Shinkansen - niềm tự hào của Nhật Bản
Thế giới - Ngày đăng : 07:28, 23/01/2011
Shinkansen theo tiếng Nhật có nghĩa là "đường huyết mạch mới". Tàu Shinkansen đầu tiên của Nhật đi vào hoạt động từ ngày 1-10-1964, đúng 10 ngày trước khi khai mạc Thế vận hội Olimpic mùa hè Tokyo, với 60 chuyến mỗi ngày, mỗi tàu có 12 toa, với tổng chi phí xây dựng là 1 tỷ USD, gấp đôi dự toán ban đầu. Shinkansen được người dân Nhật Bản nhiệt liệt chào đón vì có tốc độ cao, tiết kiệm thời gian, tiện nghi và hoạt động đúng giờ. Nhờ có tàu Shinkansen, người dân Nhật Bản chỉ mất 2 giờ 30 phút để đi lại giữa Tokyo và Osaka, so với khoảng thời gian 6 giờ 30 phút trước đó.
Tàu cao tốc Shinkansen không chỉ được coi là "cứu tinh" của ngành đường sắt Nhật Bản đang xuống dốc khi đó, mà còn là động lực thúc đẩy nhiều nước khác xây dựng mới hoặc hiện đại hóa hệ thống đường sắt của họ. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, tàu Shinkansen chưa xảy ra một tai nạn nào gây thương vong. Trong sự cố trật bánh duy nhất do động đất xảy ra ngày 23-10-2004, toàn bộ 154 hành khách trên tàu vẫn an toàn. Sự an toàn kỷ lục này là do Shinkansen có một hệ thống đường riêng, hoàn toàn tách biệt khỏi các tuyến đường sắt truyền thống, không có điểm giao cắt và được trang bị hệ thống cảnh báo thảm họa.
Song, tàu Shinkansen đầy kiêu hãnh của ngành giao thông Nhật Bản đã gặp sự cố hôm 17-1 vừa qua khi toàn bộ 5 tuyến đường sắt cao tốc gồm Tohoku, Jouetsu, Nagano, Yamagata và Akita phải ngừng hoạt động do hệ thống vận hành bị trục trặc. Các màn hình máy tính tại trung tâm điều hành tàu cao tốc ở Tokyo đã không hiển thị dữ liệu. Sự cố đáng tiếc này đã khiến giao thông trì hoãn trong 75 phút, ảnh hưởng tới việc đi lại của hơn 80.000 hành khách.
Thông tin ban đầu cho thấy, trục trặc đã xảy ra với hệ thống vận hành, giám sát bằng máy vi tính có tên gọi Cosmos. Sự cố hi hữu này đã khiến du khách đi tàu bị một phen "thót tim" và nhiều người đã tự nhủ rằng, hiện đại như tàu cao tốc Shinkansen chưa hẳn đã an toàn tuyệt đối.