Bắt đầu từ cơ sở
Chính trị - Ngày đăng : 07:15, 23/01/2011
Khó khăn nhiều hơn thuận lợi
Đây là đợt khảo sát thứ hai từ khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, thiết thực chuẩn bị cho các hoạt động của Năm thanh niên 2011. Qua gần 2 tháng khảo sát, tình hình chung của các cơ sở đoàn cho thấy khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Đội ngũ cán bộ chi đoàn yếu cả về trình độ, kỹ năng, phương pháp tập hợp, đoàn kết thanh niên, dẫn đến sinh hoạt chi đoàn khô cứng, nhiều cơ sở vài tháng không sinh hoạt được vì thiếu quân số. Trong các nguyên nhân, có lý do đoàn viên thường đi làm ăn xa; cán bộ đoàn chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ. Công tác bố trí, luân chuyển cán bộ ở một số đơn vị chưa tốt. Đặc biệt, tình trạng kinh phí "cào bằng" giống các đoàn thể khác, nên không đáp ứng hoạt động bề nổi của công tác đoàn, hội.
Thanh niên quận Hoàng Mai tham gia thu dọn vệ sinh, nạo vét, khơi thông dòng chảy sông Kim Ngưu. Ảnh: Nhật Nam |
Anh Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Thành đoàn Hà Nội cho rằng, một số cán bộ đoàn quá tuổi, đã rõ sức ỳ nhưng chưa được bố trí công việc phù hợp và điều đó cũng làm hạn chế hoạt động của đoàn. Theo khảo sát, toàn thành phố vẫn còn 11,5% cán bộ đoàn quá tuổi 35. Điển hình là huyện Mê Linh, có tới 10 xã cán bộ đoàn hơn 40 tuổi; con số này ở huyện Thường Tín là 3 xã; huyện Quốc Oai có 4 bí thư đoàn đều hơn 40 tuổi. Không ít địa phương, tiếng nói của tổ chức đoàn chưa có "trọng lượng" trong hệ thống chính trị cơ sở.
Đất nông nghiệp bị thu hẹp, vấn đề việc làm cho thanh niên rất khó khăn, đặc biệt là vốn vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ được dưới 20 triệu đồng/hộ. Bí thư Chi đoàn thôn Ngọc Phúc, xã Ngọc Liệp (Quốc Oai) chia sẻ: "Mỗi tháng tôi được phụ cấp 100 nghìn đồng, dùng điện thoại cũng không đủ, nên nhiều khi phải bỏ tiền túi để phục vụ cho công việc". Thiếu kinh phí hoạt động, không thể tổ chức phong trào "hoành tráng", khó thu hút được thanh niên là những điều dễ thấy ở hai xã Ngọc Liệp, Liệp Tuyết (Quốc Oai) và cũng là tình hình chung ở các huyện ngoại thành Hà Nội.
Tạo chuyển biến từ cấp chi đoàn
Thành đoàn Hà Nội đã xây dựng các đề án tăng cường năng lực hoạt động của tổ chức đoàn cơ sở. Đối với chi đoàn nông thôn là mở rộng hình thức kết nghĩa với các chi đoàn xã bạn, các chi đoàn khối trường học nhằm chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau cả về phương thức hoạt động và kêu gọi nguồn xã hội hóa để thúc đẩy công tác đoàn và phong trào thanh - thiếu niên cơ sở. Đối với các chi đoàn khu vực đô thị là thúc đẩy phong trào "Chi đoàn đô thị 5 tốt" (sinh hoạt tốt, cán bộ tốt, kỹ năng tốt, phong trào tốt và phối hợp tốt). Thành đoàn sẽ tăng số lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ chi đoàn; tổ chức các hoạt động hướng về cơ sở như liên hoan thanh niên tiên tiến khu vực nông thôn, đô thị; biểu dương gương người tốt, việc tốt, qua đó tạo động lực thi đua giữa các cơ sở.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm, Thành đoàn Hà Nội đề nghị với UBND TP Hà Nội tạo điều kiện cho đoàn nguồn vốn 50 tỷ đồng để cho thanh niên vay phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội và Trung tâm Hỗ trợ thanh niên Hà Nội phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các ngày hội tư vấn, tuyển dụng lao động tại các huyện ngoại thành Hà Nội.
Trưởng ban Tổ chức Thành đoàn Hà Nội Lê Quang Đại cho biết: Thành đoàn Hà Nội đã nhận được 1.000 phiếu thăm dò ý kiến của bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn về kinh phí hoạt động của đoàn. Đa số đều đồng ý với mức kinh phí 40 đến 50 triệu đồng/năm/cơ sở đoàn. Đây sẽ là cơ sở để Thành đoàn Hà Nội đề nghị với HĐND, UBND TP xem xét, phân bổ ngân sách cho công tác đoàn...
Đợt khảo sát tình hình công tác đoàn và phong trào thanh -thiếu niên ở 577 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đã có nhiều tác động tích cực. Rõ nét nhất là không ít cấp ủy, chính quyền địa phương đã không chỉ chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm, mà còn tăng kinh phí hoạt động cho đoàn, đội, hội. Tại một số huyện ngoại thành Hà Nội, kinh phí hoạt động cho tổ chức đoàn thanh niên năm 2011 đã tăng từ 24 triệu lên 40-50 triệu đồng/tháng, tiêu biểu là các huyện Thường Tín, Mê Linh, Thanh Oai…