Phận nhóm 2

Thể thao - Ngày đăng : 07:37, 30/01/2011

1. Chiến lược thể thao thành tích cao Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được phê duyệt, 10 môn nhóm 1 sẽ được đầu tư mạnh mẽ. Trong 10 môn trên, có 9 môn thuộc chương trình thi đấu Olympic, môn còn lại là Karatedo - từng giành HCV cho thể thao Việt Nam trong 3 kỳ ASIAD gần đây.

Không ai phàn nàn về cách đầu tư cho những môn thể thao nhóm 1 dù vẫn còn đấy những câu hỏi, đại loại như liệu trong 10 năm tới, bơi lội Việt Nam có "kình ngư" nào đoạt đến HCB ASIAD không? Hỏi vậy e hơi sớm bởi cách đây mới 5 năm, ít ai tin rằng có ngày điền kinh Việt Nam đoạt đến 3 HCB tại đấu trường ASIAD. Vậy mà, điều ấy đã xảy ra ở ASIAD 16. Chính vì vậy, lãnh đạo thể thao Việt Nam càng nung nấu quyết tâm đưa thể thao Việt Nam vươn xa hơn ở đấu trường ASIAD cũng như Olympic - thước đo đánh giá sự phát triển thể thao của mỗi quốc gia. Và đương nhiên, muốn vậy thì chỉ còn cách tập trung cho những môn thi trong chương trình thi đấu Olympic.

VĐV đấu kiếm tập luyện tại Trung tâm đào tạo Vận động viên cấp cao Hà Nội. 
Ảnh: Nguyệt Ánh

2. Nhóm 1 được ưu tiên là chuyện đương nhiên. Còn những môn nhóm 2, trong đó có Wushu, Pencak Silat, cầu mây… rồi sẽ ra sao? Người trong cuộc không nói ra nhưng cũng chạnh lòng sau khi Chiến lược thể thao thành tích cao 2011-2015 được công bố. Ở đây không có chuyện so bì, tị nạnh mà đơn giản chỉ là cách nhìn nhận về những môn từng khiến thể thao Việt Nam mở mày mở mặt trong thời gian đầu hội nhập với thế giới, để từ đó người dân Việt Nam quan tâm đến thể thao thành tích cao Việt Nam hơn. Trước suy nghĩ kiểu như "mấy cái môn đoạt HCV dễ như trở bàn tay, lại không có trong chương trình thi đấu Olympic thì kể làm gì, đầu tư hạn chế là đúng rồi", người trong cuộc ngậm ngùi. Chẳng phải đến bây giờ sự đầu tư cho những môn nhóm 2 mới sụt giảm mà chuyện này đã xảy ra từ trước rồi. Phải chấp nhận vì mỗi thời có một cách làm phù hợp, chỉ mong dư luận nhìn nhận đúng sự đóng góp của những môn nhóm 2 cho thể thao Việt Nam. Chẳng đâu xa, tại ASIAD vừa rồi, dù không giành HCV nhưng Wushu cũng đoạt được 4 HCB, 3 HCĐ - thuộc nhóm môn giàu thành tích nhất. "Còn nếu quan niệm như trên thì tốt nhất là đưa những môn nhóm 2 về Vụ Thể thao quần chúng, cho đỡ phải đầu tư", có người đã nói vậy.

3. Nếu ai đó chịu khó đi xem các vận động viên luyện tập thì sẽ thấy mồ hôi, công sức chẳng có sự khác biệt giữa môn nhóm 1 hay nhóm 2. Tất cả đều như nhau, thậm chí những môn võ còn khốc liệt hơn. Mấy cô võ sĩ Taolu (biểu diễn) của Wushu duyên dáng là vậy nhưng chấn thương đầy người, nhất là ở dây chằng gối và vai. Cánh đối kháng (không chỉ của Wushu) lại càng cực hơn bởi còn lo ép cân, chấn thương không chỉ là ở gối, vai mà còn cả ở mặt và bàn chân… Đến khi tranh tài tại ASIAD cũng phải trầy trật mới giành được huy chương chứ không dễ dàng. Gần đây nhất, tại Giải vô địch thế giới Pencak Silat ở Indonesia, võ sĩ Nguyễn Mạnh Quyền cũng bị đối thủ đá vỡ sống mũi dù trọng tài đã ra lệnh dừng đòn. Và đó là nguồn cơn dẫn đến phản ứng của lãnh đội Việt Nam để rồi sau đó bị người ngoài sàn đấu hành hung. Chẳng lẽ, võ sĩ đổ máu, lãnh đội bị hành hung cuối cùng cũng chỉ nhận được sự đánh giá phiến diện về môn thể thao mà họ đang theo đuổi bằng tất cả niềm đam mê? Thế nên, nếu đường lối ở tầm vĩ mô có thay đổi thì cũng mong đừng ai phủ nhận những đóng góp, công sức của HLV, VĐV ở những môn nhóm 2 cho sự phát triển của thể thao Việt Nam trong suốt những năm qua.

Trong Chiến lược thể thao thành tích cao Việt Nam giai đoạn 2011- 2020, các môn thể thao nhóm 1 và nhóm 2 (chia theo thứ tự ưu tiên đầu tư) gồm:

- 10 môn nhóm I: điền kinh, bơi, cử tạ, karatedo, taekwondo, cầu lông, bóng bàn, boxing (nữ), vật (hạng cân nhẹ), bắn súng.

- 22 môn nhóm II: bóng đá, bóng chuyền, judo, wushu, cầu mây, đấu kiếm, TDDC, pencak silat, bắn cung, xe đạp, cờ vua - cờ tướng; bi sắt, lặn, bóng ném, dance sport, sport aerobic, quần vợt, thể hình, canoe - kayak, rowing, billiards & snooker và vovinam.

Minh Quang