“Nóng” vì cách làm cũ?

Đời sống - Ngày đăng : 05:31, 26/01/2011

(HNM) - Những ngày qua, thôn Yến Vĩ

Hàng quán bên đường lên động Hương Tích. Ảnh minh họa


Bà Vũ Phương Thảo (Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai): Giá thầu cao nên phải bán đắt
Theo phản ánh của báo chí về việc đấu thầu mặt bằng phục vụ mùa Lễ hội chùa Hương, tôi được biết, chỉ vẻn vẹn 3m2 ki ốt để bán đồ lưu niệm mà giá thuê năm nay đã lên tới 50 triệu đồng; mỗi suất mặt bằng để kinh doanh hàng phở cũng đội lên đến 300 triệu đồng. Ngoài ra, trong quá trình kinh doanh, chủ quán phải đóng tiền điện, tiền nước với giá "cắt cổ"… Điều này lý giải vì sao tình trạng "chặt chém" du khách tại mùa Lễ hội chùa Hương xảy ra liên tục trong những năm qua. So với mặt bằng chung, giá bán của hầu hết các mặt hàng tại chùa Hương đều bị đội lên gấp 5-10 lần. Theo những người bán, nếu không bán đắt thì lấy tiền đâu để nộp; "thương" du khách thì họ cầm chắc thua lỗ.

Ông Nguyễn Thế Tiệm (khu tập thể Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân): Cần cải tiến phương thức tổ chức lễ hội
Tại nhiều lễ hội, trong đó có Lễ hội chùa Hương, Ban tổ chức không quản lý chặt chẽ dịch vụ ăn theo, làm nảy sinh tệ nạn như: bắt chẹt, chèo kéo khách, cờ bạc, trộm cắp, mê tín dị đoan... Để lễ hội thực sự lành mạnh, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôi cho rằng điều quan trọng nhất là phải cải tiến phương thức tổ chức lễ hội, tránh xu hướng thương mại hóa. Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm trong việc này; cần có hình thức xử lý nghiêm những người đứng đầu nếu lễ hội diễn ratrên địa phương đó có tình trạng bắt chẹt khách, tệ nạn xã hội...

Bà Nguyễn Thu Hằng (phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng): Bố trí điểm bán hàng, nghỉ ngơi hợp lý
Biết rằng, để tổ chức thành công một lễ hội kéo dài suốt 3 tháng, Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương cần phải có nguồn kinh phí rất lớn. Thế nhưng, bỏ tiền mua vé thắng cảnh, mà sao du khách vẫn không thấy thoải mái? Tại sao tình trạng chèo kéo, bắt chẹt khách, cảnh chen lấn, nhích từng bước do ùn tắc trên đường lên động Hương Tích... mà vẫn không khắc phục được? Để giải quyết tình trạng này, tôi cho rằng, thay vì tổ chức đấu thầu, "tận thu" phí cho thuê mặt bằng, Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương nên bố trí các điểm bán hàng, điểm dừng nghỉ chân cho du khách một cách hợp lý. Đi du lịch ở một số nước, tôi thấy họ bố trí điểm bán hàng, khu vực nghỉ chân cho du khách rất hợp lý, mỗi điểm cách nhau khoảng 100-200m, tùy địa hình. Như vậy, du khách vừa được thảnh thơi đi lễ, vừa thỏa sức ngắm cảnh, rất thoải mái, dễ chịu.

Ông Phương Văn Hiền (phường Xuân La, quận Tây Hồ): Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng lễ hội
Sau Tết Nguyên đán cũng là lúc mùa lễ hội diễn ra trên khắp cả nước, thu hút hàng triệu người trẩy hội. Đây là dịp để mỗi người dân đất Việt hướng về cội nguồn, ôn lại những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, góp phần giảm bớt những căng thẳng sau một năm làm việc vất vả. Tuy nhiên, công tác tổ chức lễ hội trong những năm qua gây không ít bức xúc trong dư luận. Nào là nạn chặt chém, nào là chen lấn xô đẩy, những trò mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình... Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm chính thuộc về ban tổ chức, chính quyền địa phương. Tôi cho rằng, ban tổ chức các lễ hội và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng công tác tổ chức lễ hội, giữ gìn môi trường lễ hội lành mạnh; bố trí, sắp xếp hợp lý không gian hoạt động lễ hội, các dịch vụ; đồng thời kiểm soát chặt chẽ vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm... và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng lễ hội để "buôn thần, bán thánh", lừa bịp du khách.

Phạm Yên Khánh