Niềm tin trong khủng hoảng
Thế giới - Ngày đăng : 05:14, 26/01/2011
Tổng thống Bồ Đào Nha A.C.Silva tái đắc cử là tín hiệu tốt với Bồ Đào Nha. |
Thành công trong suốt 10 năm đảm nhiệm vai trò Thủ tướng cộng với một nhiệm kỳ Tổng thống đã mang lại cho ông A.C.Silva uy danh lớn. Vì thế, sự kiện nhà kinh tế này được bầu lại vào cương vị nguyên thủ quốc gia sẽ giúp duy trì sự thống nhất và ổn định chính trị trong liên minh cầm quyền - một yếu tố vô cùng quan trọng trong bối cảnh Bồ Đào Nha đang đứng trước nguy cơ phải cầu viện tới Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) như trường hợp của Hy Lạp và Ireland.
Ngoài ra, sự kiện Tổng thống A.C.Silva tái đắc cử cũng là một thuận lợi lớn cho Chính phủ thiểu số Xã hội chủ nghĩa của Thủ tướng Jose Socrates. Mặc dù thuộc đảng Dân chủ xã hội (SPD) đối lập, nhưng vị Tổng thống 71 tuổi này lại rất tán thành chính sách "thắt lưng, buộc bụng" mà Chính phủ quốc gia Tây Nam Âu này đang triển khai nhằm đối phó với "cơn trọng bệnh" tài chính mà cả châu lục đang mắc phải. Ở Bồ Đào Nha, vai trò của Tổng thống chủ yếu mang tính biểu tượng, nhưng lại sở hữu một quyền lực đặc biệt được ví như "quả bom nguyên tử" - tức là có thể giải tán quốc hội, kêu gọi tổng tuyển cử trước thời hạn nếu thấy Chính phủ "đi nhầm đường". Với sự ủng hộ của Tổng thống A.C.Silva, Thủ tướng J.Socrates không phải chịu ám ảnh của những cơn "đồng sàng, dị mộng" để tập trung vào các kế hoạch giải cứu nền kinh tế đang thực hiện; nhất là trong bối cảnh một số đảng đối lập đang tạo sức ép đòi bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ nếu tình hình Bồ Đào Nha ngày càng xấu đi.
Theo dự báo của Ủy ban Châu Âu (EC) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nền kinh tế Bồ Đào Nha sẽ bước vào suy thoái trong năm nay. Đây là lần suy giảm thứ 2 chỉ trong vòng 3 năm. Như vậy, Chính phủ Bồ Đào Nha sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong giảm thâm hụt ngân sách và thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Hiện tại, tỷ lệ nợ công so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Bồ Đào Nha là 90%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đã vượt mức 11%, cao nhất trong 3 thập kỷ qua. Dù hơn một tuần trước, nước này đã thành công khi bán hơn 5 triệu trái phiếu chính phủ có tổng trị giá 1,25 tỷ euro, phần nào làm vơi nhẹ nỗi lo cần đến trợ giúp quốc tế. Thế nhưng, Bồ Đào Nha cần bán số trái phiếu trị giá khoảng 20 tỷ euro trong cả năm nay thì mới có thể đủ chi cho ngân sách và trả các khoản nợ đến kỳ đáo hạn. Về lâu dài, mức lãi suất huy động vốn lên tới gần 7% cũng đang để lại mối lo không nhỏ cho các ngân hàng, vì tăng thuế và các biện pháp thắt lưng buộc bụng cũng không gánh đỡ được bao nhiêu.
Trong tình cảnh khó khăn như vậy, một chính trị gia lão luyện đồng thời là nhà kinh tế nhiều uy tín như ông A.C.Silva tái đắc cử Tổng thống không chỉ là một sự kiện chính trị đáng ăn mừng của châu Âu mà còn là một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho người dân Bồ Đào Nha. Trong khi các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) - đang thấp thỏm dõi theo nhất cử, nhất động của "chữ cái" đứng đầu trong nhóm PIIGS (5 quốc gia yếu kém - Portugal, Ireland, Italia, Greece và Spain - về kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu), chiến thắng của Tổng thống A.C.Silva đã kịp phát đi một tín hiệu tích cực, giúp duy trì trạng thái ổn định chính trị, tránh gây thêm những tác động xấu lên nền kinh tế vốn ọp ẹp của đất nước 10,5 triệu dân này.
Bất kỳ sự rung lắc nào từ xứ Bồ cũng sẽ khiến "sức khỏe" đang rệu rã của Lục địa già thêm trầm trọng. Đây là lý do khiến cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso khẳng định trong cuộc bầu cử rằng, vai trò của Tổng thống A.C.Silva là không thể thiếu trong bối cảnh hiện nay của Bồ Đào Nha.