“Khoảng tối” ngay chân “cột đèn”
Đời sống - Ngày đăng : 06:57, 24/01/2011
Tạo điều kiện dạy nghề cho con em các hộ nghèo để bảo đảm cuộc sống. Ảnh: Thái Hiền
Trong giai đoạn 2006-2010, Chính phủ thực hiện hàng loạt chính sách cải cách nhằm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, giúp những hộ gia đình nghèo thoát nghèo. Trong 2 năm đầu (2006-2007) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm là 3,6%. Nhưng đến cuối năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước chỉ giảm 1,8% so với cuối năm 2007. Tỷ lệ nghèo giảm chậm, thậm chí là tăng lên tại một số nơi, chủ yếu là do lạm phát, thiên tai và tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Người nghèo ở khu vực đô thị càng chịu ảnh hưởng nhiều bởi việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, trong khi giá lương thực, thực phẩm và hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu khác không ngừng tăng cao.
Chuẩn nghèo của Chính phủ áp dụng cho giai đoạn 2006-2010 là thu nhập bình quân dưới 200 nghìn đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và dưới 260 nghìn đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt chuẩn nghèo mới cho giai đoạn 2011-2015, trong đó tiêu chí về thu nhập bình quân của chuẩn nghèo mới cao gấp đôi so với chuẩn nghèo cũ. Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã quy định đưa toàn bộ hộ nhập cư từ 6 tháng trở lên, không phân biệt tình trạng hộ khẩu và tình trạng cư trú vào diện rà soát nghèo. Với cách tính và quy định mới như vậy, chắc chắn số lượng người nghèo sẽ tăng.
Tuy nhiên, 2 tổ chức Oxfam và Action Aids cho rằng cách tính số người nghèo theo khía cạnh kinh tế này mới là đơn chiều. Cách tính đa chiều, dựa trên một loạt tiêu chí như tình trạng việc làm bấp bênh, mức chi tiêu sinh hoạt, hạn chế tiếp cận các dịch vụ công như điện, nước, y tế, giáo dục, bảo hiểm; môi trường sống kém tiện nghi và thiếu an toàn... mới cho một cái nhìn toàn diện và chính xác hơn.
Thêm nghèo vì không có hộ khẩu
Người nghèo đô thị gồm hai đối tượng chính, người nghèo "bản xứ", tức những người có hộ khẩu thường trú tại thành phố và người nghèo nhập cư. Người nghèo thành phố thường là người kém về học vấn và tay nghề nên chất lượng lao động thấp, đa số làm trong khu vực phi chính thức, thu nhập không ổn định. Người nghèo nhập cư gồm công nhân và lao động tự do. Nhóm cư dân này dựa vào sức lao động để kiếm sống nhưng do thiếu kỹ năng, không được đào tạo và đặc biệt là làm những công việc không thường xuyên nên được trả công thấp. Chi phí thuê nhà trọ, điện nước cao ở thành phố cộng với việc phải dành tiền để gửi về nhà khiến người nhập cư chỉ còn ngân quỹ chi tiêu rất hạn hẹp cho lương thực, thực phẩm và các khoản thiết yếu khác.
Do hộ khẩu vẫn đang là căn cứ chủ yếu để đăng ký các dịch vụ xã hội và an sinh nên người nhập cư nghèo đô thị đang bị đẩy khỏi các dịch vụ này. Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện Tổ chức Action Aids tại Việt Nam cho biết, các dịch vụ giáo dục, y tế, vay vốn tại các thành phố đều ưu tiên cho những người có hộ khẩu thường trú nên con em người nhập cư khó xin học tại các trường chính quy. Không có hộ khẩu thường trú, không được xét vào diện hộ nghèo, con cái họ không được miễn giảm học phí và cũng không được hỗ trợ tiền mua thẻ bảo hiểm y tế. Hiện tại, rất ít người nghèo được tiếp cận các chính sách hỗ trợ học nghề. Tiếp cận tín dụng vẫn là điều khó khăn của nhiều người nghèo, nhất là người nhập cư.
Oxfam kiến nghị một số giải pháp hướng tới giảm nghèo đô thị bền vững như có chính sách miễn giảm học phí áp dụng đối với người nghèo di cư; tạo điều kiện cho con em hộ nghèo sau khi tốt nghiệp các cấp học phổ thông được đào tạo chuyên môn, có bằng cấp nghề nghiệp nhất định để bảo đảm cuộc sống. Chính sách dài hạn về nhà ở, nhằm tạo điều kiện cho người nghèo có được chỗ ở ổn định với tiện nghi cơ bản, cần được nghiên cứu, tính toán sao cho nhiều người nghèo được thụ hưởng hơn và khả thi hơn. Một kiến nghị rất đáng quan tâm là quy trách nhiệm chăm lo chỗ ở cho người lao động đối với doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động. Đồng thời, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất phải có khu nhà ở cho công nhân, tránh tình trạng hình thành các khu ổ chuột mới xung quanh nơi tập trung nhiều lao động nhập cư như hiện nay.
Dẫu việc nhập hộ khẩu tại các thành phố lớn đã cởi mở hơn rất nhiều nhưng hiện hộ khẩu vẫn còn là rào cản đối với dân di cư trong việc tiếp cận các dịch vụ công như giáo dục, y tế, các dịch vụ nhà ở (điện, nước…). . Chính vì vậy, việc hạn chế sử dụng hộ khẩu trong việc tiếp cận các dịch vụ công sẽ tạo điều kiện cho mọi người dân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn thành phố được hưởng chế độ an sinh xã hội. Và khi ấy, người nghèo đô thị sẽ bớt nghèo hơn.