Lồng sắt, nỗi kinh hoàng khi có cháy

Chính trị - Ngày đăng : 08:45, 09/12/2003

Ở các khu đô thị mới, việc xây dựng chung cư cao tầng hoặc phân lô do thành phố quy hoạch cơ bản thỏa mãn các điều kiện  an toàn về khoảng cách ngăn cháy, giao thông chữa cháy, nguồn nước chữa cháy, lối thoát nạn khi có cháy và các phương tiện chữa cháy tại chỗ. Trong khi đó, các khu tập thể, khu dân cư cũ phần lớn không đáp ứng được yêu cầu về phòng cháy cũng như an toàn khi có cháy...

 Các kiểu lồng sắt trong các khu tập thể

Ở các khu đô thị mới, việc xây dựng chung cư cao tầng hoặc phân lô do thành phố quy hoạch cơ bản thỏa mãn các điều kiệnan toàn về khoảng cách ngăn cháy, giao thông chữa cháy, nguồn nước chữa cháy, lối thoát nạn khi có cháy và các phương tiện chữa cháy tại chỗ. Trong khi đó, các khu tập thể, khu dân cư cũ phần lớn không đáp ứng được yêu cầu về phòng cháy cũng như an toàn khi có cháy.

Bên cạnh đó, việc tự thiết kế, xây dựng có phép cũng như không phép đã tạo cho mỗi nhà có một kiểu dáng, độ cao khác nhau...nhưng lại có chung một điểm là chỉ có một mặt tiền, một cầu thang. Đây cũng là một khó khăn khi tổ chức thoát nạn trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn. Vậy mà trên tầng thượng nhà nào cũng thấy lợp mái tôn, xung quanh hàn gắn hoa sắt rất chắc chắn. Lồng sắt ngoài việc cơi nới thêm diện tích còn phát huy tác dụng chống trộm. Song ít ai nghĩ được rằng lồng sắt cũng chính là nỗi “kinh hoàng” khi nó vô tình trở thành bức tường sắt ngăn lối thoát gần như duy nhất khi sự cố cháy xảy ra.

Tại sao lại là duy nhất ? Thông thường tầng một là nơi tập trung nhiều chất dễ cháy như khí gas, xăng dầu và nguồn nhiệt như bếp, điện...và cũng là nơi dễ xảy ra cháy nhất. Khi đó những người có mặt ở các tầng trên không thể thoát ra ngoài qua lối cầu thang. Ngọn lửa ngày càng lớn, khói ngày càng nhiều và nhanh chóng lan lên tầng 2, tầng 3, cứ thế lửa khói sẽ dồn mọi người lên tầng thượng. Cửa tầng thượng sẽ trở thành lối thoát duy nhất. Những ngôi nhà có lồng sắt như đã nói ở trên thì không ai có thể nhảy sang trần nhà hàng xóm hay tụt xuống đất bằng dây cứu người. Ngay cả khi lực lượng cứu hỏa đến cũng phải mất rất nhiều thời gian mới có thể phá được cái lồng sắt kiên cố kia.

Thực tế việc cứu nạn không cho phép kéo dài thời gian, bởi chỉ riêng khói cũng đủ đe dọa tính mạng con người. Năm 2000, ở Thanh Trì, Hà Nội đã xảy ra một vụ cháy ở ngôi nhà 3 tầng, ngọn lửa bùng lên từ tầng một. Trong nhà có 3 cháu nhỏ, các cháu không có lối thoát nào khi phía dưới là lửa, phía trên đã bị bịt kiên cố. Bố mẹ các cháu có mặt ngay lúc đó cũng không thể làm gì để cứu con mình. Khi lực lượng cứu hỏa phá cửa và dập tắt lửa thì đã quá muộn.

Có người nói, bỏ lồng sắt đi thì lại lo trộm cướp. Song chắc chắn việc tìm giải pháp chống trộm thay thế sẽ dễ dàng hơn việc tìm lối thoát nạn khác khi có cháy ở những chung cư cũ hoặc nhà dân kiểu này. Hầu hết thiệt hại lớn về người khi có hỏa hoạn là do những nơi này không chú trọng tới lối và đường thoát nạn đúng mức.

HNM

ANHTHU