Sắm Tết - sắm gì cho an toàn?
Đời sống - Ngày đăng : 08:04, 29/01/2011
Chọn bánh kẹo Tết tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Đàm Duy |
Bà Vũ Thị Tân (phường Kim Mã, quận Ba Đình): Nhiều mặt hàng chất lượng không bảo đảm
Tết là dịp buôn bán đắt hàng nhất. Đó là thời điểm, không ít cơ sở sản xuất, tư thương làm ăn gian dối tung hàng không bảo đảm chất lượng để kiếm lời. Theo dõi báo, đài gần đây, tôi thấy khá nhiều sản phẩm sử dụng phẩm màu trong chế biến được bày bán, đã bị cơ quan chức năng phát hiện. Theo thống kê, có 67% thịt quay sử dụng phẩm màu độc; 36% xúc xích, lạp xưởng, giăm bông và 88% nem chạo, nem chua, giò, chả được phát hiện có chứa Coliform; 59% loại ô mai có dùng phẩm màu độc và đường hóa học ngoài danh mục cho phép. Một số mẫu hạt dưa và gia vị bị nhiễm hóa chất Rhodamine, loại chất có thể gây ung thư cho người sử dụng. Nhiều mặt hàng hết "đát" được tự nâng hạn sử dụng, bánh kẹo trôi nổi, không nguồn gốc được bày bán công khai…Thị trường thực phẩm phục vụ Tết rất phong phú, đa dạng, ngoài hàng tại chỗ còn có từ các nơi khác đưa về. Nếu không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng thì người tiêu dùng (NTD) rất dễ mua phải hàng hóa không bảo đảm chất lượng.
Bà Phạm Minh Phương (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân): Nỗi lo hàng hóa tăng giá
Từ ngày 20 tháng Chạp đến nay, tôi thấy giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng dần. Đối với chúng tôi, những người đã nghỉ hưu, đồng lương có hạn nên phải tằn tiện mới đủ chi tiêu... Mấy ngày nay, giá thịt bò, thịt lợn ngon để gói bánh, gói giò, kể cả rau xanh cũng tăng giá đột biến. Không biết đến 30 Tết và sau Tết có còn lên giá nữa không? Giá túi hàng Tết gồm bánh, mứt, kẹo, rượu đóng chai... cũng tăng vọt, khó bề kiểm soát. Điều được người dân quan tâm đặc biệt là chất lượng các loại thực phẩm chế biến. Tôi rất mong cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý, hạn chế hàng mất vệ sinh, kém chất lượng để NTD yên tâm...
Bà Nguyễn Thu Nga (phường Phúc La, quận Hà Đông): Đâu dễ thành người tiêu dùng thông thái
Trước bao nhiêu loại hàng hóa, thực phẩm, đồ uống... tôi thực sự khó phân biệt được đâu là hàng bảo đảm chất lượng, ATVSTP. Bởi hiện nay tình trạng làm giả, làm nhái một số sản phẩm có uy tín, nhất là đồ uống, thực phẩm ngày một nhiều. Tôi thường mua hàng theo cảm tính, thấy "bắt mắt", thương hiệu "quen quen" là chọn, ít để ý đến nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng… Tuy nhiên, ngay cả một số thương hiệu có uy tín cũng bị làm giả, như thật cả bao bì, tên công ty, địa chỉ… Rồi là tình trạng vỏ thật, ruột giả, "lập lờ đánh lận con đen" khiến NTD "bó tay" không thể rõ chất lượng. Muốn trở thành NTD thông thái quả là khó lắm thay!
Ông Lê Văn Hòa (xã Bình Yên, huyện Thạch Thất): Công khai danh tính đơn vị SX-KD không bảo đảm chất lượng hàng hóa
Thời gian này, có nhiều đoàn kiểm tra thị trường thực phẩm, hàng hóa phục vụ Tết. Bên cạnh việc phát hiện, xử lý các cơ sở SX-KD hàng hóa, thực phẩm không bảo đảm an toàn, tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần công khai tên, địa chỉ, nhãn hàng của đơn vị SX- KD vi phạm, không bảo đảm chất lượng hàng hóa. Việc "bêu gương" không chỉ là biện pháp mạnh để "răn đe" đơn vị vi phạm, mà còn là thông tin để NTD biết và tránh xa những loại sản phẩm này. Bị tẩy chay, nhà SX-KD sẽ phải tìm cách lấy lại lòng tin của khách hàng, làm ăn nghiêm chỉnh, theo đúng tiêu chuẩn quy định.
Bà Phan Thị Tình (xã Trung Văn, huyện Từ Liêm): Cần hướng dẫn người dân cách nhận biết, chọn mua thực phẩm
Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao, nguy cơ mất ATVSTP dịp Tết là rất lớn. Tết cũng là khoảng thời gian có số người bị ngộ độc thực phẩm nhiều nhất trong năm. Bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, tình hình ATVSTP, các cơ quan chức năng cũng cần hướng dẫn để NTD biết cách lựa chọn những loại thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe cho mọi người, tránh nguy cơ ngộ độc thức ăn trong những ngày vui xuân, đón Tết.