Du lịch lễ hội: “Mỏ vàng” bị bỏ hoang

Du lịch - Ngày đăng : 07:20, 24/01/2011

(HNM)- Mỗi độ xuân về, trên đất nước ta lại diễn ra hàng nghìn lễ hội khác nhau. Nếu như nhiều nước trong khu vực và thế giới đã rất thành công khi đưa lễ hội vào phát triển du lịch thì Việt Nam dù có cả “mỏ vàng” nhưng lại chưa biết cách khai thác hiệu quả.


Tiếp thị chưa chuyên nghiệp


Làm tốt công tác quảng bá lễ hội ở Việt Nam là cách thu hút khách du lịch. Ảnh: Tiến Sính


Không chỉ hấp dẫn du khách bằng cảnh sắc thiên nhiên, những điểm khám phá kỳ thú hay món ăn ngon, nhiều nước trên thế giới còn “hút” khách nhờ vào việc tổ chức các lễ hội đặc sắc và chuyên nghiệp. Thậm chí, có những lễ hội đã được quốc tế hóa, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch và đưa hình ảnh quốc gia đó đi khắp nơi, như: lễ hội té nước trong dịp lễ Tết cổ truyền Songkran (Thái Lan) hay Chol Chnam Thmay (Campuchia); lễ hội hoa anh đào (Nhật Bản); lễ hội Bia (Oktoberfest) của người Đức... Tuy sở hữu hàng nghìn lễ hội trải dài khắp Bắc - Trung - Nam nhưng Việt Nam chưa xây dựng được sản phẩm du lịch lễ hội nào gây tiếng vang đối với du khách quốc tế.

Lý giải về vấn đề này, ng Phùng Quang Thắng, Giám đốc kinh doanh của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) cho rằng, du lịch lễ hội khám phá những nét đẹp văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của nước sở tại đang là một xu hướng có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách quốc tế. Với một kho tàng lễ hội phong phú, Việt Nam có thừa tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này. Bài học kinh nghiệm từ các nước cho thấy, muốn đưa lễ hội trở thành một sản phẩm du lịch vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, từ công tác tổ chức đến cách thức quảng bá phải thật bài bản và chuyên nghiệp. Thế nhưng, cả hai điều kiện cần và đủ trên, chúng ta đều chưa làm được.

Đưa ra không ít các sản phẩm du lịch, như: văn hóa, nghỉ dưỡng, biển, mạo hiểm… để giới thiệu tới du khách nước ngoài nhưng hiếm có đơn vị lữ hành nào mạnh dạn xây dựng tour du lịch lễ hội chuyên đề để chào bán. Có chăng, chỉ khi nào khách đăng ký thì họ mới tổ chức tour khám phá, tìm hiểu các nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán thông qua một số lễ hội đặc trưng tại các vùng, miền. Mặt khác, tại một số địa phương có năm lễ hội diễn ra hoành tráng nhưng do thiếu kinh phí nên có thể năm sau lễ hội lại bị gián đoạn. Điều đó khiến cho việc xây dựng sản phẩm tour du lịch văn hóa truyền thống, văn hóa tâm linh này gặp khó khăn. “Đến ngay cả cách thức quảng bá lễ hội Việt ra thế giới vẫn triển khai theo kiểu đơn điệu và nghèo nàn, thậm chí còn dùng cả tiếng Việt. Chính vì vậy, chúng ta mới tiếp thị được cái mình có chứ chưa đem đến điều du khách cần”, ông Phùng Quang Thắng nhấn mạnh. Từng đưa nhiều đoàn khách tham gia hành trình tìm hiểu văn hóa truyền thống trên mọi miền đất nước, anh Trần Hưng, hướng dẫn viên của Trung tâm Lữ hành Hanoi Redtour nhận xét, đặc trưng của lễ hội dân gian Việt Nam là mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, gắn bó với những tập quán, nghi lễ, văn hóa ứng xử, văn hóa ẩm thực... từng làng xã, địa danh, vùng đất. Anh cho biết, nhiều du khách nước ngoài khi đến đây, tận mắt chứng kiến cảnh những đoàn rước, tế lễ, những trò chơi dân gian như: vật dân tộc, ném còn, đẩy gậy, chọi gà…, họ đã thực sự bị lôi cuốn. Thế nhưng, có một thực tế buồn, đó là chúng ta thừa lễ hội đặc sắc nhưng lại đang thiếu một chiến dịch quảng bá chuyên nghiệp. Có thể nói, không thể tìm thấy một chương trình quảng bá mang tính chuyên nghiệp nào về lễ hội của người Việt trên “sàn” du lịch quốc tế. Như vậy lễ hội nước ta làm sao có đủ sức cạnh tranh được với cách thức tiếp thị sản phẩm du lịch rầm rộ, sâu rộng và chuyên nghiệp của các nước trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Singapore…

Tạo dựng những sản phẩm hoàn chỉnh

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành “công nghiệp không khói”, không chỉ lưu truyền tài sản văn hóa truyền thống vô giá của dân tộc đến thế hệ trẻ, nhiều địa phương cũng đã tổ chức lễ hội với mục đích thu hút khách du lịch để phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân. Tuy nhiên, do công tác tổ chức yếu kém đã khiến không ít lễ hội rơi vào cảnh “khách một, chủ nhà mười”.

Ông Phùng Quang Thắng dẫn chứng, những năm trước, lễ hội chùa Hương thu hút rất đông du khách nước ngoài. Họ đến đây, vừa cầu mong những điều may mắn, hạnh phúc, vừa thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên nhiên để tìm thấy những giây phút thanh thản trong tâm hồn. Thời gian gần đây, lễ hội dài nhất trong năm của nước ta đã không còn sức hấp dẫn với khách du lịch quốc tế. Nguyên nhân là do không gian tổ chức lễ hội có giới hạn nhưng lượng du khách tham gia quá lớn dẫn đến tình trạng quá tải, lộn xộn, ùn tắc giao thông, môi trường ô nhiễm, các hộ kinh doanh nâng giá dịch vụ…

Không chỉ vậy, nhiều lễ hội dân gian còn lạm dụng tín ngưỡng, nảy sinh tình trạng “buôn thần, bán thánh”, thậm chí có hiện tượng pha tạp, vay mượn hoặc cải biên làm biến dạng nghi lễ truyền thống khiến du khách “một đi không trở lại”.

Bên cạnh du khách nước ngoài, một nguồn khách cực lớn của ngành du lịch nước ta, đó là Việt kiều về quê ăn Tết mỗi năm ngày càng tăng. Chưa kể, hàng trăm ngàn người nước ngoài hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cũng rất quan tâm, mong muốn có được những trải nghiệm thú vị tại các lễ hội của nước bản địa nhưng dường như nguồn khách này đang bị “bỏ quên” mỗi dịp Tết. Thậm chí, một bộ phận không nhỏ người Việt đã mang tiền “ủng hộ” cho ngành du lịch nước khác bằng cách ra nước ngoài khám phá lễ hội đặc sắc của các quốc gia trên thế giới. Vậy làm thế nào để kéo lượng khách tiềm năng này về với những lễ hội Việt?

Theo ông Phùng Quang Thắng, chúng ta không nên đầu tư dàn trải mà phải chọn lọc một số lễ hội đặc sắc, ấn tượng để từ đó xây dựng thành sản phẩm “đinh” và đưa ra chiến lược quảng bá phù hợp. Từ việc tổ chức lễ hội thành công, thu hút nhiều du khách sẽ tạo nguồn thu cho địa phương. Việc lấy lễ hội “nuôi” lễ hội sẽ giúp các địa phương có nguồn kinh phí ổn định để tiếp tục duy trì và phát triển lễ hội ngày một tốt hơn.

Như vậy có thể thấy, chúng ta có đầy đủ điều kiện để khai thác “mỏ vàng” từ du lịch lễ hội. Vấn đề còn lại là tạo dựng được những sản phẩm hoàn chỉnh, cụ thể để chào hàng đến du khách, đồng thời xây dựng một kế hoạch quảng bá chuyên nghiệp trên thị trường quốc tế cùng với sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, các doanh nghiệp có liên quan để tạo ra một tour lễ hội đặc sắc.

Hiện nước ta có hơn 8.000 lễ hội từ quy mô làng, xã đến quốc gia. Chỉ riêng trong thời điểm cuối tháng 1, đầu tháng 2 (dương lịch) hằng năm, thời gian chính của mùa du lịch quốc tế và gắn liền với Tết Nguyên đán cổ truyền là hàng loạt các lễ hội đậm chất văn hóa Việt như: Hội chợ Viềng (Nam Định), chợ âm dương và Hội Lim (Bắc Ninh), Hội vật Liễu Đôi (Hà Nam), Lễ hội Cổ Loa (Hà Nội), Lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình), Hội xuân Yên Tử (Quảng Ninh), Hội đầm Ô Loan (Phú Yên)...

Thu Trang