Nặng lòng với nông dân Ba Vì
Kinh tế - Ngày đăng : 07:15, 25/01/2011
Nhằm khai thác lợi thế thiên nhiên ban tặng cho Ba Vì, TS Ngô Kiều Oanh đã tiên phong trong việc xây dựng mô hình điểm về du lịch nông nghiệp. Mô hình này không chỉ giúp du khách trong nước và quốc tế hiểu thêm về văn hóa lúa nước, sản xuất nông nghiệp, mà còn được tham quan, thưởng thức những sản vật chăn nuôi và trồng trọt đặc trưng của các làng xóm xung quanh chân núi Ba Vì. Theo bà, bảo đảm lợi ích kinh tế của từng hộ nông dân là vấn đề then chốt của chính sách "tam nông". Xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp là một trong những biện pháp hiệu quả bảo đảm lợi ích kinh tế cho các hộ và thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng hiện đại. "Tôi thấy Ba Vì là vùng đất hội đủ mọi yếu tố để làm mô hình điểm về du lịch nông nghiệp, mô hình này rất phù hợp với chính sách "tam nông" của Đảng và Nhà nước" - TS Ngô Kiều Oanh nói.
Sau hơn 3 năm xây dựng, mô hình du lịch nông nghiệp do TS Ngô Kiều Oanh triển khai đã thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý du lịch, các chuyên gia cũng như du khách trong nước và quốc tế. Du lịch nông nghiệp giúp phát triển sản phẩm nông nghiệp trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần định danh và phát triển thương hiệu các sản vật của vùng đệm quanh chân núi Ba Vì như sữa, gà đồi, dê, thỏ, thảo dược, mật ong, nước khoáng nóng, rau sạch, rau rừng và hoa, củ, quả đặc sản... Bà Oanh cho biết: "Không phải tôi giúp bà con về tài chính, hay cái gì quá to tát, tôi giúp bà con nhận thức được lợi thế và tự tin về nguồn lực mà họ có". Với quan điểm này, TS Ngô Kiều Oanh đã góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy thành lập HTX thảo dược của người Dao ở xã Ba Vì. Hiện nay, có nhiều khách hàng, đối tác đầu tư tìm đến mua thuốc nam của HTX… Bà Oanh cũng là người phát hiện ra cây đa thần rùa nghìn năm tuổi ở xóm Rùa (xã Vân Hòa) và đề nghị chính quyền địa phương cùng nhân dân có biện pháp bảo vệ, giữ gìn. Mới đây, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận cây đa thần rùa là cây di sản Việt Nam. Đây cũng trở thành một điểm đến tham quan của du khách.
Là một nhà khoa học, TS Ngô Kiều Oanh luôn nhận thấy trách nhiệm đem kiến thức, kinh nghiệm của mình giúp đỡ bà con nông dân, tạo ra các mô hình hiệu quả để nhân rộng ra các hộ khác. Nhà khoa học nữ này lại đang phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả trung ương và UBND xã Thuần Mỹ xây dựng dự án rau an toàn ven sông Đà nhằm nâng cao giá trị kinh tế, thay thế các cây trồng kém hiệu quả khác.