Buông lỏng quản lý, vi phạm tràn lan
Kinh tế - Ngày đăng : 07:43, 26/01/2011
Ông Lê Đình Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì cho biết, trên địa bàn huyện có tổng số 33 đơn vị nông, lâm trường, trạm trại tập trung ở 7 xã miền núi. Từ năm 2005 đến nay, đã có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp và đã phát hiện nhiều sai phạm nhưng chưa được xử lý. Đáng ngại là dù đã nhiều lần thanh tra, kiểm tra nhưng do phức tạp nên các cơ quan chức năng cũng chưa xác định rõ tổng diện tích các nông, lâm trường, trạm trại đang quản lý là bao nhiêu và tình hình vi phạm như thế nào. Tại Trạm Thực nghiệm giống cây rừng Ba Vì, trong tổng số diện tích được giao quản lý, sử dụng 210,63ha thì đã phát hiện có hơn 4ha đất sử dụng không đúng mục đích. Đơn vị này đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất nông, lâm nghiệp thành đất ở cho 34 hộ với diện tích hơn 4ha. Trong đó khu vực Cẩm Quỳ đã giải quyết cho 22 hộ mượn đất làm nhà và làm vườn; khu vực Đá Chông giải quyết cho 12 hộ mượn đất làm nhà ở. Tương tự, tại Trạm Nghiên cứu và sản xuất tinh đông lạnh Môn Ca Đa (đơn vị công lập trực thuộc Trung tâm Giống gia súc lớn trung ương) đang quản lý, sử dụng 221,41ha nhưng vẫn chưa có quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đơn vị này đã tự chuyển đổi mục đích 20,6ha từ đất nông nghiệp thành đất ở; khoán sử dụng đất 50 năm cho 14 cá nhân và tập thể, trong đó có 3 người ngoài trạm để trồng cây lâu năm, diện tích 1,4.506ha (thực chất là chia đất cho một số cá nhân sử dụng làm vườn). Ở một số đơn vị khác như, Xí nghiệp Dứa Suối Hai được giao quản lý, sử dụng 318,58ha nhưng thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên nên người nhận khoán đã xây dựng công trình và nhà ở trên đất được giao với diện tích 11,76ha; Xí nghiệp Nông lâm nghiệp sông Đà được giao quản lý, sử dụng 422ha, thì có tới 6,54ha bị lấn chiếm, 0,15ha đất sử dụng sai mục đích…
Quản lý lơi lỏng, mất khả năng kiểm soát
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì Nguyễn Thành Sơn cho biết, các nông, lâm trường, trạm trại được hình thành từ 40 đến 50 năm trước. Nhiều năm qua, do buông lỏng công tác quản lý sử dụng đất, nên xảy ra tình trạng vi phạm tràn lan, khó kiểm soát. Rõ nhất là tình trạng sử dụng đất sai mục đích, chuyển nhượng đất trái phép dưới nhiều hình thức và sử dụng đất kém hiệu quả. Trong khi đó, diện tích đất nông, lâm trường, trạm trại rất rộng, khó phát hiện vi phạm, đó là chưa kể đến sự thiếu hợp tác của các đơn vị quản lý, sử dụng đất. Thực tế, các đơn vị đều không lập hồ sơ quản lý đất đai theo quy định. Diện tích đất được giao quản lý sử dụng của nhiều đơn vị có nhiều biến động, thay đổi so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp, với nhiều lý do như Nhà nước quyết định thu hồi đất để chuyển đổi mục đích thành đất ở hoặc chuyển giao cho đơn vị khác... nhưng đơn vị chưa đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Tình trạng giao khoán đất nông nghiệp không đúng đối tượng quy định tại Nghị định 01/CP ngày 4-1-1995 của Chính phủ cũng diễn ra phổ biến. Hầu hết các đơn vị trước đây là nông trường, trạm, trại được giao quản lý diện tích lớn, lâu dài cho nhiều đối tượng nhưng lại không có nhu cầu sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi thủy sản. Vì vậy, một số đơn vị đã "sáng tạo" bằng cách cho thuê đất, dùng đất liên doanh, liên kết với cá nhân, tập thể để thu lợi… vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai. Đáng nói là sau khi giao khoán, nhiều đơn vị không thường xuyên kiểm tra, giám sát, đối chiếu với hợp đồng giao khoán mà còn vi phạm nghiêm trọng hơn khi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho mượn đất làm nhà ở và làm vườn. Tại nhiều đơn vị, nhiều hộ và một số tổ chức đã xây dựng công trình kiên cố, xưởng sản xuất, cửa hàng dịch vụ trên diện tích đất nhận khoán trồng cây, hoặc đất được đơn vị cho mượn. Diện tích đất, ao hồ giao khoán bị san ủi, làm biến dạng đất để sử dụng sai mục đích nhận khoán. Nội dung giao khoán sử dụng đất canh tác của nhiều đơn vị không đúng quy định tại Nghị định số 01/CP ngày 4-1-1995 và Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 8-11-2005 của Chính phủ. Hiện nay, còn nhiều đơn vị chưa chuyển hình thức giao khoán theo Nghị định 01 sang theo Nghị định 135. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện việc giao nộp ngân sách cho Nhà nước và lợi nhuận của các đơn vị đều ở mức thấp, chủ yếu tập trung ở các hộ nhận khoán sử dụng đất. Ngoài ra, một số doanh nghiệp nhà nước đã chuyển sang công ty cổ phần từ nhiều năm nay nhưng chưa làm thủ tục để chuyển sang thuê đất với Nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải thừa nhận, việc để xảy ra vi phạm trong quản lý, sử dụng đất có một phần trách nhiệm của chính quyền sở tại trong phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, trách nhiệm lớn nhất là các nông, lâm trường, trạm trại bởi họ thiếu hợp tác với chính quyền để ngăn chặn, thậm chí "làm ngơ" cho vi phạm xảy ra. Qua tìm hiểu được biết, hàng chục năm qua hầu như chưa có vụ việc vi phạm quản lý, sử dụng đất ở khu vực này được xử lý; UBND huyện Ba Vì và các xã cũng gần như không kiểm soát được tình trạng chuyển nhượng, chiếm dụng đất. Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thành Sơn cho rằng, để lập lại kỷ cương, công bằng trong quản lý, sử dụng đất ở khu vực này, thành phố Hà Nội cần chỉ đạo quyết liệt, trước mắt tiến hành rà soát tổng thể, nếu diện tích nào giao cho địa phương thì bàn giao để dễ quản lý.