Cần xử lý dứt điểm, tránh phát sinh điểm nóng
Đời sống - Ngày đăng : 07:50, 28/01/2011
Đoạn tường rào mới xây bị người dân phá đổ. |
Theo hợp đồng thuê đất số 384-245/ĐC-NĐ-HĐTĐ ngày 1-1-1996, Công ty Vật liệu xây dựng Cầu Đuống (nay là Công ty cổ phần Cầu Đuống) được thuê 92.562m2 đất tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh để sản xuất vật liệu xây dựng với thời hạn 20 năm. Ông Ngô Văn Chăm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cầu Đuống cho biết: Từ khi nhận thuê đất đến nay, công ty chưa sử dụng hết diện tích và chỉ xây tường bao quanh phần mặt đất, còn diện tích mặt nước (những vũng, ao sau khai thác lấy đất sản xuất gạch tạo thành) công ty không xây tường bảo vệ, vẫn để cho một số hộ dân thả cá. Do nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, công ty tiến hành san lấp, cải tạo mặt bằng trong phần diện tích đã được thuê. Thế nhưng, vào khoảng 14h30 ngày 24-1-2011, có khoảng 100 người dân thôn Lý Nhân, xã Dục Tú kéo đến phá hỏng 5 khoang lưới B40, gần 20m tường xây bằng gạch và đập vỡ nhiều gạch, ngói của công ty. Nguy hiểm hơn, người dân còn hành hung anh Nguyễn Kim Tuyến (Phó phòng Hành chính) cướp súng trường của anh Hoàng Văn Dũng (nhân viên bảo vệ). Cũng theo ông Chăm: "Việc san lấp mặt bằng được thực hiện từ đầu tháng 12-2010, công ty đã hỗ trợ 3 hộ gia đình trong phạm vi giải tỏa gần 10 triệu đồng do trước đó họ đã san, ủi mặt bằng để có đất sử dụng, chăn nuôi".
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Liên, Trưởng thôn Lý Nhân cho hay: Ngày 22-1-2011, lãnh đạo thôn cùng toàn dân họp thống nhất đề nghị UBND xã Dục Tú đình chỉ việc xây dựng của Công ty cổ phần Cầu Đuống để xác định rõ mốc giới. Tuy nhiên, trong khi chờ cơ quan chức năng vào cuộc, công ty vẫn san ủi, xây dựng tường bao. Cán bộ địa chính xã xuống hiện trường nói miệng là Công ty cổ phần Cầu Đuống xây dựng trên đất được giao, nên không lập biên bản đình chỉ thi công, khiến người dân bức xúc. Chính vì vậy, nhân dân trong thôn thống nhất, nếu công ty này tiếp tục xây dựng, trưởng thôn sẽ thông báo trên loa truyền thanh để tập hợp người dân đến giữ đất.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Phạm Nam Thắng, Trưởng đồn Công an Nam Đông Anh khẳng định: Ngay sau khi xảy ra sự việc, lực lượng công an đã xuống hiện trường xác minh, làm rõ. Bước đầu đã lập biên bản thu giữ 1 khẩu súng AK do Ban Chỉ huy Quân sự huyện trang bị cho lực lượng dân quân tự vệ của công ty và lấy lời khai của người có liên quan.
Về phía chính quyền, ông Nguyễn Đăng Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Dục Tú khẳng định: Ngày 12-11-2010, xã đã lập biên bản, đề nghị công ty không được đổ đất xuống hồ Lý Nhân và phải phối hợp với chính quyền địa phương xác định mốc giới đất của doanh nghiệp trước khi san lấp mặt bằng, thời gian xong trước ngày 18-11-2010. Ngày 7-1-2011, xã tiếp tục có công văn số 01, đề nghị công ty báo cáo việc đổ đất xuống ao và khẩn trương liên hệ với Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội để được xác định cắm mốc giới theo trích lục bản đồ. Trước đó, trong công văn số 849/UBND - QLĐT ngày 19-10-2010, về việc trả lời đơn xin cải tạo, sửa chữa nhà xưởng của Công ty cổ phần Cầu Đuống, UBND huyện Đông Anh ghi rõ: "Đồng ý với kế hoạch của công ty về việc tạm thời cải tạo, sửa chữa một số hạng mục công trình... theo đúng ranh giới đất do công ty đang quản lý... Quá trình cải tạo, sửa chữa các công trình trên nền móng và vị trí hiện có, không được dịch chuyển, thay đổi sang vị trí khác cũng như nằm ngoài mốc giới quản lý đất đai của công ty".
Để ổn định trật tự trị an ở địa phương, tránh phát sinh điểm nóng, dư luận mong chờ các cơ quan chức năng sớm xem xét xử lý dứt điểm vụ việc.