Làm sao thoát cảnh “giật gấu vá vai”?

Đời sống - Ngày đăng : 07:07, 25/01/2011

(HNM) - Suốt gần 24 năm qua, Làng trẻ em Birla Hà Nội là mái ấm tình thương của hàng trăm trẻ bất hạnh. Các em lớn lên, hòa nhập cộng đồng trong tình yêu thương và sự chăm sóc tảo tần của những người mà các em gọi bằng "mẹ". Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, Làng đang rất cần sự chung tay giúp đỡ.

Các em ở Làng trẻ Birla say mê với máy tính do các tổ chức, cá nhân trao tặng.

Những ngày giáp Tết, trong cái rét căm căm, chúng tôi về thăm Làng trẻ em Birla Hà Nội (số 4 Doãn Kế Thiện, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) và tình cờ gặp em Thanh Điệp, một du học sinh vừa từ Singapore trở về. Điệp là trẻ mồ côi được Làng đón về nuôi dưỡng chăm sóc khi em 8 tuổi. Sau hơn 11 năm sống ở Làng cùng các mẹ, Điệp được một gia đình người Singapore nhận làm con nuôi. Hiện em đã tốt nghiệp ngành quản lý khách sạn và du lịch của Trường Đại học MDIS Singapore và đang dự định tiếp tục học thạc sĩ. Năm nào cũng vậy, trở về nước thăm quê hương và người thân là em lại vào Làng gặp gỡ các mẹ. Điệp bảo: "Nếu không có sự cưu mang của Làng, cùng sự chăm sóc của các mẹ thì em chẳng có được ngày hôm nay. Sống ở Làng em được các mẹ coi như con đẻ, chăm sóc, dạy dỗ, chỉ bảo em mọi thứ. Nơi đây thực sự là một gia đình lớn của em".

Ông Chu Đình Điệp, Giám đốc Làng trẻ em Birla Hà Nội cho hay, Làng được thành lập năm 1987, từ đó đến nay đã tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng 296 trẻ mồ côi của thành phố. Kết quả học tập của các em khá ấn tượng, tỷ lệ lên lớp đạt từ 98% đến 100%; tỷ lệ học khá, giỏi từ 50% đến 65%; tỷ lệ thi đỗ cao đẳng, đại học đạt từ 40% đến 45%; tỷ lệ con ngoan, trò giỏi đạt từ 70% đến 75%. Rất nhiều em sau khi trưởng thành, rời Làng đi lập nghiệp đã trở thành chủ cơ sở sản xuất, kỹ sư, giáo viên, giám đốc...

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Làng cũng gặp phải không ít khó khăn.

Theo quy định, mỗi trẻ mồ côi sống ở Birla sẽ được hưởng khoản tiền trợ cấp 560.000 đồng/tháng từ ngân sách của thành phố. Với mức sinh hoạt đắt đỏ như hiện nay thì đây là khoản tiền quá ít ỏi. Để bảo đảm cuộc sống cho các em, Ban Giám đốc Làng đã phải "giật gấu, vá vai", kêu gọi các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm. "Số tiền trên bao gồm cả tiền ăn, tiền điện nước, tiền học, tiền mua thuốc chữa bệnh, tiền mua quần áo, hoạt động ngoại khóa của trẻ... Nếu không có sự tài trợ của các nhà hảo tâm thì với số tiền trên, Làng sẽ không bảo đảm được cuộc sống cho các cháu", ông Điệp tâm sự.

Lo nâng chất lượng cuộc sống cho trẻ mồ côi đã đành, ông Chu Đình Điệp còn lo làm thế nào để tuyển đủ các mẹ vào làm việc. Nhiều lần, Làng đăng tin tuyển dụng nhưng mãi vẫn không thấy ai xin vào làm, có lẽ là bởi thu nhập ở đây quá thấp, lương tháng của các mẹ chỉ khoảng 1,2 triệu đồng. Như mẹ Nghiêm Thị Lan, làm việc ở Làng được 8 năm rồi mà thu nhập chưa được nổi 1,5 triệu đồng/tháng. Mẹ Nguyễn Thị Diện, thâm niên công tác hơn 11 năm nhưng thu nhập cũng chỉ được hơn 1,6 triệu đồng/tháng. Chị Lan chia sẻ: "Anh bảo, lương thì thấp, công việc lại hết sức vất vả, bình quân một mẹ chịu trách nhiệm nuôi 13-15 trẻ thì làm gì có ai muốn vào làm việc ở đây. Tôi không lập gia đình, hơn nữa vì tình cảm với các cháu nên tôi mới ở lại Làng".

Theo ông Chu Đình Điệp, trước đây Làng nhận được khá nhiều sự tài trợ từ các tập thể, cá nhân có lòng hảo tâm, cuộc sống của trẻ mồ côi luôn được bảo đảm cả về vật chất lẫn tinh thần. Vài năm trở lại đây, số nhà tài trợ ít dần thì Làng gặp phải không ít khó khăn. "Để bảo đảm cuộc sống cho các cháu, chúng tôi rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm", ông Điệp kêu gọi.

Quỳnh Anh