Không đúng chỗ

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:10, 27/01/2011

(HNM) - Năm nay, lễ hội Hoa và Đồ uống Tết hóa ra thu hút sự chú ý hơn lần tổ chức trước. Cái sự


Ấy là loạt triển lãm hình ảnh, tư liệu về hoa sen, trang phục - lễ phục Việt qua các thời kỳ… Ngày xuân, được ngắm những loài hoa đã "ngự" trong tiềm thức người Việt từ bao đời nay âu cũng là điều hay, giúp cảm nhận mỹ học truyền thống. Biết cha ông xưa mặc thế nào, chẳng phải là tìm về với bản sắc nguồn cội hay sao?

Nhưng sự trưng bày ở Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam - số 2 Hoa Lư, Hà Nội trong những ngày này không chỉ nhằm giúp người dân có thêm sự lựa chọn trong thụ hưởng văn hóa. BTC còn nhằm hướng tới mục tiêu cao hơn, là xin ý kiến nhân dân cho việc xác định và tôn vinh một số biểu trưng văn hóa như quốc phục, quốc hoa…

Tuy nhiên, sự "lấy ý kiến" số đông để góp vào việc xác định biểu trưng văn hóa quốc gia - một việc lớn, có liên quan đến quốc thể, hình ảnh đất nước và con người Việt - trong một kỳ cuộc mà tính chất rõ ràng "vui là chính" hẳn là điều khiến nhiều người e ngại. Hội vui thành chỗ góp phần quyết định việc lớn, có nên không? Phát phiếu thăm dò ý kiến cho người dự hội, kiểu "tích vào ô trống", trả lời "có" hoặc "không" đâu có dễ thu được kiến giải thấu đáo cho vấn đề.

Bởi chọn quốc phục, quốc hoa không phải việc nhỏ, lại chẳng dễ. Việc đã được xới xáo cả chục năm nay với nhiều hội thảo nghiêm túc có sự tham kiến của nhiều học giả, những người dày công nghiên cứu trang phục, lễ phục Việt Nam qua các thời kỳ. Có những mẫu đã được chọn, đã được "thí điểm" trong lễ hội quốc gia nhưng đến giờ việc chọn quốc phục vẫn chưa ngã ngũ. Lễ phục vương triều Thăng Long xưa, có nhà nghiên cứu dành nhiều năm tìm hiểu, như họa sĩ Trịnh Quang Vũ bao năm ngập giữa đống tư liệu về trang phục xưa, đủ cả nội, ngoại, Tây, Tàu mà cuối cùng vẫn không thoát nỗi băn khoăn về một chiếc mũ. Hoa sen được nhiều người biết, nhưng các loại hoa khác thì sao? Sự gắn bó giữa sen hồng với truyền thống và đời sống văn hóa tâm linh hàng nghìn năm nay cụ thể thế nào?... Những việc hệ trọng ấy đâu có thể bàn hết nhẽ bởi số đông; đâu có thể viện dẫn tỷ lệ phiếu bình chọn của người dự hội xuân, qua mạng internet làm tiêu chí trọng yếu để đi tới quyết định vấn đề mà giới nghiên cứu nghĩ chưa ra?

Quốc phục cần được xác định sớm. Quốc hoa có thể từ từ mà chọn. Với quốc tửu thì cần bàn nghiêm túc xem có nên và có thể chọn hay không, kẻo tính khả thi mà không cao thì đốt tiền vào các đề án e rằng lãng phí. Tiêu một số tiền cho việc quảng bá những thứ hay, đẹp trong lễ hội xuân là điều bình thường lúc này, nhưng không gian ấy không phải là chỗ phù hợp để bàn những gì liên quan đến vấn đề hệ trọng mang tầm quốc gia. Ngành văn hóa cần đứng ra chủ trì việc này, lấy ý kiến giới nghiên cứu về những biểu trưng văn hóa tối cần, rồi gạn lọc truyền thống mà xác định cái xứng đáng. Khi ý tưởng thành hình, rõ tính khoa học, lịch sử, thì nhà quản lý tổng hợp lại, lúc ấy mới đem ra cho dân bàn thì hiệu quả hơn. Chứ lan man thế này, chưa rõ quốc phục, chưa thành quốc hoa mà đâu đó đã rục rịch "khởi động"… dư luận cả về quốc thơ rồi. Rồi thì còn những "quốc" gì nữa?

Biểu trưng văn hóa quốc gia cần chất chứ không cần lượng. Căn cốt của cái sự chọn là làm sao tìm ra được thứ mà chỉ nghe đến nó là ai cũng biết đấy là Việt Nam, của Việt Nam.

Dục Tú