Biểu tình tại Bangkok (Thái Lan): Tiếp tục gây bất ổn
Thế giới - Ngày đăng : 06:43, 30/01/2011
Biểu tình tiếp tục là nguyên nhân gây bất ổn tại Thái Lan. |
Bất chấp việc Chính phủ Thái Lan tăng cường mọi biện pháp an ninh, trong đó có sự hiện diện của hơn 3.600 cảnh sát tại hầu khắp các điểm nóng ở thủ đô Bangkok, lực lượng "áo vàng" do Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) hậu thuẫn vẫn xuống đường biểu tình rầm rộ nhiều ngày qua. Không chỉ đưa ra 3 điều kiện, gồm hủy Bản ghi nhớ (MOU) ký với Campuchia năm 2000; rút khỏi Ủy ban Di sản thế giới và không cho phép binh sỹ và dân thường Campuchia hiện diện tại những khu vực mà PAD cho là thuộc lãnh thổ Thái Lan. Hơn 5.000 người biểu tình "áo vàng" còn đe dọa tấn công Tòa nhà Chính phủ nếu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva không đáp ứng các yêu sách trên...
Cùng với tổ chức các cuộc biểu tình, PAD còn lên kế hoạch hành động pháp lý chống Thủ tướng Abhisit Vejjajiva và Phó Thủ tướng phụ trách an ninh Suthep Thaugsuban với cáo buộc "lơ là nhiệm vụ" trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Tuy chưa gây thiệt hại về người, song việc những người biểu tình "áo vàng" phong tỏa nhiều đường phố dẫn đến Tòa nhà Chính phủ ở thủ đô đã gây khó khăn cho người dân nơi đây khi giao thông luôn ở trong tình trạng tắc nghẽn, hàng hóa không thể di chuyển và du khách lảng tránh...
Cuộc xuống đường của hàng ngàn người "áo vàng" (26-1) diễn ra ngay sau khi hơn 12.000 người "áo đỏ" do phong trào Mặt trận Thống nhất Dân chủ chống độc tài (UDD) phát động cũng biểu tình gây sức ép đòi Chính phủ trả tự do cho các thủ lĩnh "áo đỏ" bị giam giữ với các tội danh khủng bố sau những vụ biểu tình tháng 4 và 5 năm ngoái. Ngoài huy động lực lượng tập trung tại một trong những khu vực mua sắm sầm uất ở thủ đô Bangkok là Ratchaprasong, phe "áo đỏ" tuyên bố sẽ tổ chức biểu tình mỗi tháng hai lần cho đến khi Thủ tướng Abhisit Vejjajiva trả tự do cho các thủ lĩnh của UDD.
Giữa lúc phải gồng mình tìm giải pháp cho cuộc chiến "sắc màu" ngày càng quyết liệt, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva tiếp tục đau đầu với làn sóng dư luận mới, khi UDD cáo buộc nhiều tướng lĩnh hàng đầu trong quân đội nước này tổ chức họp bí mật để lên kế hoạch đảo chính. Người phát ngôn Bộ Chỉ huy Chiến dịch an ninh nội địa Thái Lan, Thiếu tướng Ditthaporn Sasamit đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này và khẳng định, Chính phủ đương nhiệm đã và đang từng bước mang lại những cải thiện cho đất nước. Song đây vẫn được cho là một hành động làm ảnh hưởng tới uy tín của Chính phủ trong bối cảnh hiện nay.
Năm 2011 được dự báo là một năm diễn ra nhiều sự kiện lớn trong đời sống chính trị Thái Lan. Việc Hạ viện nước này có thể bị giải tán vào tháng Tư tới - như tuyên bố mới đây của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva là một trong những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm mở đường cho cuộc tổng tuyển cử, nếu các sửa đổi quy định về bầu cử được Quốc hội thông qua trong cuộc họp ngày 10-2 tới. Một cuộc bầu cử Hạ viện diễn ra cũng sẽ đồng nghĩa với một Chính phủ mới sẽ được thành lập. Với người dân Thái Lan, đây có thể là cơ hội để giúp đất nước lấy lại hình ảnh thân thiện, sự ổn định về xã hội cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng, trong bối cảnh các đảng đối lập cũng như lực lượng "áo đỏ", "áo vàng" không ngừng gia tăng sức ép, việc giải tán Hạ viện sẽ là bài toán khó với Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.
Mặc dù tuyên bố không khuất phục trước sức ép của làn sóng biểu tình - được xem như một âm mưu lật đổ Chính phủ hiện tại nhưng Thủ tướng Abhisit Vejjajiva thật sự đang trong một thời điểm khó khăn khi cả hai sắc áo đỏ và vàng tiếp tục là nguy cơ gây bất ổn trên chính trường Thái Lan.