Phải bỏ tâm lý trông chờ
Đời sống - Ngày đăng : 07:23, 24/01/2011
Sau hơn hai năm triển khai, khu vực nông thôn đã có chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và hơn hết đã được người dân hưởng ứng nhiệt tình bằng những nghĩa cử cao đẹp như hiến đất làm đường giao thông, trường học; tổ chức các phong trào thi đua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nghề mới…
Chung sức, chung lòng
Cải tạo đê sông Hồng thuộc địa phận thị xã Sơn Tây. Ảnh: Bá Hoạt
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng cho biết, đến nay 63 tỉnh, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo xây dựng NTM cấp tỉnh, trong đó 34 tỉnh, thành phố thành lập xong ban chỉ đạo xây dựng NTM ở cấp huyện; 20 tỉnh, thành phố thành lập các ban quản lý cấp xã; 60 tỉnh, thành phố đã chọn xã điểm chỉ đạo xây dựng NTM trước khi nhân rộng ra 766 xã/199 huyện. Có thể nói, công cuộc xây dựng NTM đang diễn ra trong không khí hồ hởi, phấn khởi, gần như tất cả các tỉnh, thành phố đã lựa chọn cho mình từ 4 đến 10 xã làm điểm. Đáng chú ý, tỉnh Lào Cai có tới 31% tổng số xã thực hiện thí điểm, tỉnh Đồng Tháp có 25%, Hà Giang 23%, Phú Yên 22%, Bắc Giang 19%... Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, nhiều địa phương cũng gặp một số khó khăn về công tác quy hoạch NTM theo kiểu sản xuất hàng hóa tập trung dựa trên cơ sở hạ tầng hiện đại. Về nguồn lực xây dựng NTM, người dân băn khoăn là ngoài kinh phí Nhà nước hỗ trợ, nông dân không có điều kiện để đóng góp nên còn nhiều khó khăn.
Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng NTM. Thành phố đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhiều dự án đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, nâng cao năng suất lao động đã tăng thu nhập cho nông dân. TP còn quan tâm cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi, trạm bơm, cứng hóa mặt đê, nạo vét kênh mương, hồ chứa nước, xây kè chống sạt lở của các sông trên địa bàn. Hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông nông thôn, điện, nước sạch đang từng bước được đầu tư. TP đã chỉ đạo đưa chỉ tiêu xây dựng NTM vào nghị quyết đại hội đảng cấp huyện, cấp xã. Hà Nội cũng là địa phương duy nhất trên cả nước xây dựng một chương, mục riêng trong Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV về vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó phấn đấu đến năm 2015 có trên 40% số xã đạt chuẩn NTM theo tiêu chí quốc gia.
Người dân là chủ thể
Trong dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chỉ rõ, số xã đạt tiêu chuẩn NTM đến năm 2015 là 20% và đến năm 2020 là 50%. Theo đó, sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát huy ưu thế của nền nông nghiệp nhiệt đới gắn với giải quyết tốt các vấn đề nông dân, nông thôn. Khuyến khích tập trung ruộng đất, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, mở rộng xuất khẩu. Xây dựng NTM theo hướng văn minh, giàu đẹp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Nghị quyết 26-NQ/TƯ của trung ương về xây dựng NTM có 5 nội dung cơ bản, gồm xây dựng nông thôn có làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại; xây dựng nền sản xuất bền vững theo hướng hàng hóa; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao; bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát triển; xã hội nông thôn được quản lý tốt và dân chủ.
Ông Lê Huy Ngọ, thành viên Ban chỉ đạo trung ương Chương trình NTM cho rằng, thông qua chương trình NTM, nông thôn được quy hoạch để thay đổi nhận thức của người dân, hài hòa lợi ích từng gia đình với cộng đồng, bảo đảm vệ sinh môi trường. Vì vậy, vấn đề mấu chốt trong xây dựng NTM là quy hoạch toàn diện được lấy làm căn bản, lâu dài để bảo đảm cho sự phát triển nông thôn cả về sản xuất hàng hóa lẫn đời sống văn hóa, vật chất. Ở một khía cạnh khác, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, xây dựng NTM cần khắc phục tâm lý trông chờ quá nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước và tập trung vào phát triển sản xuất, quản lý công trình sau xây dựng; chú trọng xây dựng các công trình ở thôn, ấp, bản và các hộ gia đình. Trong quá trình Đại hội Đảng các cấp, các địa phương đã đưa ra mục tiêu phấn đấu xây dựng NTM cho nhiệm kỳ 2011-2015 thực hiện theo phương châm "Người dân làm là chính, Đảng lãnh đạo, Nhà nước chỉ đạo, hỗ trợ, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc".
Hà Nội: Đầu tư 32 nghìn tỷ đồng xây dựng NTM HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 03/2010/NQ-HĐND ngày 21-4-2010 về Đề án xây dựng NTM thành phố Hà Nội giai đoạn 2010-2020, định hướng đến năm 2030 với tổng vốn đầu tư là 32.000 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách và có nguồn gốc ngân sách 17.805 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp 1.440 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp 5.711 tỷ đồng; các nguồn vốn khác: 7.044 tỷ đồng. |