Quảng cáo
Thể thao - Ngày đăng : 07:32, 30/01/2011
- Trước đây Trung tâm Thành Long lâm vào cảnh thua lỗ triền miên. Ông chủ đã ngỏ ý nhượng lại trung tâm này với giá rẻ cho ngành thể thao thành phố nhưng bị lắc đầu quầy quậy vì ngành sợ ôm rơm rặm bụng... "Cái khó ló cái khôn", bằng việc đa dạng hóa mục tiêu kinh doanh, lợi nhuận của trung tâm tăng chóng mặt.
- Đúng là nguyên tắc kinh doanh, một khi lãi ít hoặc không lãi là bán tống bán tháo, kẻo phá sản như chơi. Ở xứ ta, bóng đá dù đã chuyển sang nhà nghề rồi nhưng vẫn chưa phải là mảnh đất cho kinh doanh.
- Nhưng sao khối đại gia nhà ta vẫn cứ đầu tư vào các đội bóng ở giải chuyên nghiệp?
- Ở ta, mục đích chính trong làm bóng đá chuyên nghiệp là quảng cáo thương hiệu ngành nghề. Chẳng thế mà mỗi đội bóng bị mua đi bán lại đều mang tên chủ kinh doanh, chứ cái tên gốc truyền thống dù oanh liệt đến đâu cũng không giữ nguyên được, có khi mất trắng. Thậm chí, có nhà đầu tư còn mạnh tay quảng cáo bằng việc mua tới 2-3 đội bóng ấy chứ.
- Cho nên V-League mới là giải đấu được các doanh nghiệp đầu tư mạnh tay nhất Đông Nam Á. Nhưng sự đầu tư ấy cho các CLB vẫn chưa tỷ lệ thuận với thành tích của các đội tuyển. Nếu đội U23 quốc gia cũng như đội tuyển quốc gia liên tục đứng đầu Đông Nam Á thì tốt biết mấy. Đằng này, hai năm nay, hết đội U23 đến đội tuyển quốc gia đều thua Malaysia trong các trận chung kết SEA Games và Giải vô địch Đông Nam Á. Kể cũng buồn!