Tái cơ cấu Vinashin: Nhìn từ những kết quả bước đầu…

Kinh tế - Ngày đăng : 16:05, 25/01/2011

(HNMO) - Ông Đỗ Thành Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) cho biết: Năm 2011, Vinashin sẽ kiện toàn tổ chức tại cơ quan mẹ - Tập đoàn và một số DN được giới hạn trên 3 lĩnh vực chính: đóng mới và sửa chữa tàu thủy, công nghiệp phụ trợ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.


Những thông tin trên đã được ông Hưng cho biết trong Lễ tổng kết năm 2010 và triển khai nhiệm vụ năm 2011 của Cục Hàng hải VN diễn ra vào sáng 25/1, tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hưng cũng nêu rõ, năm 2010 là một năm khó khăn không chỉ cho ngành đóng tàu, vận tải thế giới mà còn đối với ngành đóng tàu và vận tải VN, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới năm 2008 để lại, mặc dù nền kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi.

Năm 2010, các đơn vị trong Tập đoàn đã bàn giao được 64 tàu

Trước những khó khăn, thách thức đó, thực hiện Chỉ thị số 1749/CT-TTg ngày 16/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Kết luận số 81-KL/TƯ ngày 6/8/2010 của Bộ Chính trị về Tập đoàn CNTT VN; Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 18/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu Tập đoàn CNTT VN; được sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giao thông Vân tải… toàn Tập đoàn đang tập trung triển khai thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn CNTT VN nhằm lấy lại uy tín và thương hiệu Vinashin, khôi phục lại sản xuất, bảo đảm việc làm và chế độ chính sách cho người lao động, tiếp tục khẳng định công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hải và thực hiện chiến lược biển VN.

Thực tế, để thực hiện mục tiêu trên, Vinashin phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: nhiều hợp đồng đóng tàu xuất khẩu có nguy cơ bị hủy, chủ tàu đòi rút tiền đặt hàng, tiền ứng trước, gây áp lực về đồng tiền, tiến độ giao hàng; tình hình tài chính mất cân đối, hoạt động SXKD của hầu hết các đơn vị thành viên bị đình trệ, công tác tổ chức điều hành sản xuất bị xáo trộn, đội ngũ lao động bị giảm sút, việc làm đời sống của CBCNVC gặp khó khăn, do nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội; trong khi đó nhiều luồng dư luận trái chiều về Tập đoàn đã tác động xấu đến tư tưởng, tình cảm của hàng vạn lao động và gia đình CBCNV.

Trước tình hình đó, Tập đoàn đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm và quyết định thành lập Ban chỉ đạo Chính phủ, cùng các Bộ, ngành chỉ đạo tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn. Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn đã xác định tập trung quán triệt tư tưởng trong toàn ngành, đến từng đơn vị, từng công nhân lao động, vững tin khắc phục khó khăn, đẩy mạnh SXKD tại các nhà máy đóng tàu lớn, rút ngắn thời gian đóng tàu, tổ chức sản xuất hợp lý, hỗ trợ lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động, tập trung đẩy nhanh tiến độ đóng mới, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm phải hoàn thành bàn giao 35 tàu trong nước và xuất khẩu trong năm 2010, vì đây là những con tàu đã đầu tư chi phí lớn và trong thời gian dài, cần được bàn giao để GPMB và thu hồi vốn.

Theo đó, kết thúc năm 2010, các đơn vị trong Tập đoàn đã bàn giao được 64 tàu trong chương trình, vượt 7 tàu so với kế hoạch đề ra, với tổng giá trị hợp đồng là 577 triệu USD, trong đó có 28 tàu xuất khẩu và 36 tàu trong nước.

Trong số 28 tàu xuất khẩu đã được bàn giao, có những tàu đòi hỏi kỹ thuật cao lần đầu tiên đóng thành công tại VN như: tàu chở ô tô 4.900 xe số 1 đóng tại Hạ Long; tàu chở khí hóa lỏng Etuylen 4.500 m3 số 1 đóng tại Bạch Đằng; tàu chở hàng 56.000 tấn số 1 đóng tại Nam Triệu…

Vinashin đã trả được 2.018,5 tỷ đồng tiền nợ

Bên cạnh đó, triển khai tái cơ cấu Vinashin đợt 1 theo Quyết định 926/QĐ-TTg, Tập đoàn đã thực hiện việc chuyển giao cho Tập đoàn dầu khí VN (PVN) 3 khu công nghiệp và 4 công ty (hiện PVN đang chuyển trả Vinashin số kinh phí của các dự án, đơn vị đã chuyển giao); chuyển giao cho Tổng công ty Hàng hải VN 6 công ty, 1 cảng và 1 khu công nghiệp (đến nay các đơn vị đã hoạt động bước đầu đem lại hiệu quả).

Mặt khác, Tập đoàn đã triển khai và thực hiện nghiêm túc Đề án tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn theo Quyết định số 2108/QĐ-TTg. Về cơ cấu nợ, đến hết 31/12/2010, toàn Tập đoàn đã tập trung nguồn từ tái cơ cấu và SXKD, trả được 2.018,5 tỷ đồng (cả gốc và lãi).

Song song với việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất, Tập đoàn đã báo cáo với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn LĐVN và Bộ Giao thông Vận tải, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 87/2010/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 về việc cho DN, người lao động thuộc Tập đoàn CNTT VN và Tổng công ty Hàng hải VN vay để chi trả nợ tiền lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, tạo việc làm, học nghề. Tập đoàn đã có Chỉ thị liên tịch số 4001/CTLT-CNT ngày 28/12/2010 về việc thực hiện Quyết định số 87/2010/QĐ-Ttg đến từng đơn vị, phấn đấu giải quyết vay được trước Tết Tân Mão. Với các quyết định trên, Tập đoàn đã thu hút trở lại hàng nghìn người lao động có tay nghề; tinh thần cán bộ, công nhân viên ngày càng tốt hơn do có việc làm và thu nhập.

Có thể thấy, tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu trong quá trình tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn, nhưng trong thời gian tới, Vinashin còn có rất nhiều khó khăn phải giải quyết. Theo ông Hưng, Tập đoàn đang tiếp tục đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải có cơ chế nhượng bán tài sản phù hợp với tình hình thực tiễn trong quá trình tái cơ cấu Tập đoàn; cho phép xác định giá bán trên cơ sở không thấp hơn giá trị DN do các công ty kiểm toán độc lập đã xác định. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải tạo điều kiện và chỉ đạo Tổng công ty Hàng hải VN thanh toán cho Vinashin các khoản tiền do chuyển giao các đơn vị, các dự án theo Quyết định 926/QĐ-TTg ngày 18/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết những khó khăn trước mắt cho Vinashin.

Hy vọng, đến năm 2013, quyết tâm hoàn thành tái cơ cấu Vinashin sẽ thành hiện thực, đưa ngành kinh tế biển của nước ta phát triển.

Lan Hương