Tập trung khắc phục hậu quả rét đậm, rét hại

Kinh tế - Ngày đăng : 07:03, 30/01/2011

(HNM) - Ngày 29-1, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Theo báo cáo của các địa phương, đến hôm qua (29-1), công tác lấy nước đổ ải đợt xả nước đầu tiên của các hồ thủy điện, diễn ra thuận lợi; công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng được thực hiện nghiêm ngặt, chưa xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, do rét đậm, rét hại kéo dài gần một tháng qua, một số diện tích mạ đã bị ảnh hưởng; một số nơi có gia súc, gia cầm và thủy sản chết.

Nông dân tích cực phòng chống rét cho mạ, bảo đảm vụ Xuân. Ảnh: Huy Hùng

Bảo đảm khung thời vụ; phòng, chống dịch bệnh

Vụ xuân năm 2011, Hà Nội có hơn 120.000ha canh tác, trong đó có gần 100.000ha lúa, hiện đã làm đất được khoảng 45.000ha, gieo mạ được 70% diện tích trà xuân sớm trong khung thời vụ. Để chủ động chống rét, đã có khoảng 90% diện tích mạ được che phủ ni lông. Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện nạo vét kênh mương, sửa chữa các trạm bơm, đồng thời yêu cầu nông dân cấy theo đúng lịch thời vụ đã quy định. Ngày 27-1 (ngày đầu của đợt xả nước lần thứ nhất), toàn bộ 160 trạm bơm dã chiến, cố định với 411 máy bơm các loại đã hoạt động 100% công suất, tập trung lấy nước phục vụ đổ ải. Các đơn vị thủy lợi cho biết, mực nước trên sông Đà, sông Hồng bảo đảm cho các trạm bơm hoạt động 100% công suất thiết kế. Có thời điểm tại cống Liên Mạc (Hà Nội), mực nước cao nhất đạt 2,91m (ngày 28-1) và hiện đang duy trì ở ngưỡng từ 2,1m đến 2,2m. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Nghiêm Xuân Đông, do các trạm bơm hoạt động sớm nên diện tích đổ ải đã đạt 23% đến 25% diện tích trước khi các hồ thủy điện xả nước. Cũng theo ông Nghiêm Xuân Đông và lãnh đạo các địa phương, thành phố bảo đảm trữ nước cho khoảng 90% diện tích, trong đó diện tích đổ ải được hơn 70%, tương đương 65.000ha. Các huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa đạt trên 90% diện tích. Tuy nhiên, một số huyện đạt thấp, khoảng 40% diện tích như Thạch Thất, Quốc Oai, Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ...; các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh đạt khoảng 60%. Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Ngô Đại Ngọc cho biết, huyện đã trữ đủ nước cho sản xuất nhưng hạn chế đổ ải đồng loạt vì lo ngại khi có nước người dân sẽ cấy trong điều kiện thời tiết không cho phép. Đây cũng là tình hình chung của nhiều huyện ngoại thành khác.

Hội nghị cũng tập trung đánh giá ảnh hưởng của rét đậm, rét hại gây ra cho sản xuất nông nghiệp, trong đó chịu thiệt hại nặng nhất là thủy sản với gần 1.600 tấn cá bị chết, riêng Thanh Trì là 1.500 tấn... Ngoài ra, cũng xuất hiện hiện tượng gia súc, gia cầm chết do rét như Ba Vì có 6.000 con gà, hơn 100 trâu, bò; Thạch Thất 25 trâu, bò... Đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng mạ xuân bị chết hàng loạt: Sơn Tây 11ha, Gia Lâm 25ha, Ba Vì 40ha, Thạch Thất 3,5ha... Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, các địa phương đã chủ động hướng dẫn nông dân cách phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm; tập trung hỗ trợ, chỉ đạo các biện pháp gieo mạ trên nền đất cứng, gieo xạ để bảo đảm đúng khung thời vụ.

Đưa nước đến đâu, làm đất đến đấy

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trịnh Duy Hùng chỉ đạo các địa phương và cơ quan chức năng của thành phố phải bảo đảm đủ nước và đủ mạ; ngành điện phối hợp chặt chẽ với các địa phương bảo đảm đủ điện phục vụ sản xuất; phấn đấu từ nay đến Tết Nguyên đán đổ ải được khoảng 90% diện tích. Phó Chủ tịch UBND thành phố lưu ý đặc biệt cấp xã, tập trung chỉ đạo đưa nước đến đâu làm đất đến đó để tránh lãng phí, gắn làm đất với giữ nước; tiếp tục chăm sóc, bảo vệ mạ đã gieo, tuyệt đối không để mạ chết; chỉ tập trung chỉ đạo gieo cấy khi điều kiện thời tiết cho phép (nhiệt độ trên 15 độ C); bố trí giống lúa dự phòng... Các đơn vị thủy lợi phải nâng cao trách nhiệm, trực 24/24 giờ, bảo đảm vận hành hết công suất các trạm bơm, tham gia cùng địa phương dẫn và quản lý tốt nguồn nước; những khu vực chưa lắp đặt trạm bơm dã chiến thì đến ngày 31-1 phải hoàn thành.

Về công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản, Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng chỉ đạo ngành thú y tiếp tục hướng dẫn người chăn nuôi che chắn, củng cố chuồng trại, bảo đảm điều kiện vệ sinh và phòng, chống rét; chủ động chuẩn bị thức ăn, nước uống cho gia súc, gia cầm, những ngày giá rét phải thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết để chuẩn bị và chủ động chỉ đạo kịp thời phòng, chống đói, rét. Các quận, huyện tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp cụ thể về phòng, chống đói, rét cho trâu, bò đến từng thôn, bản; bố trí kinh phí và có các phương án hỗ trợ nông dân, nhất là các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách.

Sẵn sàng cho Tết trồng cây Xuân Tân Mão

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, 100% quận, huyện, thị xã của thành phố đã chuẩn bị đầy đủ cây, vật tư, lực lượng, địa điểm, thời gian… cho lễ phát động Tết trồng cây Xuân Tân Mão. Hơn 80% các huyện sẽ ra quân phát động lễ trồng cây vào ngày 6 Tết (tức ngày 8-2) theo lịch chung của thành phố; một số huyện như Mê Linh, Sóc Sơn… do có lễ hội lớn nên chuyển sang các ngày 5 và 7 Tết (tức ngày 7 và 9-2).

Chí Đạo - Bạch Thanh