giác tê hoặc yếu nửa người (một bên tay, chân); ngất hoặc nặng hơn là hôn mê; mất khả năng nói hay rối loạn khả năng nói; rối loạn thị giác như nhìn một vật thành hai, lác; mất khả năng thăng bằng và phối hợp động tác; đột ngột đau đầu dữ dội, nôn không rõ nguyên nhân. Trong một số trường hợp, các dấu hiệu trên có thể chỉ thoáng qua, sau vài phút là người bệnh trở lại bình thường. Hiện tượng đó được gọi là cơn thiếu máu não thoảng qua. Đó là những dấu hiệu báo trước cơn đột quỵ và người bệnh cần được nhập viện ngay để được cấp cứu kịp thời.

Phòng bệnh đột quỵ, người cao tuổi ngày ngày nên tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, ít nhất là một giờ. Tuy nhiên, thời tiết lạnh thì các cụ không nên ra ngoài sớm, khi nằm không nên vùng dậy đột ngột. Trong ngày Tết, dù bận rộn cũng vẫn phải duy trì chế độ ăn uống điều độ với thức ăn đa dạng, hạn chế chất béo, không hút thuốc lá, uống rượu và tạo cuộc sống tinh thần thoải mái.

Phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ

Mặc dù trẻ em nhỏ tuổi không buộc phải đội mũ bảo hiểm (MBH) khi ngồi trên xe máy, nhưng các chuyên gia y tế khuyến cáo việc đội MBH cho trẻ là rất cần thiết. Tại Bệnh viện Việt Đức, mỗi năm có khoảng từ 200 đến 300 bệnh nhân bị tai nạn chấn thương sọ não, phải nhập viện cấp cứu trong 3 ngày Tết, 60% trong số đó không đội MBH. Theo dự báo, mấy ngày giáp Tết vẫn có rét đậm, do đó, cha mẹ không được để trẻ đứng, ngồi phía trước xe máy khi đi trên quãng đường dài. Tết năm ngoái từng xảy ra trường hợp trẻ bị tử vong do quá lạnh khi cha mẹ cho ngồi ở phần trước xe máy quá lâu.

Ngày Tết, nhà nào cũng nấu nhiều món ăn. Khi thức ăn còn nóng, cần để thức ăn xa tầm với của trẻ. Không cho trẻ nghịch lửa và các vật dễ cháy nổ như diêm, ga, bật lửa, xăng dầu. Khi bị bỏng, tuyệt đối không được bôi nước mắm, kem đánh răng hoặc thuốc nam không rõ nguồn gốc lên người trẻ. Nếu bỏng độ nhẹ, có tình trạng xung huyết thì có thể tự xử lý ban đầu bằng cách rửa nước lạnh, dùng kem làm dịu vết bỏng; nếu bị nặng hơn, tốt nhất là đưa trẻ đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời, đúng cách.

Dù có vui chơi như thế nào thì chúng ta cũng phải đặt vấn đề sức khỏe là trên hết. Đặc biệt, khi bị bệnh, tai nạn bất ngờ, điều phải làm đầu tiên là đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời chứ không phải đến cơ sở y tế chuyên sâu. Các cơ sở này sẽ có đủ điều kiện và trách nhiệm chuyên chở người bị nạn đến bệnh viện chuyên khoa cần thiết để cứu chữa.

Một số địa chỉ khám bệnh tại nhà hoặc tư vấn khi cần thiết

- Trung tâm Bác sỹ gia đình 50C Hàng Bài. ĐT: 39435509.
- Trung tâm Bác sỹ gia đình 49 Bát Đàn. ĐT: 37171796.
- Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai 17, 34 Hòe Nhai. ĐT: 39272980.
- Viện Bỏng quốc gia, Hà Đông. ĐT: 069.826326/27.
- Phòng khám Đa khoa Niềm Tin 472 Đội Cấn. ĐT: 39037807.
- Trung tâm Cấp cứu 115, 11 Phan Chu Trinh. ĐT: 38253140.

Đức Trung