Tế đàn Nam Giao

Xã hội - Ngày đăng : 15:22, 09/12/2003

Sông Hương - Núi Ngự (Huế)Chỉ còn ít ngày nữa là bước sang năm mới 2004. Và cũng chỉ vài tháng nữa là Festival Huế lại diễn ra với bao chuyện cần bàn về một vùng văn hoá đẹp lạ thường và thương cũng lạ thường. Năm nay, nghe nói một trong những hoạt động lớn của Festival Huế sẽ là phục hồi Tế đàn Nam Giao mà người Huế hay gọi là Tế Nam Giao, hoặc Tế Giao.

Nhân cái sự kiện đó có lẽ cũng nên nói lại đôi chút về Lễ Tế đặc biệt này của một thời nơi xứ Huế.

Tế Nam Giao trước hết là Tế Trời đất - một cuộc tế lễ quan trọng nhất của vua chúa ngày xưa mỗi dịp xuân về. Để chuẩn bị cho Lễ này phải mất rất nhiều thời gian dựng Đàn, sắm sửa. Chủ Tế phải bắt buộc là vua. Bởi vua là Thiên tử - con trời và chỉ có con trời thì mới cử hành được nghi lễ lớn lao này để bái tạ Cha Trời, Mẹ Đất để giao hoà cùng trời đất, thay mặt dân mà dâng hiến các vật tế lễ lên đấng tối cao.

Ngọn nguồn xa xưa của Lễ Tế này có từ thời Phục Hy. Tương truyền thủa ấy Đàn Tế được xây dựng ở núi Thái Sơn. Trải bao đời các bậc vua chúa nào cũng phải ăn kiêng, nằm kiệu đến đây hành lễ với đất trời mong đất nước thái bình, dân cư no ấm. Về sau, các vua không lên Thái Sơn hành lễ nữa mà dựng Đàn Tế ngay cửa phía Nam của kinh thành, nên Đàn đó có tên là Nam Giao.

Đàn Nam Giao hiện vẫn còn dấu vết ở phía Nam kinh thành Huế. Vào thời Nguyễn trước đây, mỗi năm lại cử hành Tế Nam Giao một lần. Sang đến đời Đồng Khánh (là khi Pháp đã vào thành) thì đổi lại, cứ 3 năm Tế một lần vào những năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu.

Sử Nguyễn ghi rõ: Đàn Nam Giao được xây từ thời Gia Long tại làng An Cựu, song song với núi Ngự Bình, cách Huế 3 cây số, xưa là vùng thánh địa vào bậc nhất nhì đất Thần Kinh.

Xung quanh Đàn đo được 152 trượng, 9 thước (tương đương với 153m hiện nay) và có tường xây bằng đá bao bọc. Tường đá cao 4 thước 10 phân (khoảng 0,5m) và có 4 cửa quay ra 4 hướng, mỗi cửa có 4 cột lớn. Ngoài cửa xây một bức bình phong lớn. Trong Đàn trồng toàn thông do các vị đại thần trồng. Vào ngày lễ, mỗi cây thông đều đeo tên vị đại thần đã trồng. Phía trong Đàn, ở chính giữa là 3 cái Đàn nữa. Đàn thứ nhất đắp hình tròn gọi là Viên Đàn bày hương án thờ Trời (Thiên hoàng Thượng đế) màu xanh, và hương án thờ Đất (Hoàng Địa kỳ) màu vàng. Đàn thứ hai và ba đắp hình vuông gọi là Phương Đàn, sơn màu đỏ.

Ngày trước ở phía Đông Nam có nơi thiêu trâu dành cho việc cúng tế gọi là Sở phần Sài. Phía Bắc có nơi chôn mao huyết (lông và máu bỏ đi của trâu) gọi là Sở Ê Khảm. Bên ngoài Đàn về phía Đông Bắc có Thần Trù tức là Bếp thần, lại có Thần Khố tức Kho thần. Phía Tây Nam có nhà Trai Cung. Hai bên Trai Cung có hai phòng Thượng Trà và Thượng Thiện để vua dùng bữa và dùng trà khi Tế Nam Giao.

Thường ngày Đàn Nam Giao để lộ thiên, khi gần đến ngày Tế lễ thì Bộ Lễ bắc rạp. Viên Đàn, rạp lợp vải xanh. Phương Đàn thì lợp màu vàng. Ở Viên Đàn ngoài bàn thờ trời đất còn có hương án thờ các bậc tiên đế Triều Nguyễn.

Ba ngày trước Tế, Vua phải xa giá tới Trai Cung để Trai giới cho thanh tịnh. Đám rước vua từ Đại nội đến Trai Cung rất long trọng.

Tế Nam Giao được cử hành rất trang nghiêm theo đúng nghi thức xưa. Mỗi động tác đều phải phối hợp nhịp nhàng và có Đại nhạc đi kèm, không cho phép một chút sai phạm nhỏ. Tế xong vua trở về Trai Cung, nơi các triều thần đợi sẵn để làm lễ Khánh Hạ mừng vua. Đầu giờ Thìn, lệnh hồi loan, xa giá về triều, pháo lệnh nổ... dân chúng đón đợi dọc đường đi, tung hô vạn tuế.

...Đã nhiều năm, Tế Nam Giao thất truyền. Nếu đúng như kế hoạch Festival Huế 2004, Tế này được phục hồi quả thật sẽ là một sự kiện lớn không chỉ của Huế mà của cả Việt Nam ta.

Trí Tri

THUHANG