Xây dựng tiêu đề và biểu tượng du lịch: Manh mún, thiếu trọng tâm
Du lịch - Ngày đăng : 07:45, 28/01/2011
Tác phẩm “Sự khác biệt Á Đông” (giải nhất) trong cuộc thi sáng tác biểu tượng. |
“Chuẩn” còn chờ “chỉnh”
Để tìm ra tiêu đề, biểu tượng, góp phần xây dựng thương hiệu cũng như nâng cao hình ảnh và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế, từ tháng 4-2010, TCDL đã phát động thi sáng tác logo và slogan. Tại thời điểm đó, lãnh đạo TCDL khẳng định, không chỉ thay thế khẩu hiệu cũ “Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn” của giai đoạn 2006-2010, logo và slogan mới phải gây được ấn tượng, hiệu quả và đúng với định hướng phát triển của ngành. Việc lựa chọn logo mới sẽ phải hoàn tất vào cuối năm 2010 để phục vụ cho các chương trình tiếp thị, quảng bá du lịch Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015.
Trao đổi với phóng viên Hànộimới tại lễ trao giải, Phó Tổng cục trưởng TCDL - Trưởng BTC cuộc thi Nguyễn Mạnh Cường đánh giá cao 10 tác phẩm lọt vào vòng chung kết, đặc biệt là 3 tác phẩm đoạt giải đã hội tụ đầy đủ yêu cầu và tiêu chí đặt ra. Tuy nhiên, ông cho rằng, kể cả logo và slogan giành giải nhất cũng phải chờ thông qua ý kiến phản hồi, đóng góp của các bộ, ngành, doanh nghiệp…, sau đó, ngành du lịch mới tổng hợp và đưa ra quyết định cuối cùng. Dự kiến, đến hết quý I-2011, TCDL mới có thể công bố thông điệp mới cùng chiến dịch quảng bá cụ thể “Trong khi chờ đợi, du lịch Việt Nam vẫn tạm sử dụng khẩu hiệu cũ “Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn” để xúc tiến, quảng bá hình ảnh ở trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết.
Theo đại diện các hãng lữ hành uy tín trên địa bàn Hà Nội thì, cùng với vấn đề kinh phí, nguồn nhân lực, logo và slogan đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đạt hiệu quả. Một thông điệp đạt yêu cầu không cần hoa mỹ nhưng phải bảo đảm giới thiệu được những gì chúng ta đang có. Tiêu chí mà TCDL đặt ra trong cuộc thi sáng tác biểu tượng, tiêu đề là phải thể hiện được thế mạnh của loại hình du lịch biển, sinh thái và văn hóa trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015. Nhưng nhìn chung, cả 3 tác phẩm giành giải cao như “Sự khác biệt Á Đông” (giải nhất), “Đất nước của những nụ cười” (giải nhì) và “Niềm tự hào ASIA” (giải ba) đều không rõ ràng và thiếu sức thuyết phục. Mặt khác, giá trị cụ thể, sản phẩm tiêu biểu của loại hình du lịch là gì, hình ảnh nào để du khách dễ biết, dễ nhớ lại không được thể hiện trong các tác phẩm trên. Có lẽ vì thế, TCDL còn phải chờ “hiệu chỉnh” để ra quyết định cuối cùng.
Cần có chiến lược dài hơi
Trong 10 năm qua, du lịch Việt Nam đã 3 lần thay logo và slogan, tới đây sẽ là lần thứ tư. Chưa bàn đến chuyện chất lượng, tốn kém về kinh phí, việc thay đổi logo và slogan liên tục như vậy sẽ khiến ngành du lịch gặp khó khăn trong việc định vị thương hiệu. Bởi du khách chưa kịp làm quen với hình ảnh này đã lại xuất hiện hình ảnh khác.
Một góc bãi biển Nha Trang. Ảnh: Linh Tâm |
Về vấn đề này, ông Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, theo kinh nghiệm của các nước, việc sử dụng logo và slogan lâu dài sẽ đem lại lợi thế lớn, khiến du khách ghi nhớ và tin tưởng hơn. Chẳng hạn như “láng giềng” Thái Lan hàng chục năm qua đã rất thành công với “Diệu kỳ Thái Lan” (Amazing Thailand), hay Singapore lôi cuốn du khách với “Độc đáo Singapore” (Uniquely Singapore), Malaysia hấp dẫn nhờ “Malaysia - châu Á đích thực” (Malaysia - Truly Asia), Ấn Độ tạo sự độc đáo với “Ấn Độ ngoạn mục” (Incredible India)… “Chúng ta cần có chiến lược dài hơi trong việc sử dụng logo - slogan sắp tới của ngành du lịch”, ông Phạm Trung Lương khẳng định.
Đồng tình với ý kiến trên, một số chuyên gia trong ngành cho biết thêm, chiến dịch xúc tiến, quảng bá của du lịch Việt Nam ngay trong đầu năm 2011 vẫn phải sử dụng thông điệp cũ “Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn”. Vì thế, trên các ấn phẩm quảng bá, tờ rơi, tập gấp… vẫn in hình logo và slogan cũ nên nếu vài tháng sau thay đổi hình ảnh và khẩu hiệu mới thì quả là vô cùng lãng phí. Thêm vào đó, khác với khách nội địa, khách nước ngoài khi đến Việt Nam đều lên kế hoạch trước cả năm và đăng ký đặt tour trước 3 tháng. Với việc vừa sử dụng khẩu hiệu cũ vừa triển khai thay thế logo và slogan mới sẽ khiến du khách ngỡ ngàng, đồng thời không tạo được ấn tượng với họ.
Các chuyên gia cho rằng, tùy theo mục tiêu, chủ đề của từng năm, nhiều nước trên thế giới chỉ thêm phụ đề sau những logo và slogan chính, chứ không thay đổi liên tục như nước ta. Năm 2011 là Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên, qua đây, TCDL muốn tập trung giới thiệu sản phẩm du lịch chủ đạo với việc xây dựng chủ đề “Thiên đường du lịch biển, đảo”. Nếu áp dụng như cách thức trên, ngành du lịch vẫn có thể sử dụng “Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn” bên cạnh việc lồng ghép logo và slogan phụ thể hiện thế mạnh của loại hình du lịch biển, đảo.
Phải chăng ngành du lịch đã quá lãng phí khi đổ công sức và tiền của đi tìm khẩu hiệu mới?