Rượu giả - hậu quả khôn lường

Xã hội - Ngày đăng : 07:55, 24/01/2011

(HNM) - Tết là dịp các loại rượu được tiêu thụ nhiều nhất trong năm, nhất là rượu

Rượu kém chất lượng dễ lẫn với rượu thật gây hậu quả khôn lường. Ảnh: Thái Hiền


Khó kiểm soát chất lượng
Theo báo cáo của Sở Y tế một số tỉnh, thành phố, thời gian qua, đa số ca ngộ độc rượu đều do uống phải rượu không bảo đảm chất lượng. Thường thì các loại rượu này do người sản xuất, người bán tự pha chế bằng công thức rất đơn giản là lấy rượu truyền thống pha thêm methanol, cồn để tăng nồng độ. Có những loại rượu được nấu từ xơ thực vật, bã khoai sắn, mật, đường có hàm lượng methanol cao, thậm chí vượt nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Kết quả  xét nghiệm rượu trong máu bệnh nhân cũng như mẫu rượu bệnh nhân đã uống của Trung tâm Chống độc cho thấy, 50% mẫu rượu có chứa methanol, cồn công nghiệp và nhiều mẫu chứa methanol với nồng độ có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện cả nước có hơn 20.000 cơ sở sản xuất rượu nhưng chỉ có khoảng 10% trong số này công bố tiêu chuẩn chất lượng. Một cán bộ của Cục ATVSTP cho biết, rượu được sản xuất thủ công ngày càng nhiều và rất dễ mua trên thị trường nhưng khó kiểm soát chất lượng do lực lượng thanh, kiểm tra mỏng. Vì lợi nhuận, người sản xuất sẵn sàng bỏ qua các quy định, tiêu chuẩn bảo đảm ATVSTP. Đáng nói hơn, với những loại rượu "thuốc", do không hiểu biết nên nhiều người ngâm cả các vị thuốc đông y, con vật, côn trùng… Ngâm cùng nhiều loại "công" nhau về tác dụng, hoặc không tuân thủ quy trình ngâm nên bổ thì ít mà hại thì nhiều. Đó là chưa kể tới chất lượng của các vị thuốc, các loại cây, côn trùng được ngâm cùng với rượu chưa được kiểm soát chặt. Ví như nấm linh chi (đường kính khoảng hơn 20cm) vẫn được coi là thần dược, nhưng tại xã Ninh Hiệp (Gia Lâm), loại này chỉ có giá 130.000đ/kg (nhập khẩu lậu từ Trung Quốc) và được phơi khô ở ngay vỉa hè, rất bẩn. Nhiều người cho rằng rượu thuốc chắc chắn là bổ, nên uống vô tội vạ để rồi bị ngộ độc.

Dễ gây hậu họa
Khi bị ngộ độc nhẹ, người bệnh dễ bị rối loạn hành vi. Ngộ độ nặng hơn sẽ gây ức chế trung tâm hô hấp và ngừng thở. Có những trường hợp ngộ độc rượu, dù được cứu sống nhưng để lại các di chứng nặng nề như suy gan, tổn thương thần kinh suốt đời. Việc uống nhiều rượu kém chất lượng là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ bệnh nhân tâm thần (chiếm 7%); 11,8% bệnh nhân bị viêm, chảy máu dạ dày và 6% bệnh nhân bị viêm gan, xơ gan, dễ dẫn đến ung thư gan. Các chuyên gia chuyên ngành chống độc cho biết, chỉ nhìn bằng mắt thường hoặc ngửi thì khó phân biệt được rượu bảo đảm chất lượng với rượu có pha cồn, methanol. Khi uống phải rượu pha cồn, methanol, người uống cũng có biểu hiện giống say rượu bình thường (nôn, chóng mặt, nhức đầu…) nhưng sau đó có thể dẫn đến suy thận, nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời thì có thể gây tử vong.

Để đối phó với tình trạng ngộ độc rượu, một số người đã dùng các loại thuốc được quảng cáo là có tác dụng giải rượu, hay thuốc giảm đau như paracetamon, aspirin. Tuy nhiên, như TS. Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần khẳng định, các thuốc giải rượu chỉ là thuốc hỗ trợ, có tác dụng kháng chất cồn, giúp người uống rượu giảm bớt tình trạng nhức đầu chứ chưa có nghiên cứu chính thức nào về hiệu quả của các loại thuốc giải rượu. Do đó, người uống rượu không nên tự ý sử dụng thuốc, bởi khi rượu vào cơ thể đã gây hại cho gan, lại thêm thuốc "lạ" sẽ khiến gan phải hoạt động nhiều. Trong trường hợp vượt quá khả năng khử độc của gan, chất độc tích lại, gây hoại tử tế bào gan, dẫn đến suy gan cấp. Thêm nữa, với những loại thuốc giảm đau, hạ sốt, khi uống vào cơ thể có sẵn rượu sẽ gây kích ứng niêm mạc dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa...

Uống rượu, đặc biệt là rượu vang hay rượu thuốc ở một chừng mực nhất định cũng có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu dùng nhiều hoặc uống phải các loại rượu giả, rượu tự pha chế không bảo đảm ATVSTP thì hậu quả rất khó lường.

Đức Trung