Có trâu để Tết theo về…
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:42, 25/01/2011
Anh Triệu Văn Sơn nhận hỗ trợ của Quỹ Trái tim nhân ái sau khi cả hai con trâu của gia đình bị chết rét. |
Về mua trâu bò khác nhé!
Chúng tôi đến với vùng cao Bắc Kạn trong cái rét cắt da, cắt thịt. Tết đã cận kề, nhưng trên gương mặt của những người dân Bắc Kạn đang hiển hiện một nỗi lo: Sau Tết, không biết lấy trâu, bò đâu để cày cấy, làm mùa. Số tiền giá trị gần bằng 50 con trâu bò được Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới cùng với Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) mang lên tận nơi tặng cũng chỉ là một phần bé nhỏ, hỗ trợ người dân nơi đây.
Không phải lần đầu tiên chúng tôi về với Bắc Kạn và cũng không phải lần đầu chúng tôi thực hiện chuyến hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do rét đậm, rét hại. Vì thế, trong mỗi thành viên đoàn công tác, ai cũng cảm nhận được cái giá rét, cảm thông với thiệt hại mà đồng bào mình đang phải oằn mình hứng chịu.
Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai… là các tỉnh mà đoàn sẽ đến, sẽ mang chút hơi ấm của người dân Thủ đô chia sẻ với đồng bào gặp thiên tai khi cái Tết đã đến gần. Bắc Kạn là tỉnh đầu tiên chúng tôi có mặt, với số tiền hỗ trợ 200 triệu đồng. Ông Phạm Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không giấu được nỗi xúc động: "Các anh là đoàn đầu tiên đến với đồng bào các dân tộc Bắc Kạn, chia sẻ khó khăn với Bắc Kạn".
Thống kê đến hết ngày 24-1, toàn tỉnh Bắc Kạn đã có gần 1.700 con trâu bò chết vì đợt giá rét dài ngày. Và con số này vẫn đang tăng lên từng ngày, từng giờ. Được biết, trong 5 năm (2006-2009), số trâu, bò hàng hóa bán ra ngoài và giết mổ trong tỉnh là 100.785 con, tương ứng với số tiền thu được khoảng 510 tỷ đồng. Đây là một phần hàng hóa góp phần không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo với một địa phương còn khó khăn như Bắc Kạn. Tỉnh đặt chỉ tiêu đến năm 2015, phát triển đàn đại gia súc với hơn 150 nghìn con (hiện toàn tỉnh có 100 nghìn con, trong đó hơn 73 nghìn con trâu và gần 27 nghìn con bò). Thế nhưng chỉ một đợt rét đậm, rét hại, toàn tỉnh đã mất hàng nghìn con trâu, bò.
Nhớ lại đợt rét cuối năm 2007 đầu năm 2008, ông Thắng cho biết thêm, đận đó, toàn tỉnh có hơn 13 nghìn con trâu bò bị chết. Đó là con số kỷ lục nhất từ trước đến nay. Năm đó, Báo Hànộimới đã đến với Bắc Kạn và năm nay, Hànộimới vẫn là đơn vị đầu tiên có mặt tại Bắc Kạn. Nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ, từ các tổ chức, đơn vị thì việc tái nghèo đối với nhiều hộ dân "không còn là nguy cơ". Với nhiều hộ dân ở Bắc Kạn, con trâu, con bò là cả một gia sản phải tích cóp nhiều năm mới có được. Chị Long Thị Thắm, ở thôn Nà Vài, xã Hà Hiệu cho biết, trâu bò chính là nguồn thu nhập chính của gia đình chị. Tính trong năm 2010, nhà chị đã bán được 9 con bò, thu được gần 50 triệu. Nếu không có nguồn thu này, chắc gia đình chị đã tái nghèo. Cũng bởi đất Bắc Kạn vốn cằn cỗi, lại không có thu nhập gì thêm ngoài ruộng nương. Hay như nhà Triệu Văn Sơn cũng có gần 2 nghìn mét đất ruộng. Việc cày bừa đều trông cả vào con trâu đã mua từ 2 năm trước. Nay nợ chưa trả xong mà trâu thì không còn. Không có trâu, năm nay chắc ruộng nương chậm mùa vụ, mà mua con trâu khác thì lấy đâu ra tiền?
Xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể được tỉnh chọn làm xã điểm để trao tượng trưng số tiền Quỹ Trái tim nhân ái chia sẻ. Hà Hiệu có các dân tộc Tày, Dao, Mông và một số người Kinh. Tục chăn thả trong rừng vẫn phổ biến, trâu bò có con chết trên đồi, có con sáng ra chết ngay trong chuồng. Anh Hầu Văn Tu, 35 tuổi, người Mông, nuôi 4 con bò, nay chết 2, khó khăn đang đặt ra cho gia đình anh với 6 miệng ăn. Tu không biết chữ, ấn tay vào hộp mực dấu của ủy ban xã rồi điểm chỉ vào danh sách nhận tiền của huyện. Cán bộ dặn đi dặn lại "Về mua trâu khác nhé, không được lấy tiền ăn tết đâu đấy, hôm sau sẽ đi kiểm tra lại mà không có trâu sẽ thu lại tiền đấy". Tu gật gật đồng ý. Anh nhân viên UBND huyện cẩn thận nhét kỹ phong bì đựng tiền vào túi áo Tu, rồi quay ra nói với chúng tôi: "Chẳng dễ tính toán đâu các anh ạ. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, nghĩ gần một tẹo, được cái Tết tươm tất thì hỏng việc sản xuất lâu dài".
Những con nghé được mua từ tiền hỗ trợ của Quỹ Trái tim nhân ái đang mang lại niềm vui cho người dân xã Hà Hiệu. |
Sẽ nhanh vượt qua nếu có thêm sự trợ giúp
Để phát triển đàn đại gia súc đạt 150 nghìn con theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn, ngành nông nghiệp Bắc Kạn đã đưa ra bốn nhóm giải pháp phát triển nhanh và bền vững. Trong những nhóm giải pháp đó, điểm nhấn là phát triển vùng trồng cỏ phục vụ chăn nuôi và đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động thay đổi tập quán chăn thả của đồng bào. Thế nhưng, tốc độ phát triển hằng năm chưa đạt một nghìn con/năm thì thiên nhiên khắc nghiệt đã cướp đi hàng nghìn con. Ông Phạm Tất Thắng cho biết, cũng may là tỉnh đã rút kinh nghiệm đợt rét năm 2007, ngay từ đầu đông, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các huyện vận động nhân dân đưa trâu bò về chuồng, gia cố chuồng trại và tích trữ thức ăn cho trâu bò. Chính vì thế, dù đợt rét năm nay đã kéo dài hơn 20 ngày nhưng số trâu bò chết chỉ bằng 1/10 của năm 2007.
Và để củng cố đàn gia súc đang "siêu vẹo” qua cơn giá rét, tỉnh Bắc Kạn đã trích hơn 6 tỷ đồng hỗ trợ thức ăn gia súc với định mức 50 nghìn đồng/con trâu hoặc bò. Song, đây chỉ là giải pháp trước mắt. Bởi hiện nay mới là đầu vụ đông, cỏ vẫn còn xanh và rơm cũng như thức ăn dự trữ vẫn còn. Nếu rét cứ kéo dài thì đến tháng 2, tháng 3, gia súc thiếu thức ăn gần như là chắc chắn. Trong đám đông xếp hàng nhận trợ cấp trước trạm xá xã Hà Hiệu, chúng tôi nhận thấy nỗi âu lo trên nhiều gương mặt. Tết đã đến gần quá, mà không muốn có Tết nữa.
Dẫn chúng tôi xuống thôn Nà Vài, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể phân trần, nhiều gia đình đã làm sàn gỗ, quây kín chuồng cho trâu bò đứng nhưng nhiều con vẫn không chịu được rét. Thậm chí, những hộ dân ở xã An Thắng đã có sáng kiến chất đống rơm ngay sát chuồng để trâu bò có thể đứng trong chuồng ăn. Rồi cũng có những gia đình đã phải may áo, đốt lửa sưởi ấm cho trâu bò nhằm chống lại cái rét dữ dội trong những ngày cuối năm này. Chính quyền địa phương cũng có những nỗ lực rất lớn trong việc phát triển và bảo vệ đàn gia súc. Và đến nay, cả tỉnh đang tập trung, dồn sức chống lại cái rét cắt da nơi vùng cao Bắc Kạn. 200 triệu (tương đương với 40 con trâu, bò) mà Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới cùng với Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị - HUD chuyển đến tận tay cho đồng bào Bắc Kạn tuy chỉ là sự trợ giúp rất nhỏ nhưng đã góp phần vào việc khôi phục sản xuất, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc Bắc Kạn trong đợt rét của năm 2011.
Chúng tôi rời Bắc Kạn trong ướt đẫm sương chiều, cái rét vùng cao như đậm hơn, đặc quánh nơi chân núi. Ở dưới thung sâu, ánh sáng le lói hắt ra từ những ngôi nhà sàn nhưng không thể xua đi cái lạnh vẫn đang sầm sập dội xuống. Có lẽ còn phải rất lâu nữa, Bắc Kạn mới có thể khôi phục được đàn đại gia súc để đạt mục tiêu 150 nghìn con dưới cái rét có lúc xuống đến dưới 5 độ C của vùng núi Tây Bắc này. Mà nghe dự báo thời tiết, rét còn kéo dài đến Tết...