Tinh hoa tạc tượng Sơn Đồng
Đời sống - Ngày đăng : 06:52, 23/01/2011
Nức tiếng gần xa
Chúng tôi tìm về Sơn Đồng vào một ngày đông rét buốt. Vừa tới đầu làng đã nghe âm thanh đục khắc "Cắc! Cắc! Cắc…Cụp! Cụp" dứt khoát, nhịp nhàng phát ra từ những xưởng sản xuất. Xưởng nào cũng tấp nập, người xẻ gỗ, người đẽo, đục, đánh bóng, phủ sơn cho sản phẩm.
Những bàn tay tài hoa và các sản phẩm tinh xảo ở Sơn Đồng. |
Nằm ở ngay ngã tư Sơn Đồng, xưởng sản xuất của gia đình nghệ nhân, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề xã Nguyễn Viết Thạnh lúc nào cũng có hàng chục lao động miệt mài sản xuất. Anh Thạnh cho hay, nghề sơn tạc tượng đã có ở đây hàng trăm năm nay. Những năm sau chiến tranh, làng nghề gặp khó khăn, không phát huy được, thậm chí còn bị lãng quên khiến những nghệ nhân, thợ giỏi có tâm huyết trong làng băn khoăn, lo lắng. Đến năm 1983, nghệ nhân Nguyễn Đức Dậu đứng ra tổ chức lớp truyền nghề, cốt để giữ nghề cho con cháu. 34 học viên ngày đó trở thành nòng cốt truyền tâm huyết đến lớp trẻ.
Người thợ Sơn Đồng quanh năm suốt tháng miệt mài tạo tác những tác phẩm nghệ thuật. Tượng phật, những bức hoành phi, cuốn thư, câu đối, ban thờ... đã đưa Sơn Đồng trở thành trung tâm tượng phật và đồ thờ được cả nước biết tới. Theo tính toán, hằng năm, làng nghề Sơn Đồng cung cấp cho thị trường trong nước 70% sản phẩm tượng phật. Không giống những làng nghề khác còn lại những người già cố giữ nghề Tổ, Sơn Đồng quy tụ được lớp trẻ kế thừa với tay nghề ngày càng tinh xảo. Nhiều em mới 12-15 tuổi đã thạo nghề truyền thống.
Để đục, đẽo một khối gỗ thành hình pho tượng là một quá trình sáng tạo đầy sức hấp dẫn. Tuy trong kỹ năng chế tác có những nét chung, nhưng mỗi nghệ nhân đều có bí quyết riêng khiến mỗi sản phẩm ẩn chứa sắc thái độc đáo. Cùng với kỹ thuật chạm khắc điêu luyện, công đoạn sơn son thếp vàng cũng rất kỳ công. Mỗi sản phẩm phải sơn đi sơn lại năm, bảy lần, khi nước sơn lên bóng thì mới dát vàng, dát bạc... Người Sơn Đồng tự hào rằng với tài hoa khéo léo, làng đã có 7 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Nhiều nghệ nhân, thợ giỏi của làng đã tham gia trùng tu, phục dựng nhiều công trình kiến trúc cổ như chùa Một Cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Trăm Gian (Hà Nội) và di tích cố đô Huế…
Tất bật trong niềm vui
Năm nào cũng vậy, cứ vào tháng giáp Tết là làng nghề Sơn Đồng lại tất bật hoàn thành đơn hàng cho khách. Nhiều chuyến xe từ miền Nam, niềm Trung xa xôi tấp nập về đây lấy hàng để kịp về đón xuân. Nghệ nhân Nguyễn Viết Thắng cho hay, xã hội càng phát triển, nhiều ngôi nhà được xây mới thì càng có nhiều người sắm đồ thờ, tủ thờ… Với 10 thợ thủ công, xưởng sản xuất của gia đình anh Nguyễn Viết Thắng làm quanh năm không khi nào hết việc. Theo nghề từ năm 11 tuổi, hơn 30 năm qua, anh Thắng tự hào đã tạc được hàng trăm pho tượng giá trị cho chùa Quán Sứ, Liên Phái, Trấn Quốc, Hương Ký, chùa Hương, chùa Trăm Gian… vừa tạo thu nhập cho gia đình, vừa tạo việc làm cho nhiều người xung quanh.
Khó có thể tả niềm vui của hàng trăm lao động từ khắp nơi đổ về đây làm nghề. Anh Khuất Duy Bình, 27 tuổi, quê ở Sơn Tây đã làm nghề ở Sơn Đồng 7 năm nay cho hay, năm nào cũng vậy, càng gần Tết càng nhiều việc. "Có năm, ba mươi Tết tôi mới về nhà. Mệt thật đấy nhưng làm việc chăm chỉ, Tết về cũng có thêm chục triệu cho gia đình". Mỗi người mỗi việc, Sơn Đồng chính là miền đất hứa mang lại cuộc sống ổn định cho họ.
Theo ông Nguyễn Trí Dậu, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng, toàn xã có khoảng 1.600 hộ dân thì 70% số hộ làm nghề truyền thống, mỗi hộ có ít nhất một người biết nghề chạm khắc gỗ. Có hơn 200 hộ sản xuất chuyên nghiệp có thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm như gia đình các nghệ nhân Nguyễn Viết Thắng ở xóm Đình, Nguyễn Bá Khẩn ở xóm Rảnh, anh Trần Quang Khang ở xóm Hân… Nhờ nghề truyền thống, đời sống người dân trong xã không ngừng được nâng lên. Việc học của con em trong xã cũng được đề cao hơn, hiện cả xã có 130 em đang theo học đại học; văn hóa nông thôn được giữ gìn…