Nét đặc biệt trong Hội Gióng ở Đông Bộ Đầu

Xã hội - Ngày đăng : 07:48, 22/01/2011

(HNM) - Người ta thường nhắc tới Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng. Ít người biết rằng, Hội Gióng ở làng Đông Bộ Đầu, xã Thống Nhất, huyện Thường Tín Thủ đô Hà Nội, có những nét đặc sắc không kém.


Thần tích độc đáo

Người dân xã Thống Nhất thường nói về ngôi nghè ngoài bãi sông thờ thân mẫu đức Thánh Gióng. Vào khoảng đầu thế kỷ X, nghè được chuyển vào phía trong đê để việc phụng thờ được chu đáo hơn. Những năm sau đó, do nhu cầu mở rộng không gian văn hóa tín ngưỡng, dân làng đã đứng ra dựng ngôi đình to, cột gỗ lim có đường kính mấy người vòng tay ôm mới xuể. Qua nhiều lần trùng tu, hiện đền Bộ Đầu có kiến trúc đẹp nổi tiếng vùng đồng bằng sông Hồng với những hàng cột gỗ lim khổng lồ, chiều cao mỗi cột hơn chục mét, tạo ra khu tiền đường bề thế và hoành tráng. Ông Bùi Tiến Vượng, trưởng thôn Đông Bộ Đầu cho biết: đền Bộ Đầu hiện đang lưu giữ bản sao thần phả "Bộ Đầu linh từ sự tích Đổng Sóc Thiên Vương Huyền Thiên Đại Thánh, Thành hoàng nhất vị". Thần phả kể sự tích Thánh Gióng, có nhiều đoạn tương đồng với chuyện kể ở làng Phù Đổng, nhưng có điểm khác biệt là Thánh Gióng có thêm chiến công diệt thủy quái cứu mẹ, bảo vệ bình yên cho dân làng. Cảm kích trước công lao to lớn của Thánh Gióng, hằng năm vào ngày 19-9 âm lịch, sau kỳ lũ cuối sông Hồng, tương truyền là ngày hóa của đức Thiên Vương, dân làng mở hội tế thần. Nhưng ngày hội chính, hội lớn trong các lễ hội thuộc tỉnh Hà Tây cũ lại là ngày mùng 8 tháng Giêng, tương truyền là ngày sinh của đức Thánh. Công việc tổ chức và chuẩn bị lễ hội chủ yếu do 11 dòng họ của thôn đứng ra gánh vác.

Từ mùng 4 đến 6 tháng Giêng, các dòng họ nhộn nhịp làm bánh dày, bánh mật, bánh gai, bánh bột lọc giả giò lụa… nhiều màu sắc, chuẩn bị lễ vật, thịt, gạo dâng Thánh và đón khách phương xa. Ngày mùng 7, các dòng họ cùng nhân dân dâng lễ vào đền. Sáng mùng 8, chính hội diễn ra long trọng tại cửa đền với sự tham dự của hàng vạn người dân.

Đề cao tinh thần thượng võ

Sau các kỳ hành lễ, hội làng Đông Bộ Đầu diễn ra tưng bừng, náo nhiệt với nhiều trò chơi dân gian như: bơi thuyền bắt vịt, thi chèo thuyền trên sông Hồng để cùng nhau nhớ lại chiến công diệt thủy quái cứu mẹ, cứu dân của đức Thánh năm xưa. Tuy nhiên, độc đáo nhất vẫn là trò múa gậy chầu Thánh. Mở đầu cho buổi sinh hoạt cộng đồng đề cao tinh thần thượng võ này, các bậc cao niên Bộ Đầu múa khai trương trước sân đền, mặt hướng về phía bài vị thờ Thánh và Thành hoàng làng. Sau đó là cuộc thi múa gậy của các họ trong làng, của các làng khác trong vùng. Người tham gia múa gậy thường là trai đinh. Cây gậy múa là đoạn tre đằng ngà dài 2,5-2,8m, trang trí những vòng xanh đỏ, trắng trông rất đẹp mắt, ngụ ý giáo dục con cháu nhớ đến công lao đánh giặc, giữ làng, giữ nước của đức Thánh Gióng. Khởi đầu hội thi múa gậy, từng cặp đấu tập trung ở cửa đền, đầu quấn khăn rìu, eo thắt dải đỏ, chân quấn xà cạp, tay trái chống nạnh, tay phải chống gậy chờ hiệu lệnh. Khi tiếng trống chiêng vang lên, người nào người nấy cùng lúc đưa chân đá gậy tung lên, hai tay giơ đón gậy, múa ba vòng tròn chào thần, chào người xem.

Ông Hoàng Văn Thảo, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất cho hay: Đội quân tham gia múa gậy phải luyện tập hàng tháng để cho thông thạo các bài múa cổ truyền và nguyên tắc thi đấu. Hiện làng Bộ Đầu còn 5 bài múa gậy được thực hành và lưu truyền trong lễ hội. Đó là bài "múa vớt", người múa nâng tay gậy đưa hớt ngang mặt, bước lên ba bước, lùi xuống ba bước. "Múa ráo đất", người múa tay cầm gậy giơ lên phía trước, rồi đưa vào kẹp nách, quay người xoay vòng lại phía sau. "Múa vắt khăn", người múa đưa gậy vụt xuống 3 lần rồi chuyển gậy ra sau gáy, vào thế đưa gậy ra đỡ. "Múa quét chợ", người múa đưa gậy lùa qua đầu, quét qua chân. "Múa đánh là lật", người múa xoay tròn gậy trên đầu, rồi đánh gậy xuống, quay 180 độ từ phải sang trái, từ trái sang phải… Đây là bài đánh khó nhất. Trong cuộc thi múa gậy, tay gậy nào giữ gậy được đến hết buổi thi thì được tôn là chủ soái, được phần thưởng xứng đáng.

Như vậy, Hội Gióng ở các địa phương khác nhau, tuy có những nghi lễ khác nhau nhưng đều có điểm chung là cộng đồng có công đầu trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của lễ hội.

Ngọc Huyền