Cán đích

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:59, 28/01/2011

(HNM) - Vượt qua chặng đường dài không ít chông gai, cuối cùng Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới đã

START mới cần Tổng thống Nga Dmitri Medvedev ký phê chuẩn mới chính thức ban hành thành luật. Tuy nhiên, đây chỉ là một hành động mang tính thủ tục và người đứng đầu nước Nga đã sẵn sàng cho việc này ngay sau khi trở về từ Diễn đàn Kinh tế thế giới đang diễn ra tại Davos ở Thụy Sỹ. Như vậy, với START mới chính thức có hiệu lực, trong vòng 7 năm tới, số đầu đạn hạt nhân tối đa của mỗi nước sẽ giảm khoảng 30% xuống còn 1.550 so với mức trần 2.200 hiện nay. Số lượng vũ khí giải trừ chưa phải là quá lớn so với lượng vũ khí hạt nhân mà hai bên còn nắm giữ hiện nay, song đây là một sự khởi đầu tốt để duy trì lộ trình "tái khởi động quan hệ" Nga - Mỹ không bị chệch hướng. Hay nói cách khác, thành công trong "phép thử" khắc nghiệt đầu tiên là một động lực quan trọng để Nga và Mỹ tiếp tục vượt qua những khó khăn nhằm gạt bỏ hoàn toàn những di sản thù địch từ thời kỳ Chiến tranh lạnh ra khỏi kỷ nguyên hợp tác mới. Qua đó, cục diện an ninh toàn cầu, nhất là ở khu vực châu Âu, bớt đi một yếu tố có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Trên thực tế, gần một thập kỷ trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama lên nắm quyền, quan hệ Nga - Mỹ thường xuyên ở trong tình trạng "ông chẳng, bà chuộc". Danh sách những bất đồng giữa hai bên có thể liệt kê thành một bảng dài bao gồm cả những vấn đề song phương lẫn đa phương. Nhất là từ khi Tổng thống Mỹ G.Bush khởi xướng kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) tại Trung Âu, buộc Nga phải tính toán lại chiến lược quân sự cũng như hệ thống phòng thủ, thì sự ổn định trong khu vực luôn đứng trước nguy cơ bị đảo lộn. Sự kiện Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM), Nga rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE), quan hệ Nga - NATO bị "đóng băng"; các bên không còn nhiều ràng buộc để vạch kế hoạch quân sự và thực hiện biện pháp đáp trả tương xứng trước những hành động của đối thủ cạnh tranh. Sau cuộc chiến giữa Nga và Georgia tháng 8-2008, đã có lúc căng thẳng leo thang tới mức khiến dư luận thế giới nghĩ đến khả năng bùng nổ một cuộc Chiến tranh lạnh mới giữa hai cựu thủ từng đối đầu trong gần nửa thế kỷ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II.

Tuy nhiên, phải thấy rằng quan hệ giữa hai nước giờ đây có nhiều ràng buộc hơn so với thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nga và Mỹ không còn trong tình thế đối đầu về ý thức hệ. Lợi ích kinh tế đan xen buộc cả Washington và Moskva phải có cái nhìn thực tế và kiềm chế trong hành động để không đẩy căng thẳng đi quá xa. Đơn cử như việc Nga hiện nay là nước xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ hàng đầu thế giới, trong khi Mỹ là nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lửa lớn nhất thế giới. Đó là còn chưa kể đến những quan ngại chung như chủ nghĩa khủng bố, nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu... Trong bối cảnh thế giới ngày càng trở nên đa cực, để đối phó có hiệu quả với các thách thức mang tính toàn cầu, rõ ràng, các bên hữu quan cần phải biết lắng nghe và hợp tác chặt chẽ với nhau và mối quan hệ Nga - Mỹ cũng không nằm ngoài dòng chảy chủ đạo này.

Như vậy, thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng nhất trong gần hai thập kỷ qua đã trở thành hiện thực. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ cạnh tranh khốc liệt, hai cường quốc hạt nhân lớn đang tiến một bước dài trên con đường giải trừ quân bị và nêu tấm gương tốt cho các quốc gia hạt nhân để họ cũng bắt đầu cắt giảm kho vũ khí nguyên tử. Đây là một nỗ lực không chỉ chứng tỏ sự đồng thuận giữa Nga và Mỹ mà còn khẳng định, dưới sự dẫn dắt của thế hệ lãnh đạo trẻ thời hậu Chiến tranh lạnh, những hy vọng thay đổi trong chính sách ngoại giao mới của cả hai phía là hoàn toàn khả thi, vì hợp tác sẽ là con đường hữu hiệu để cả hai vượt qua những thách thức và chống lại những nguy cơ chung mang tính toàn cầu trong thế kỷ XXI.

Lâm Phương