Cách làm mới ở một mô hình không mới

Giáo dục - Ngày đăng : 07:50, 29/01/2011

(HNM) - Kinh tế càng phát triển, nhu cầu lựa chọn nơi học càng đa dạng. Không chỉ muốn con được học trong một cơ sở giáo dục có chất lượng dạy văn hóa cao mà nhiều bậc cha mẹ còn đòi hỏi một môi trường học tập như ở nước ngoài.

Đáp ứng nhu cầu đó, trong những năm gần đây, mô hình trường phổ thông quốc tế xuất hiện ngày một nhiều ở các thành phố lớn. Một điểm chung dễ thấy là những trường này có cơ sở vật chất rất hiện đại và dành sự chăm sóc tối đa cho học sinh. Nhưng điều khiến cho phụ huynh băn khoăn là chương trình học và khả năng thích ứng sau khi tốt nghiệp.

Học sinh Trường Hanoi Academy đọc sách tại thư viện. Ảnh: Linh Tâm


Tiếng Việt + tiếng Anh = chương trình quốc tế ?
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, bất kỳ cơ sở giáo dục phổ thông nào mở trên lãnh thổ Việt Nam đều phải dạy chương trình hiện hành của bộ. Các trường phổ thông quốc tế không phải là ngoại lệ và vì thế, học sinh sẽ học song song 2 chương trình tiếng Việt và chương trình của nước ngoài bằng tiếng Anh. Phép cộng này khiến học sinh phải chịu thêm gánh nặng, lãng phí công sức và thời gian bởi có những kiến thức đã học trong chương trình tiếng Việt lại phải học lại bằng tiếng Anh.


Thạc sĩ quản lý giáo dục Lê Tuệ Minh, Giám đốc điều hành Hệ thống Trường phổ thông quốc tế Wellspring cũng thừa nhận thực trạng này. Tuy nhiên, chị cho biết ở trường của mình, điều này đã được khắc phục triệt để. Vị nữ giám đốc còn rất trẻ này đã kể về quá trình gian truân để tìm được một chương trình quốc tế phù hợp và phương thức kết hợp giữa 2 chương trình tiếng Việt và tiếng Anh giúp học sinh đến học tại  Wellspring không phải học chương trình quốc tế được hình thành dựa trên phép cộng đơn thuần. Theo Giám đốc Lê Tuệ Minh, hiện có 2 loại chương trình quốc tế. Một, là chương trình trọn vẹn dạy từ A đến Z bằng tiếng Anh dành cho học sinh quốc tế; hai, là chương trình "cầu nối" giữa chương trình của nước sở tại và chương trình quốc tế.  Trường phổ thông quốc tế Wellspring đã lựa chọn Cambridge International Examination bởi đây là chương trình bài bản, liên thông từ tiểu học lên trung học, có khả năng bổ sung hoàn hảo cho sự thiếu hụt của chương trình tiếng Việt. Sự thiếu hụt đó, theo các chuyên gia làm việc lâu năm trong ngành giáo dục xác định, đó là kỹ năng, tư duy, phương pháp. Với Cambridge International Examination, học sinh được bổ sung phương pháp và ngôn ngữ là chủ yếu, không phải học thêm kiến thức vốn đã khá nặng ở chương trình tiếng Việt. Chị Tuệ Minh giải thích: "Sở dĩ chúng tôi có thể làm được điều này vì đã tìm hiểu trong 4 năm, tham khảo rất nhiều chương trình và may mắn là hiện Bộ GD-ĐT đã có chuẩn kiến thức để người xây dựng chương trình có thể tích hợp kiến thức của các chương trình thành một chương trình tổng thể. Chương trình này đáp ứng được yêu cầu vừa bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng của bộ, vừa bổ sung cho những điểm yếu".

"Đầu ra" rõ ràng
Vì mô hình trường quốc tế xuất hiện chưa lâu và các cấp quản lý cũng chưa có sự đánh giá tổng thể xem học sinh học xong chương trình phổ thông tại những cơ sở giáo dục này sẽ vào đời bằng con đường nào, nên lộ trình cho "đầu ra" chủ yếu dựa vào những gì nhà trường công bố và cam kết. Không ít phụ huynh băn khoăn rằng, học xong chương trình quốc tế, nếu không có điều kiện du học nước ngoài thì liệu con của họ có học tiếp ở bậc cao hơn ở trong nước? Sợ rằng sẽ rơi vào tình trạng "dở giăng, dở đèn" nên không ít người, dù có khả năng kinh tế và rất mê cơ sở vật chất và các điều kiện chăm sóc học sinh của trường quốc tế, nhưng đã không dám chọn mô hình giáo dục này.

Có lẽ, do nắm được tâm lý này và rút kinh nghiệm từ những người đi trước nên Wellspring đã xây dựng lộ trình rõ ràng cho học sinh. Được tiếp nhận một chương trình đào tạo có mục tiêu cụ thể ngay từ bậc học cơ sở với chương trình quốc tế hỗ trợ Cambridge International Examination, chương trình tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 Cambridge ESOL and IELTS, nên sau khi học hết lớp 8, học sinh đã có thể chuyển tiếp vào học các trường THPT quốc tế ở nước ngoài; hoặc sau khi tốt nghiệp THCS các em có thể học chương trình International O level, tiếp đến là Founation Course trong 1 năm hoặc International A level trong 2 năm ngay tại Wellspring để có thể vào học các trường ĐH ở Anh, Mỹ, Canada, Australia. Còn một sự lựa chọn nữa cho học sinh, là học tiếp chương trình THPT song ngữ tại trường để thi tuyển vào ĐH.

"Tất cả trong một" liệu có phải là quá tham vọng không? Giám đốc Lê Tuệ Minh đã trả lời câu hỏi này bằng một vài con số về cơ sở giáo dục mà chị và cộng sự đã dành cho nó tâm huyết và sức lực suốt 4 năm qua: 500 tỷ đồng xây dựng trường trên diện tích gần 44 nghìn mét vuông, trong đó có 20 nghìn mét vuông cây xanh; quy mô giai đoạn 1 là 100 lớp, mỗi lớp từ 20 đến 25 học sinh; khu thể thao gồm sân bóng đá, bể bơi nước nóng, nhà thi đấu, thư viện, vườn thực nghiệm... Và chị đặt vấn đề, liệu đơn vị đầu tư xây dựng trường là Tập đoàn SSG - tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam - có dám mạo hiểm với  một kế hoạch không khả thi?

Với kế hoạch bài bản nhờ sự am tường giáo dục và thấu hiểu mong mỏi của người làm cha mẹ của những người xây dựng Wellspring, có thể, Hà Nội sẽ có một cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc tế đúng nghĩa.

Vân Vũ