Đền thờ Tản Viên trên núi Ba Vì

Xã hội - Ngày đăng : 10:18, 11/12/2003

Đền Trung nằm ở lưng chừng núi phía tây Ba Vì, xấp xỉ cốt 600m. Cuốn ngọc phả sự tích Đức Thánh Tản lưu ở Đông cung đền và do Quản giám bách thần Nguyễn Hiên sao lại năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737) cho biết thoạt kỳ thuỷ đền Trung là nơi dựng đền thờ bà Ma Thị, mẹ nuôi của Tản Viên. Truyền rằng bà Ma Thị đã lập di chúc giao lại toàn bộ đất đai ở vùng núi và chân núi Ba Vì cho con nuôi là Tản Viên và Tản Viên có trách nhiệm lập đền thờ hương hoả bà...

Đền Trung nằm ở lưng chừng núi phía tây Ba Vì, xấp xỉ cốt 600m. Cuốn ngọc phả sự tích Đức Thánh Tản lưu ở Đông cung đền và do Quản giám bách thần Nguyễn Hiên sao lại năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737) cho biết thoạt kỳ thuỷ đền Trung là nơi dựng đền thờ bà Ma Thị, mẹ nuôi của Tản Viên. Truyền rằng bà Ma Thị đã lập di chúc giao lại toàn bộ đất đai ở vùng núi và chân núi Ba Vì cho con nuôi là Tản Viên và Tản Viên có trách nhiệm lập đền thờ hương hoả bà.

Hiện nay, có đường mới mở qua xóm Lặt bám theo sườn núi Suối Cái để lên đền. Tương truyền đền được xây dựng ở thời Lý sau khi xây xong đền Thượng, dưới thời Nguyễn, triều vua Minh Mạng, tổng đốc Nguyễn Đăng Giai cho trùng tu. Hiện trạng khu di tích bị xuống cấp ngiêm trọng, một số hạng mục bị huỷ hoại.

Nằm ở sườn núi trên một cánh rừng tương đối bằng phẳng, cửa đền trông hướng tây, đối diện là núi chàng Rể, nhìn hút theo thung thấy dòng sông Đà như một dải lụa trắng vắt ngang, bên trái có suối Đền, bên phải có suối Tiên, cả hai suối ấy lấy nước từ núi Tản đổ xuống khe sau là suối Cái. Từ đền Trung du khách phóng tầm mắt nhìn sang bên kia sông Đà thấy xanh mờ núi Lưỡi Hái, chân núi là đất xã Trung Nghĩa (tỉnh Phú Thọ) có đền Mẫu thờ mẹ Tản Viên, bà Đinh Thị Đen, ở làng Lăng Xương.

Đền Trung kiến trúc kiểu chữ Tam, phỏng quẻ Càn, trong kinh Dịch, biểu tượng của sự vững bền, tương tự kiểu kiến trúc ở đền Và (xã Trung Hưng, TX Sơn Tây). Hậu cung đặt 3 pho tượng Tam vị Đức Thánh Tản, chính giữa tượng Tản Viên, tả hữu là tượng hai anh em con ông chú Tản Viên, Tung cung, gian giữa bài trí tượng 4 vị quan ở tư thế đứng mũ áo, cân đai chỉnh tề, mỗi bên 2 vị trông mặt vào nhau, biểu tượng 4 vị đại thần trấn ở bốn cung đông - nam - đoài - bắc. Trước trung cung là nhà tiên tế 5 gian còn lưu dấu tích hai bài thơ chữ Hán vịnh cảnh đền Trung.

Nằm ở bên phải đền Trung là dãy nhà 3 gian, tên gọi đền Lang, hay đền Lang Mẫu. Xưa kia đền Lang Mẫu bên trong đặt ngai thờ bà Ma Thị, dân địa phương gọi là bà Bùi, Trong đền còn đặt một cỗ quan tài gỗ sơn son, trên mặt để gương, lược, tục truyền đó là kỷ vật của bà Ma Thị. Điều lý thú là với tên gọi đền Lang và tục gọi bà Ma Thị là bà Bùi Vì, mẹ nuôi Đức Thánh Tản Viên là một người Mường. Phải chăng từ Ma đó là một từ Hán Việt để ghi âm một từ Mường có nghĩa là người (Moil) mà dân Mường vẫn gọi là cụ Moil nhà tôi. Còn từ Bùi thì theo nhà nghiên cứu dân tộc học Từ Chi thì "Đáng lưu ý là" người (ở trong) Mường "không có tộc danh, nói cho sát hơn là chung nhau một tộc danh Bùi dù từng người thuộc tông tộc nào" như vậy, Bùi, thực ra không còn là tộc danh, mà vô hình trung đã trở thành tên chỉ "đẳng cấp" "bị trị".

Trước cửa đền Lang là một nhà ngang thờ Phật, chắc là chỉ mới được xây dựng sau này để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của các tín đồ đạo phật khi họ đến đền Trung. Dưới chân đền Trung từ hướng hai cột đồng trụ trông ra, ở một thế đất thấp là một đèn nhỏ thời Thái Bạch Thần Tinh, một vị tiên trên trời, như thần phả ghi, đã dạy Thánh Tản phép tu tiên và cho thần chiếc gậy đầu sinh đầu tử. Gần đó xuất hiện bàn thờ lộ thiên thờ chúa sơn lâm (5 con hổ), loại vật oai linhở núi Ba Vì.

Ngang độ cao với nhà tiên tế của đền Trung, phía trái, là dẫy nhà ba gian có tên gọi là đền thờ Tả Quan. Trong mùa điền dã năm 1995, lấy tư liệu viết bài Sắc thái văn hoá Mường Ba Vì, chúng tôi đã gặp nhiều cụ ở địa phương mà không cắt nghĩa nổi vị thần thờ ở đền Tả Quan trong cụm di tích đền Trung là ai?

Hơn một năm sau, tháng 10-1996, trong chuyến điền dã về xã Thuần Mĩ tình cờ chúng tôi được đọc tài liệu quốc ngữ dịch từ một ngọc phả chữ Hán và một văn bản Nôm hiện lưu giữ trong gia đình ông Đỗ Văn Ký ở thôn Tòng Bạt, xã Thái Bạt (Ba Vì) do ông chủ tịch UBND xã Thuần Mĩ quản lý. Chính nhờ vào tư liệu này đã soi sáng cho chúng tôi một vấn đề lý thú là vị Tả Quan ở đền Trung chính là Nguyễn Hiển, em con ông chú của Tản Viên.

Ngọc phả kể rằng, sau khi trở về trị vì vùng núi Tản sông Đà, Tản Viên - Sơn Tinh có cắt cử ông Nguyễn Hiển cai quản vùng đất bên tả ngạn sông Đà (vùng Tam Nông tỉnh Phú Thọ). Nguyễn Sùng cai quản vùng đất hữu ngạn sông Đà. Gặp khi Hùng Vương dựng lều kén rể, Sơn Tinh đã đưa lễ vật trước nên vua Hùng thuận lời cho chàng rước nàng Ngọc Hoa về núi Tản. Thuỷ Tinh do mang lễ vật đến sau, không lấy được Ngọc Hoa, chàng nổi giận dâng nước đánh Sơn Tinh ở núi Ba Vì mưu cướp lại nàng Ngọc Hoa. Tản Viên sai các tướng lĩnh chống lại.

Bấy giờ Nguyễn Hiển đóng quân ở bãi Đồn, một bãi nổi giữa dòng sông Hồng thuộc địa phận ấp Lương Tuyền, nay là xã Thuần Mĩ, huyện Ba Vì. Thần đã sai dân chúng lấy lá bà ha (một loại lá cây có nhựa độc) giã ra thả xuống dòng sông Đà làm cho thuỷ tộc bị say, sau đó bơi các chiến thuyền ra chém quân Thuỷ Tinh. Nguyễn Hiển đã chém chết thủ tướng thủy tộc là một thuồng luồng lớn. Khi thuồng luồng bị giết thì vang lên một tiếng sám to, mưa gió ngớt dần, bầu trời trong xanh trở lại. Chính nhờ chiến công đó, dân chúng hai bên bờ sông Đà thuộc Hà Tây và Phú Thọ từ núi Chẹ Đùng đến Trung Hà nhiều làng lập đền thờ Nguyễn Hiển. Vợ Nguyễn Hiển là Phương Dung công chúa, hay còn gọi là Ngọc Dung công chúa cũng được thờ phụng ở nhiều nơi trong vùng. Đền thờ chính Nguyễn Hiển là làng Đoan Hạ (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bên tả ngạn sông Đà. Công chúa Phương Dung, vợ thần, chính cung thờ ở Rừng Cấm thuộc xã Thuần Mĩ gần bãi đồn. Ở đình thôn Vô Khuy, xã Cẩm Lĩnh, gian chính cung thờ Tam vị Đức Thánh Tản, còn gian cạnh bên trái đặt ngai thờ tả quan Nguyễn Hiển, vua phong tên chữ là Quý Minh đại vương.


Như vậy, ở đền Trung ngoài việc thờ Tam Vị Đức Thánh Tản thì trong tâm thức người xưa đã lập những nơi thờ riêng liên quan đến sự ích của từng vị thần như bà Ma Thị, Tả quan Nguyễn Hiển, Thái Bạch thần tinh với các bài trí miêu tả như trên đã làm cho khu đền Trung trở thành quần thể di tích thờ Thánh Tản phong phú các vị thần nhất so với di tích thờ Tản Viên ở trong vùng và được hiện diện trên quy mô vừa rộng lại vừa ở một vị thế đẹp phía Tây núi Ba Vì. Rõ ràng truyền thuyết Sơn Tinh đã được mô phỏng sinh động thông qua một quần thể di sản vật chất quý hiếm.

Nguyễn Hữu Thức

ANHTHU