Hãy giúp học sinh biết “tự phạt”

Giáo dục - Ngày đăng : 07:13, 27/01/2011

(HNM) - Bộn bề việc trong những giờ lên lớp cuối năm, các thầy, cô giáo còn phải lo bảo đảm an toàn cho HS dịp giáp Tết và những ngày đầu năm mới. Những tác động từ đời sống xã hội đối với sự hình thành, phát triển nhân cách HS đang đặt ra yêu cầu cao hơn đối với người thầy.

Phải nghiêm khắc hơn

Năm học 2010-2011 là năm học đầu tiên Công an TP Hà Nội và ngành GD-ĐT cùng ký Quy chế phối hợp về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học và Kế hoạch liên ngành về tuyên truyền giáo dục pháp luật cho HS, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học. Tại hội nghị sơ kết 4 tháng về công tác này, diễn ra vào tháng 1-2011, ông Nguyễn Hữu Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Mặc dù quy chế phối hợp giữa 2 ngành mới được thực hiện từ đầu năm học nhưng đến nay, an ninh trật tự trường học đã bước đầu có chuyển biến tích cực. Số vụ việc nghiêm trọng, các vụ đánh nhau có tổ chức xảy ra trong và ngoài nhà trường giảm. Sự chuyển biến rõ nét nhất là số học sinh vi phạm Luật Giao thông giảm mạnh. Tháng 9-2010, toàn TP có 517 vụ HS vi phạm Luật Giao thông, đến tháng 10-2010 thì chỉ còn 82 vụ, tháng 11 còn 13 vụ…

Công an phường Thành Công tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh Trường THCS Thành Công. Ảnh: Nguyệt Ánh

Mặc dù vậy, lãnh đạo ngành GD-ĐT Hà Nội thẳng thắn thừa nhận: vẫn còn một số vụ việc nổi cộm trong các nhà trường, gây bức xúc trong dư luận, cần được chấn chỉnh như HS một số trường đánh nhau, quay clip đưa lên mạng; vụ HS Trường THPT Lômônôxốp, Đinh Tiên Hoàng đóng giả công an phạt người đi đường, nhân viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông) thuê người đánh thầy hiệu trưởng… Đặc biệt là trước tình trạng HS chơi game online, cơ quan quản lý vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu dù biết sự mê mải với trò chơi ảo kéo theo tác động tiêu cực đến sự hình thành nhân cách, đạo đức HS…

Ngay ở mảng việc được đánh giá là có chuyển biến tích cực nhất - ý thức chấp hành Luật Giao thông của HS - cũng còn một số vướng mắc mà lãnh đạo hai ngành cho rằng cần sớm có biện pháp giải quyết. Đó là việc cập nhập thông tin xử lý vi phạm của cơ quan công an chưa đầy đủ và kịp thời nên việc xác minh, xử lý gặp khó khăn. Theo ý kiến từ các trường, khi xử lý lỗi vi phạm, lực lượng công an cần yêu cầu HS phải trình thẻ HS hoặc các giấy tờ liên quan để việc xử lý chính xác và có tác dụng giáo dục. Phía công an cũng đề nghị ngành giáo dục phải nghiêm khắc trong xử lý vi phạm, không vì thành tích mà giấu "tội" cho HS.

Tự phạt tốt hơn bị phạt

Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường luôn được nhắc đến, được coi là giữ vai trò quan trọng và là nền tảng trong việc giáo dục HS, song hiện nay mối quan hệ này đã trở nên lỏng lẻo. Cha mẹ quá bận rộn với công việc, ít quan tâm tới con hoặc quan tâm không đúng cách và "trăm sự nhờ thầy"; nhà trường, cụ thể là giáo viên chủ nhiệm (GVCN) hiếm khi đến nhà HS, không rành rẽ hoàn cảnh từng em, việc thông cảm, chia sẻ với hoàn cảnh của HS còn hạn chế…

Giải pháp cho tình trạng này, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm (Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội) cho rằng: Với nhiều vấn đề phức tạp trong các trường hiện nay, ngành GD-ĐT cần nghĩ đến một chế độ phụ cấp riêng cho GVCN, khích lệ những người làm công tác này phấn đấu, cống hiến. Cuộc sống, suy nghĩ của HS ngày càng phức tạp hơn, mối quan hệ giữa giáo viên với HS và phụ huynh cũng nhạy cảm hơn, đòi hỏi GVCN không chỉ có chuyên môn giỏi, mà phải thực sự có tâm với nghề… Trên thực tế, đa phần GVCN là do phân công và vì thế không phải lúc nào cũng huy động được những người có năng lực phù hợp với cương vị chủ nhiệm.

Để học sinh không mắc lỗi, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, điểm mấu chốt là uốn nắn hành vi của các em, giúp các em trưởng thành và chín chắn. Thái độ của người thầy có vai trò quan trọng trong quá trình này. Một sự tôn trọng đúng nghĩa, có phân tích và giảng giải thích hợp với từng đối tượng sẽ giúp các em nhận thức được giá trị bản thân, biết chịu trách nhiệm về hành vi của mình, từ đó thúc đẩy ý thức tự kỷ luật. Ví dụ, thay vì gọi phụ huynh đến bảo lãnh khi HS đua xe, phóng nhanh, vượt ẩu… hãy để các em tự chịu hình phạt do lỗi của mình, có thể là lao động công ích hoặc tạm giữ vài ba ngày… Cách làm của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng có thể là một gợi ý: để ngăn cấm HS không hút thuốc lá, nhà trường cho phép các em đăng ký tự cai nghiện. Một góc hút thuốc lá dành riêng cho HS được mở, kèm theo điều kiện là các em phải cam kết hút với số lượng giảm dần. Nếu không thực hiện đúng cam kết, HS phải lựa chọn làm một số việc có ích cho tập thể như dọn phòng học, khu vệ sinh, phụ trách khâu chuẩn bị cho giờ thể dục…. Kết quả là, thay vì việc áp đặt, quản thúc, việc để cho HS chủ động kiểm soát, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy ý thức tự kỷ luật của chính bản thân các em đã mang lại hiệu quả giáo dục tốt và bền vững hơn.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý vừa ký văn bản gửi các Sở GD-ĐT, học viện, các trường ĐH, CĐ, TCCN yêu cầu nhắc nhở học sinh (HS), sinh viên (SV) nghiêm túc thực hiện 5 nội dung: đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông (GT) bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; đi bộ và qua đường đúng nơi quy định; không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe; không vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia GT; không chở quá số người quy định và lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, đua xe hoặc cổ vũ đua xe trái phép.

Các trường phổ thông được yêu cầu gửi thông báo cho phụ huynh về việc quản lý HS trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán; các trường ĐH, CĐ, TCCN quan tâm tổ chức liên hệ mua vé tàu, xe tập thể cho SV; quản lý tốt khu nội trú và đặc biệt nghiêm cấm SV uống rượu, bia trong phòng ở ký túc xá.

Thống Nhất